Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà mỗi lần ho, sụt sịt hoặc có vài biểu hiện trong hệ tuần hoàn đều có thể khiến giật mình lo lắng: Đây có phải là sự khởi đầu của việc nhiễm Covid-19? Tuy nhiên, đối với một số người, đó không chỉ là mối quan tâm thoáng qua: Các chuyên gia cho biết đại dịch đã gây ra sự gia tăng lo lắng về sức khỏe. Trên thực tế, lo lắng về sức khỏe liên quan coronavirus đã được đặt tên riêng: coronaphobia.
Lo lắng thái quá về sức khỏe được định nghĩa là những lo lắng liên quan mối đe dọa nhận thức đối với sức khỏe. Nó có thể là một khía cạnh của một số bệnh tâm thần, trong đó có chứng hypochondriasis (rối loạn lo âu). Gordon Asmundson, giáo sư tâm lý tại Đại học Regina ở Canada và là đồng tác giả quyển It’s Not All in Your Head: How Worrying about Your Health Could Be Making You Sick – and What You Can Do About It, cho biết: “Lo lắng về sức khỏe một cách quá mức là việc cứ tin chắc rằng những cảm giác hoặc thay đổi của cơ thể là do bệnh mà ra”. Trong các đợt bùng phát virus như Covid-19 lần này, những người lo lắng về sức khỏe một cách quá mức có thể hiểu sai các cơn đau cơ sau khi tập thể dục hoặc một cơn ho, khi họ nghĩ mình bị nhiễm coronavirus.
Mặc dù lo lắng về sức khỏe là có lợi, vì có thể thúc đẩy bạn thực hiện các bước cần thiết bảo vệ cơ thể – chẳng hạn đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách xã hội và thường xuyên rửa tay. Tuy nhiên, lo lắng thái quá có thể dẫn đến rắc rối. “Những người có mức độ lo lắng về sức khỏe quá mức sẽ tham gia vào nhiều vào các hành vi kiểm tra, chẳng hạn suốt ngày ăn rồi đo mạch hoặc thân nhiệt, thường đi từ bác sĩ này sang bác sĩ khác để tìm kiếm sự trấn an” – theo Steven Taylor, giáo sư tâm lý học tại Đại học British Columbia – “Sự “tái đảm bảo” có thể như liều thuốc gây nghiện và nó có thể kéo dài”.
Lo lắng về sức khỏe cũng có thể người ta khiến thường xuyên tìm kiếm trên Internet để xem liệu các triệu chứng có phù hợp với bất kỳ căn bệnh nào mà họ sợ mắc phải hay không. “Đó là một vấn đề thực sự, vì “bác sĩ Google” sẽ đưa ra những chẩn đoán đáng sợ hoặc những thông tin lệch lạc” – giáo sư Taylor nói – “Nó dẫn người ta đi xuống một cái hang thỏ: Bạn kiểm tra một thứ, và rồi một thứ khác và cuối cùng bạn có thể khiến bản thân sợ hãi hơn”. Ngoài ra, lo lắng về sức khỏe có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ; và gây ra các triệu chứng, chẳng hạn nhịp tim nhanh, thở nông, đau đầu và đau dạ dày. Hậu quả, nó cản trở chất lượng cuộc sống của bạn, làm suy giảm tâm trạng, sự tập trung và khả năng tận hưởng các hoạt động vui vẻ bình thường. Những người lo lắng về sức khỏe cũng có thể lo lắng về tính an toàn của vaccine.
Những người dễ bị lo lắng về sức khỏe có thể đã sống trong một môi trường với cảm giác lo lắng hoặc dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, nếu cha mẹ bạn thường xuyên lo lắng về việc tiêu hóa của họ hoặc quấy rầy bạn quá mức khi bạn bị cảm lạnh, bạn có nhiều khả năng cảm thấy bản thân mình “mỏng manh”. Bạn có thể tự kiểm soát sự lo lắng về sức khỏe. Đây là cách thực hiện (dẫn lại từ Washington Post ngày 9-2-2021)…
Gắn bó với lối sống lành mạnh
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, kết nối với những người khác và tập thể dục thường xuyên. Bác sĩ Taylor nói: “Quá trình suy giảm thể chất diễn ra rất nhanh, có thể gây ra các triệu chứng đáng lo ngại khác, chẳng hạn như nhịp tim tăng cao hoặc khó thở sau khi leo cầu thang. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy rằng tập thể dục nhịp điệu, đặc biệt là tập thể dục cường độ cao, chẳng hạn chạy bộ, có thể có tác dụng đáng kể và nhanh chóng trong việc giảm lo lắng.
Thực hành chánh niệm
Khi bạn cảm thấy lo lắng bùng lên, hãy ngồi xuống, bình tĩnh, chấp nhận rằng nó đang ở đó và đặt nó vào “hộp tinh thần”, để bạn có thể tiếp tục cuộc sống. Hoặc thử viết những lo lắng về sức khỏe vào một cuốn sổ, sau đó đóng cuốn sổ lại và chuyển sự chú ý sang việc khác.
Làm dịu hệ thần kinh
“Nếu bạn học cách kiểm soát việc kích hoạt hệ thần kinh tự chủ thì nó sẽ đưa bạn vào chế độ vận hành bình thường hơn là dẫn đến trạng thái nguy hiểm” – Asmundson nói. Bạn có thể thực hiện điều này với cách thở cơ hoành theo nhịp (hít vào từ từ bằng mũi trong hai nhịp, tạm dừng một hoặc hai nhịp, sau đó thở ra trong hai nhịp; bụng của bạn phải trồi lên và hạ xuống theo từng nhịp thở), từ từ thả lỏng cơ (căng một cách có hệ thống rồi thả lỏng nhóm cơ cụ thể).
Tránh các hành vi kiểm tra quá mức
Liên tục theo dõi nhiệt độ hoặc khứu giác để tìm Covid-19 hoặc tìm kiếm các dấu hiệu… ung thư trên da sẽ không mang lại lợi ích gì cho bạn. Nếu bạn có các triệu chứng thực sự đáng lo ngại, chẳng hạn chóng mặt, ngất xỉu hoặc một khối u dai dẳng ở vú hoặc bẹn, bằng mọi cách, hãy đến gặp bác sĩ đáng tin và làm theo lời khuyên. Tuy nhiên, đừng nhảy từ bác sĩ này sang bác sĩ khác, tìm kiếm sự trấn an và đừng dành hàng giờ để tìm kiếm thông tin sức khỏe trực tuyến. Hãy tắt Internet khi bạn không làm việc và nên bận rộn với các hoạt động lành mạnh như tô màu, đan lát hoặc đọc sách…
Thay đổi suy nghĩ
Cách bạn nghĩ về cảm giác cơ thể và sức khỏe tổng thể có thể gây ra lo lắng nhưng cũng có thể giảm thiểu lo lắng. Nếu chỉ tập trung vào các triệu chứng tiêu cực hoặc tự đưa ra một kết luận thảm khốc, điều đó chỉ làm tăng mạnh sự lo lắng về sức khỏe. Bạn có thể phá vỡ điều đó bằng cách điều chỉnh lại nhận thức: đặt câu hỏi về những suy nghĩ lo lắng và cố gắng tạo ra một đánh giá thực tế hơn về sức khỏe của mình.
*****
Nếu bạn nghĩ mình có thể mắc chứng coronaphobia, hãy ghi nhớ điều này: “Lo lắng về sức khỏe có thể chỉ là thoáng qua. Chỉ vì bạn đang lo lắng về sức khỏe trong thời kỳ đại dịch không có nghĩa là nó sẽ trở thành vấn đề lâu dài”. Điều quan trọng là thực hiện tất cả những gì cần thiết để khống chế nó chứ không phải để nó làm chủ cuộc đời bạn.