Cái đền thờ Trốc Vực này diện tích tổng thể lên đến 7,600 m2, thế mà từ lúc Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho động thổ xây dựng từ Tháng Ba năm 2022 cho đến nay, chính quyện cấp trên là huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) “không hề biết”!
Điều lạ là cho đến nay dù đã có nhiều hạng mục công trình hoàn thành và đưa vào thờ cúng, nhưng lãnh đạo huyện cho biết… chưa biết thờ ai?
Bây giờ mới bắt đầu câu chuyện dở khóc dở cười.
Theo báo Tiền Phong, khu đất xây đền thờ này nằm ở vị trí rất đẹp, trên quả đồi trồng thông, phía trước là thượng nguồn sông Kiến Giang. Hồi trước ở đấy có một cái miếu nhỏ do dân làng lập, đặt tên Miếu Bà. Giờ thì chẳng ai biết tên bà nhưng dân làng cứ quanh năm nhang khói theo tục lệ.
Đùng một cái, ngày 28 Tháng Ba năm 2022, ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) ban hành Quyết định số 419/UBND-ĐCXD “Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng, tôn tạo quần thể danh thắng văn hóa tâm linh Đền Trôốc Vực tại thôn Văn Minh, xã Trường Thủy”, theo hình thức xã hội hoá. Nhà đầu tư được chấp thuận là Công ty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm, có trụ sở tại TP Đồng Hới, với tổng mức đầu tư 29.9 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 7,600 m2, bao gồm đất rừng sản xuất và đất trồng cây hằng năm.
Thực ra theo luật định thì ông chủ tịch xã làm gì có cái quyền lớn như thế! Thêm nữa, công ty Trí Nhân Tâm, chủ đầu tư khu Đền thờ Trôốc Vực không phép, lại chính là công ty đã mất “uy tín” với tỉnh Quảng Bình khi thi công công trình trùng tu, tôn tạo, mở rộng Di tích Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới chân Đèo Ngang đã 10 năm rồi vẫn chưa xong.
Dư luận biết chuyện rất ngạc nhiên, vì một ông chủ tịch xã bé tí tẹo mà dám “qua mặt” cấp trên chi bạo tay 29.9 tỷ đồng thì chắc phải dựa vào ai đó. Còn công ty xây di tích 10 năm chưa xong nhưng vẫn không bị phạt hay đưa ra tòa thì chắc chủ tịch tỉnh cũng đang “ngậm bồ hòn”.
Chính quyền nát từ trên, nên xuống tới xã giống như tương Bần thì cũng không có gì lạ.
Bây giờ đến phần “đổ lỗi.
Ông Đặng Đại Tình (cũng tên Tình), Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng, công trình nói trên là do xã làm, ông sẽ cho kiểm tra, rà soát thủ tục để hoàn thiện đúng luật, “đó chưa phải là quần thể danh thắng vì chưa xếp hạng, cũng như việc thờ ai chưa tường minh”.
Ý ông Tình (tỉnh) là ông Tình (xã) làm bậy, vượt cấp nên UBND huyện rồi tỉnh không biết, giờ thì các ông phải “nắn” luật lại cho đúng với thực tế. Nghe vui ghê!
Xui cho ông Tình (tỉnh) là phóng viên báo Tiền Phong lại tìm ra được một loạt văn bản liên quan khu quần thể này do UBND xã gửi Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, đều do UBND huyện Lệ Thủy gửi đều có chữ ký của Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy.
Dư luận lại “ồ” lên nói “thì ra các ông biết sai nhưng vẫn ‘nhắm mắt’ cho qua. Chỉ có tiền mới kéo cái mắt của mấy ông sụp xuống được. Hèn chi thấy ông Tình (xã) chẳng lo lắng gì cả. Có chết thì chết chùm mà!”
Có vẻ như chính quyền các cấp sẽ thương lượng xử lý vụ này cho êm, nên hiện nay họ chỉ lo xử lý “mặt trận truyền thông”, đưa dân chúng vào vùng u mê bằng việc “tô vẽ” nhiều giai thoại nhằm hợp thức hoá cho ý đồ của mình.
Họ cho rằng, ở khu vực Trôốc Vực là rất linh thiêng, nên Cao Biền – một nhà phong thuỷ của Trung Quốc cổ đại đã đến đây trấn yểm nhằm triệt long mạch nhưng không thành; đền thờ Trôốc Vực liên quan cội nguồn dân tộc vì thờ Tổ Mẫu Linh Từ…
Điều này khiến giới học giả và dư luận hết sức bất bình khi chính quyền xem dân chúng như một “lũ vô học”, không biết gì về lịch sử hay giai thoại.
Một học giả cho rằng, tất cả những nhân vật trong các giai thoại này đều ở trước thời điểm vùng đất Quảng Bình từ Chiêm Thành thuộc về Đại Việt. Do vậy Cao Biền và Tổ Mẫu Linh Từ sẽ không vào vùng đất Chiêm Thành để trấn yểm, cũng như linh ứng.
Trước dẫn chứng của học giả này, các vị lãnh đạo từ xã lên tới tỉnh đang tìm một huyền thoại khác thế nào sao cho vùng đất này “linh ứng”. Nếu tìm không được, chắc một số vị sẽ về chung một mái nhà… tù.