Với bản tin “Gánh nợ hơn 3 tỷ USD đè nặng Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam”, trang VTC News cho thấy tình hình ngổn ngang của tập đoàn này.
Than là loại khoáng sản tự nhiên, nằm sẵn trong lòng đất, chỉ cần tổ chức đào lên rồi đem bán mà các ông lãnh đạo tập đoàn cũng bị lỗ từ năm này sang năm kia thì quả thật khó hiểu. Người dân nói “khó thế mà mấy ổng cũng làm được thì quả thật là ‘thiên tai’ cho đất nước”.
Thực ra, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam “phá gia chi tử” đến đâu, họ cũng chẳng mang một gánh nợ nào cả, vì đó là tập đoàn của nhà nước. Lời thì nhà nước hưởng, còn lỗ thì dân đóng thuế thêm bù vào. Nhiều người ta thán: “Khi làm ăn có lời thì mấy ông chia nhau, khi lỗ thì dân chúng tôi gánh chịu”, cũng chẳng sai.
Mà ngặt một cái, không chỉ có một mình ông bán than than lỗ, hay ông bán điện cũng than lỗ,… nhưng lỗ tới 3 tỷ đôla Mỹ thì quả thật khó có ai nghĩ ra được.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất sáu tháng đầu 2022, Vinacomin ghi nhận khoản nợ phải trả lên đến 74.4 nghìn tỷ đồng (hơn $3 tỷ), trong đó nợ ngắn hạn là hơn 44.4 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hiện gấp 1.6 lần vốn sở hữu của Vinacomin.
Cứ tính bình quân như thế này cho dễ hiểu: Mỗi sáng, khi mở mắt dậy là mấy thằng dân phải gom tiền lại trả giùm thằng bán than hơn 6.5 tỷ đồng tiền lãi (trên $276 ngàn) cho nhiều khoản nợ vay. Chỉ tính những món nợ vay lớn, trong sáu tháng đầu năm ngoái, Vinacomin phải trả tới 1.1 nghìn tỷ đồng lãi suất vốn vay (hơn $46 triệu)!
Có người hỏi than có sẵn, chỉ việc đào lên bán thôi mà cũng lỗ vốn là sao? Đương nhiên câu trả lời phải dành cho mấy ông lãnh đạo ngành bán than (bán luôn nước). Tuy vậy, nhìn vào hoạt động của tập đoàn này thì người ta thấy lý do lỗ cũng dễ hiểu thôi, vì đào lên bán được bao nhiêu mấy ông mang đầu tư tràn lan, không định hướng, dẫn đến nhiều công ty con cũng theo công ty cha, lỗ chỏng gọng.
Đơn cử như Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 30.8 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 252 tỷ đồng, bằng 63% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ lũy kế là 21 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đồng Tả Phời lỗ 203.4 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 230.5 tỷ đồng, bằng 50.3% vốn điều lệ…
Đặc biệt hơn, một số đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính, phải đưa vào giám sát tài chính đặc biệt. Đơn cử như Công ty than Hà Lầm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hai năm liên tiếp cao hơn mức quy định (trên 10 lần). Một số đơn vị đầu tư vốn nhiều năm đến nay đã tạm dừng hoạt động, gây nên rủi ro thu hồi vốn. Bao gồm Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê…
Thấy gì từ các chỉ số tài chính của tập đoàn ‘xúc than lên bán cũng lỗ’?
Trang VTC News lấy số liệu từ Vinacomin cho biết, đến ngày 30/6/2022, hàng tồn kho (tức là bán không ai mua) của Vinacomin lên đến hơn 22.3 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so hồi đầu năm. Hàng bán rồi cũng không nhận được tiền, vì con nợ cứ “trây” ra không trả. Những con nợ lớn nhất là Công ty mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam hơn 2.9 nghìn tỷ đồng, Formosa Hà Tĩnh hơn 260 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng…
Đặc biệt, tại thời điểm lập báo cáo, Vinacomin có hơn 270.8 tỷ đồng nợ khó đòi nhưng dự kiến chỉ thu hồi được 37.6 tỷ đồng. Nhiều “anh em giang hồ” góp ý đòi nợ giùm rồi “cưa đôi” số tiền đòi được, cũng may mấy ông bán than cương quyết từ chối.
Tình hình tập đoàn “xúc than lên bán cũng lỗ” nát như tương bần như thế nên cũng không lạ khi có hàng loạt lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật, có ông vô tù nghỉ dưỡng. Riêng ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, đại biểu Quốc hội – đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và hành chính, phải từ chức Chủ tịch Vinacomin.
Có người nói với thành tích làm lỗ tới $3 tỷ, chỉ cần ông Chuẩn bỏ túi $300 triệu, 10% thôi cũng đủ gia đình ông sống đế vương suốt đời, cần gì cái chức chủ tịch tập đoàn “xúc than lên bán cũng lỗ” làm chi nữa!