Có ai biết bố ông Trần Sỹ Thanh là ai không?

Ông Trần Sỹ Thanh, Tân Chủ tịch TP. Hà Nội – Ảnh: VietnamNet

Chiều 22 tháng Bảy, với 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã bầu ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, làm Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026.

Hầu hết tờ báo lớn trong nước đều đăng tin này với sự hồ hởi, phấn khởi như thường lệ. Cái “tỷ lệ vàng” (100%) ấy đã trở thành quen thuộc ở những vụ bầu cử có sắp đặt do đảng và nhà nước tổ chức, nên chẳng ai ngạc nhiên nữa. Người ta sẽ ngạc nhiên khi tỷ lệ này không trọn vẹn, thí dụ như 99.9%. Chỉ cần một người trong một ngàn người bỏ phiếu trắng (hoặc phiếu trống) để thể hiện quan điểm riêng sẽ là một “quả bom nổ chậm” trong lòng chế độ.

Ông Trần Sỹ Thanh được Bộ Chính trị đưa về Hà Nội làm Phó Bí thư Thành ủy, với mục đích giới thiệu để HĐND bầu ông làm Chủ tịch TP. Hà Nội, thay cho ông Chu Ngọc Anh đã gia nhập “đội bóng Juventus” trong nhà tù cùng với người tiền nhiệm của ông Chu Ngọc Anh là ông Nguyễn Đức Chung.

Hồi ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh được Bộ Chính trị đưa về làm Chủ tịch TP. Hà Nội, báo chí cũng ca ngợi rầm trời, đưa hai ông lên tận mây xanh, với tài kinh bang tế thế, là niềm hy vọng của người dân thủ đô,… Nhìn lại những đảng viên cao cấp, trước khi được Bộ Chính trị cho nắm quyền lực, có thể thấy tất cả đều phải tốt nghiệp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của chế độ. Hèn gì ông nào ông nấy đều phát biểu một giọng, đều đề cao “vai trò nhân dân” nhưng phải… đặt dưới “sự quản lý của đảng”, đều hừng hực khí thế “xây dựng đất nước”, đều đồng thanh thề trong sạch chống tham nhũng…

Thế nhưng, cũng mấy năm nay, các bố lãnh đạo trung, cao cấp của chế độ đều rủ nhau đi “chăn kiến” vì tham nhũng. Hóa ra cái Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là nguồn của ổ tham nhũng lớn nhất nước. Ngài đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đâu cần dòm đâu cho xa. Nếu ông muốn “trừ gian diệt bạo” thì cứ “thanh lọc” cái ổ vi trùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh của ông.

Chua chát hơn, khi người dân chợt nhìn ra rằng tất cả những tên tham nhũng gạo cội nhất, đều được Bộ Chính trị giới thiệu về các bộ, ngành, tỉnh, thành,… làm lãnh đạo! Cứ mỗi lần có lãnh đạo mới ở bộ, ngành hay địa phương, lại có lời khen ngợi sự sáng suốt của Bộ Chính trị, của đảng khi giới thiệu “nhân tài” ra phục vụ đất nước, nhân dân.

100% “nhân tài” được Bộ Chính trị giới thiệu đảm nhận các vị trí quan trọng trong bộ máy đều được Quốc hội, hoặc HĐND các cấp mau chóng thông qua với tỷ lệ thuận hầu như tuyệt đối. Đến khi những con sâu róm xuất hiện, phá nát bộ máy, Bộ Chính trị chưa bao giờ phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này thuộc về Quốc hội, hay HĐND các cấp; nói trắng ra, trách nhiệm đó thuộc về người dân.

Hóa ra cái nơi có quyền sinh sát nhất, lại là nơi vô trách nhiệm nhất!

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu nhậm chức ngày 22 tháng Bảy – Ảnh: VietnamNet

Trở lại chuyện ông Trần Sỹ Thanh về làm Chủ tịch TP. Hà Nội. Như thường lệ, báo chí ca tụng ông bằng những “lời có cánh”… gián, vì hầu hết đều là sáo rỗng:

– Mong Chủ tịch Hà Nội nhớ: ‘Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất’

– Tân Chủ tịch Hà Nội ưu tiên tạo đột phá trên ba lĩnh vực

– Tân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: Thủ đô sẽ chuyển mình và phát triển rực rỡ

Chẳng biết tài kinh bang tế thế của ông Tân Chủ tịch Trần Sỹ Thanh ra sao, nhưng lời phát biểu của ông Thanh trong ngày nhận nhiệm vụ (do Bộ Chính trị giao) đã khiến nhiều người thất vọng.

Ông nói Nghị quyết số 15 đã khẳng định Hà Nội là Trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia,… và ông sẽ dốc toàn tâm toàn ý thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng.

Phát biểu của ông Thanh cho người ta cảm giác rằng, ông chỉ cần làm đúng tinh thần nghị quyết là đủ. Đương nhiên, ông Thanh phải có quyết sách từ thực tế, nếu thất bại ông sẽ là người chịu trách nhiệm, nếu thành công, đó là nhờ sự lãnh đạo của đảng.

Một số người có tinh thần lạc quan XHCN cho rằng, ông Thanh sẽ thành công, sẽ tiếp tục “hoàn thành nhiệm vụ” như ông đã từng làm được trong suốt 16 năm qua, với 11 chức vụ, như nhiều báo đài đưa tin.

Khó có thể nói ông Thanh đã “hoàn thành nhiệm vụ” trong 16 năm qua với 11 chức vụ, bởi chẳng có chức vụ nào ông ngồi đủ một nhiệm kỳ. Thế thì lấy gì nói ông “hoàn thành”? Nếu hỏi “dấu ấn” của ông Thanh để lại trong suốt 16 năm công tác là gì, thì chính ông cũng chẳng biết.

Có thể giải thích việc ông Trần Sỹ Thanh phải trải qua nhiều chức vụ như thế là do các quy định về quy hoạch, luân chuyển cán bộ trong đảng. Thế nhưng hình như từ trước đến nay, trong kế hoạch luân chuyển cán bộ, chỉ có ông Thanh là chịu áp lực lớn như thế?

Cũng có thể lý giải bằng hai cách nhìn: Một là ông Thanh cực kỳ giỏi, hai là phải biết bố ông Thanh là ai.

Hiện nay, người ta chỉ biết ông Thanh là cháu ông Nguyễn Sinh Hùng – cựu Chủ tịch Quốc hội khóa XIII – 2011-2016.

Có ai biết bố ông Thanh là ai không?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: