Bài viết “Cái tát của mẹ!” của gã hề Xuân Bắc bị thiên hạ chửi “sấp mặt”, nhưng gã vẫn an nhiên tự tại, ngồi rung đùi uống rượu Tết. Người ta nói gã mất dạy, khi tự ví gã là “thằng mẹ thiên hạ”, còn khán giả như những đứa con hỗn xược, bị “thằng mẹ” tát lật mặt, vì cái tội “ăn cháo đá bát”.
Bài được đăng tối mùng Một Tết, cho đến ngày mùng Sáu Tết gã vẫn để ở chế độ công khai cho thiên hạ trên Facebook vào chửi. Nhiều câu chửi nghe chướng tai ghê lắm nhưng gã vẫn lặng thinh, cười ruồi. Giờ mới thấy nụ cười của gã đêu đểu, chứ trước đây chỉ thấy gia giả thôi!
Đểu một cái là cũng trong ngày Mùng Một Tết, có một bài báo phỏng vấn gã. Gã nói như đinh đóng cột là khen chê là quyền của mọi người… Nếu mọi người không vừa lòng thì gã sẽ xem xét để cố gắng hơn…
“Tôi quen với những nhận xét hai chiều. Bạn nghĩ đi, cái gì cũng có hai chiều, chưa hẳn lời chê là xấu, chỉ là do cảm nhận khác nhau thôi. Tôi đón nhận như điều tất yếu, dễ hiểu của cuộc đời”.
Người ta chưa “tiêu hóa” câu nói đó của gã thì gã giơ tay xáng cái “BỐP!!!” vào khán giả.
Gã lật mặt trong một nốt nhạc. Thế mà trên Facebook, cụ Nguyễn Thắng còn nhẹ nhàng khuyên gã đừng mắc bệnh ngôi sao, vì “sẽ nhận được cái tát của người dân trong sự nghiệp sắp tới”. Gã nhếch mép chẳng thèm đếm xỉa.
Cụ Đức thì phân tích: “Ông nằm và nghĩ lại đi công chúng họ đưa ông lên được thị họ cũng có thể vít cổ ông xuống. Ông nghĩ ông là ai, mà ông ám chỉ bài viết cái tát của mẹ, để chửi khán giả? Mong sao táo quân sang năm không phải nhìn thấy cái mặt của ông, ông móm hàm dưới ạ!”
Gã bất chợt đưa tay rờ cái cằm của gã tính nói gì đó nhưng sợ bị chửi nữa nên giữ im lặng. Em gái Hà Thảo còn đá qua bộ phận trên cái cằm của gã bằng câu: “Mỏ nhọn hoắt thế kia nịnh bợ thì nhất Hà Nội!” Cái miệng mà em gọi bằng mỏ thì xem ra em khinh gã ra mặt.
Chẳng biết em Thảo có biết xem tướng không mà nói “như đúng rồi”, giờ nhìn kỹ mới thấy mỏ gã nhọn thật. Theo nhân tướng học thì đàn ông nào mỏ nhọn thường là người không thành thật, nói hay làm ít. Đa số họ là người ích kỷ chỉ biết nghĩ đến bản thân và vì lợi ích của mình mà sẵn sàng làm tổn thương người khác. Trong chuyện tình cảm, những người này còn được xem là thiếu trung thủy, dễ ngoại tình.
Phần đầu có lẽ đúng, chỉ tính bài “Cái tát của mẹ!” thôi đã làm tổn thương biết bao nhiêu người, khiến họ tập hợp lại tẩy chay gã. Thêm cái tướng “móm hàm dưới” của gã cũng chẳng tốt đẹp gì, vì nó thể hiện con người cố chấp, luôn coi mình là trung tâm vũ trụ. Còn vế sau chưa biết thế nào, vì nếu gã muốn ngoại tình cũng chẳng dễ. Trước đây thiên hạ đã từng chứng kiến vợ gã “động miệng” rồi. Ai cũng né!
Có người lại đem trình độ viết văn của gã ra phê phán, nói chữ nghĩa lủng cà lủng củng, chính tả sai be bét. Cụ bà Bằng Lăng Tím nói gã có “văn phong lớp 4”, nhưng cụ Thắng chỉ đánh giá gã chỉ mới học lớp 2 thôi, cụ nói “lên lớp 4 là được xem như có học rồi, chữ nghĩa phải khác”.
Cô nàng Vô Thường lại có một so sánh rất hình tượng: “Giám Đốc Nhà Hát Kịch Việt Nam (là gã) có trình độ ngang với Giám Đốc Trung Tâm Đăng Kiểm Nhà Bè (gã này không biết chữ)!”
Chỉ vì cái bài chết tiệt ví mình như “thằng mẹ thiên hạ” mà gã bị người đời khinh bỉ đến như thế, chứ gã học không đến nỗi tồi. Gã tốt nghiệp Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội năm 1998, sau đó làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Thế là nhân dân đóng thuế nuôi gã, cho gã phát triển sự nghiệp từ đó đến nay. Sau 17 năm làm hề, diễn tuồng cho nhà hát, nhờ vào đảng hắn được ban cho danh xưng “Nghệ sĩ Ưu tú” năm 2015, rồi năm sau gã nhảy thót lên ghế Phó Giám đốc. Đến năm 2021 gã leo lên đỉnh của quyền lực: Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Chức này tương đương với hàm Vụ trưởng đấy, chứ chẳng nhỏ đâu.
Có thể vì thế mà gã trở nên ngạo mạn, chửi khán giả như mẹ chửi con. Gã làm cho nhiều người thấy nhục, vì đã còng lưng đóng tiền thuế nuôi gã phổng phao, ăn trên ngồi trốc để rồi gã múa mỏ chửi cả thiên hạ như thế.
Nàng Bạch Hoàn “xách đầu” gã vứt trước mặt các “quan văn hóa” cấp cao hơn gã đặt câu hỏi: “Tại sao một người với trình độ kém cỏi (đến mức đánh máy còn không biết bỏ dấu câu sao cho đúng), một người với nhận thức lệch lạc, ăn nói thô bỉ, thể hiện tục tĩu… lại có thể là GIÁM ĐỐC Nhà hát kịch Việt Nam?” Và:
“Tại sao một người có tư duy đứng trên người khác, tư duy ban phát, đòi hỏi người khác phải biết ơn dù mình làm dở, dù anh ta chẳng cho không người khác thứ gì… lại có thể làm người quản lý các nghệ sĩ, làm người truyền bá văn hoá và xây dựng đời sống tinh thần cho người khác?”
Nhiều người cũng cho rằng gã không xứng đáng ngồi trên chiếc ghế Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, cần gom 10.000 chữ ký gởi đến cơ quan chủ quản của gã yêu cầu cho gã về vườn.
Có lẽ nàng Bạch Hoàn và nhiều người nữa sẽ rất thất vọng vì trong buổi trả lời phỏng vấn báo Dân Việt ngày 26 Tháng Giêng (mùng Năm Tết), ông Trần Hương Dương – Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn chỉ khuyên gã cân nhắc lời ăn tiếng nói, và thận trọng trong mọi hành xử thôi. Ông nói:
“Xuân Bắc cần rút kinh nghiệm và cần có lời chia sẻ chân thành đối với khán giả nói chung và những người yêu mến anh nói riêng để mọi người cảm thông”.
Lời phát biểu của ông Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn (cấp trên của gã) như một cái tát mạnh hơn cái tát của gã đánh vào khán giả. Nó cho mọi người thấy gã biết dùng “con bài” nào để hóa giải “tai kiếp”.
Chú em Trần Tây Côn cho rằng ông Dương đã có một pha mở đường hết sức tinh tế, và dự đoán rằng “hôm nay Bắc sẽ có nhời mong nhân dân tha thứ!”
Nhân dân cũng hết nhời, và cũng chẳng muốn nghe.