Năm 2022 được đánh giá là sự tổn thương từ các mạng xã hội đối với con người – đặc biệt là nữ giới – ngày càng nhiều. Nhiều hành vi quấy rối trên mạng xã hội nếu không sớm được giải quyết, nhiều phụ nữ sẽ tự cô lập mình để tránh bị lạm dụng trực tuyến.
Tờ Wired dự báo rằng, nếu không có những biện pháp đối phó hữu hiệu, năm 2023 sẽ là năm mà con người mệt mỏi rời bỏ internet nhiều hơn. Phần lớn những người này đã phải đối mặt với những sự tấn công, tổn thương hoặc bị quấy rối trên mạng. Một báo cáo của Pew Research qua khảo sát ở Hoa Kỳ, cho thấy một phần ba phụ nữ trẻ cho biết đã từng bị quấy rối tình dục trực tuyến. Và trong khi nhiều người coi đó là chuyện không có gì quan trọng, thì nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy hết sức áp lực và khó chịu những trải nghiệm này, là một vấn đề hoàn toàn lớn hơn so với nam giới.
Một nghiên cứu khác của UNESCO cho thấy 73% phụ nữ được khảo sát đã từng bị bạo lực trực tuyến và 20% nói rằng họ đã từng bị tấn công thể xác hoặc bị lạm dụng ngoại tuyến liên quan đến việc đã đi sâu vào các mối quan hệ trên mạng xã hội. Sau khi gặp các trường hợp như vậy, nhiều người đã âm thầm rút lui khỏi các tương tác mạng xã hội. Thậm chí những người nổi tiếng hoặc hoạt động trên mạng xã hội cũng lẩn tránh tương tác với khán giả hay người hâm mộ.
Nhà báo người Mỹ gốc Philippines và người đoạt giải Nobel Hòa bình Maria Ressa đã viết về sự tấn công trực tuyến mà cô ấy phải đối mặt, mà có thời điểm nhận được trung bình hơn 90 tin nhắn thù địch mỗi giờ. Đó là sau khi bà điều tra và viết về những bất thường trong chiến dịch tài chính xung quanh một ứng cử viên tổng thống.
Tệ hơn, nhà báo người Brazil Patrícia Campos Mello đã nhận được hàng trăm ngàn tin nhắn qua WhatsApp, chửi bới và đe dọa đối đầu trực tiếp—nhiều đến mức chủ của bà, tờ báo Folha de S. Paulo, buộc phải thuê vệ sĩ bảo vệ. Bà Mello cho biết bà phải hủy tất cả các sự kiện đã dự định trong một tháng. Điều mà cả hai người phụ nữ đều chia sẻ, lý do là họ dám đặt câu hỏi trái chiều về hiện trạng và quyền lực khi cho đăng công khai trên mạng xã hội.
Dĩ nhiên, những cuộc tấn công đó, không chỉ từ những người bất đồng quan điểm và cực đoan. Những quốc gia có chế độ độc tài, vốn nuôi cả đạo quân khổng lồ nhằm tấn công tâm lý, thao túng thông tin và hạ nhục một ai đó bị coi là đối thủ của nhà cầm quyền, vẫn thường áp dụng thường xuyên theo chiến dịch. Họ có cả những sách giáo khoa về hướng dẫn tấn công cá nhân, hoặc tạo dựng hình ảnh và làm giả chứng cứ để bóp méo sự thật.
Nhưng không chỉ những phụ nữ nổi tiếng hoặc có là người có chính kiến mới phải đối mặt với đủ sự tấn công trực tuyến để cân nhắc việc rời bỏ mạng xã hội. Một cuộc thăm dò của YouGov tổ chức kết hợp với ứng dụng hẹn hò Bumble thực hiện, cho thấy gần một nửa số phụ nữ từ 18 đến 24 tuổi đã nhận được những hình ảnh khiêu dâm mang tính thăm dò và mời chào không mong muốn trong năm qua.
Thành viên Nghị viện Vương quốc Anh Alex Davies-Jones đã đưa cụm từ “dick pic” vào hồ sơ trong cuộc tranh luận về Dự luật An toàn Trực tuyến (UK Online Safety Bill) của Vương quốc Anh, khi bà chất vấn một nam nghị sĩ rằng ông ta đã từng nhận được một cái như vậy chưa. Như bà Alex mô tả, đó lại không hề là một câu hỏi tu từ đối với hầu hết phụ nữ.
Lạm dụng hình ảnh do AI hỗ trợ, tạo hoặc tạo ra những hình ảnh mới, có vẻ rất chân thực — hiện nay được gọi là deepfakes — là những vũ khí khác để tấn công trực tuyến có tác động lớn đến đám đông, đặc biệt là phụ nữ. Các ước tính từ Sensity AI cho thấy công nghệ tạo ra các tác phẩm deep fakes như hiện nay, đang vượt xa mọi nỗ lực để chống lại nó: các công cụ hiện tại để xác định và chống lại sự lạm dụng này đơn giản là không thể theo kịp.
Và những tác động của tác hại trực tuyến đối với phụ nữ, và những người dễ tổn thương tâm lý thật đáng sợ, đặc biệt ở những quốc gia có nhiều hạn chế xã hội, bình đẳng giả tạo. Trong một nghiên cứu tiên phong, Katy Pearce và Jessica Vitak nhận thấy phụ nữ ở Azerbaijan không dám tham gia trực tuyến nhiều vì những rủi ro tiềm ẩn trong thế giới thực, từ việc quấy rối trực tuyến đơn giản là quá cao trong một nền văn hóa dựa trên danh dự – hơn nữa lại luôn có với mức độ giám sát cao theo quy chuẩn xã hội.
Nói cách khác, phụ nữ ở những nơi như vậy, phải đối mặt với một tiêu chuẩn kép bất khả thi: không kiểm soát được hình ảnh của mình trên mạng xã hội nhưng lại bị trừng phạt nặng nề vì điều đó.
Vậy biện pháp đối phó là gì? Ngoài việc tự mình hạn chế tự tiết lộ thông tin, các biện pháp an toàn theo thiết kế tốt hơn của công nghệ có thể giúp mọi người kiểm soát hình ảnh và thông điệp của họ. Twitter gần đây đã cho phép mọi người kiểm soát cách họ có quyền cho phép ai được gắn thẻ (tag) họ vào tin hay trong ảnh. Ứng dụng hẹn hò Bumble đã tung ra một ứng dụng có tên là Private Detector, một công cụ hỗ trợ AI cho phép người dùng kiểm soát những hình ảnh khỏa thân mà họ có quyền từ chối xem.
Về mặt pháp luật, chẳng hạn như Dự luật An toàn Trực tuyến do Vương quốc Anh đề xuất, có thể thúc đẩy các công ty truyền thông xã hội giải quyết những rủi ro này để truy tận gốc kẻ tấn công. Dĩ nhiên, mọi thứ vẫn còn lâu mới hoàn hảo, nhưng dự luật có cách tiếp cận dựa trên hệ thống đối với quy định, yêu cầu các công ty đánh giá rủi ro và phát triển các giải pháp như cải thiện kiểm duyệt nội dung, giải quyết tốt hơn các khiếu nại của người dùng và thúc đẩy các hệ thống tốt hơn nhằm tiếp nhận chăm sóc người dùng.
Bạn đã từng bị tấn công và bị tổn thương trong hệ thống mạng xã hội chưa? Hãy học cánh khép lại những gì được coi là riêng tư và nhược điểm của mình trước thế giới mở, thậm chí, hãy lạnh lùng hơn với nó.