Ba phản bội mẹ, giờ lại muốn đoàn tụ gia đình

(Minh hoạ; cottonbro/Pexels)

Thưa cô, cách nay năm năm con làm giấy bảo lãnh ba mẹ qua. Ngay từ ban đầu ba con đã nói sẽ không đi, nhưng con vẫn tiến hành thủ tục, vì nghĩ, có thể ba chỉ nói vậy thôi, từ khi bảo lãnh đến ngày đi biết bao thay đổi. Không ngờ, đến ngày đi, ba con vẫn giữ ý định ở lại Việt Nam, dù mẹ con và mấy chị em con năn nỉ hết lời.

Rồi thì mẹ con đi một mình, không nói ra nhưng chị em con biết là mẹ buồn lắm! Nhưng mà nỗi buồn đó không thấm gì với những tin tức tới tấp đến với gia đình. Chừng một tháng sau ngày mẹ rời Việt Nam, ba con công khai dẫn người yêu về nhà, hai người làm một bữa tiệc lớn ra mắt bà con bạn bè.

Như thế vẫn chưa thấm gì so với việc ba con đi nói xấu mẹ khắp cùng thiên hạ. Dĩ nhiên những lời nói xấu đó đến tai mẹ và chị em con. Thật là khủng khiếp khi ba con dựng đủ mọi chuyện xấu xa đổ lên mẹ con. Ba con nói hôn nhân giữa ba mẹ chỉ là mối thương hại gia đình bên nội dành cho mẹ, chưa một ngày ba con thương yêu mẹ, tình vợ chồng chỉ là sự gượng ép bao năm. Ba con và ngay cả cô gái ra sức bôi nhọ mẹ con.

Từ ngày ba con đổ đốn như vậy, mấy chị em con từ ba, không liên lạc với ba nữa. Nhưng mới đây, ba con email xin lỗi và nói rất ân hận việc làm của mình, ba con nói giờ thì ba con biết đâu là đúng đâu là sai và đã thoát khỏi cảnh u mê ám chướng, ba con mong mẹ và các con tha lỗi, ba con xin con làm lại giấy tờ để ba con có thể đoàn tụ với gia đình.

Thưa cô, chị em con không thèm trả lời thư, và nhất quyết không bảo lãnh ba con lại một lần nữa. Nhưng mẹ con thì khóc lóc xin cho ba con được quay về, mẹ con nói, đánh kẻ bỏ đi chứ đừng đánh người quay lại. Con xin cô một lời khuyên để con có thể có cái nhìn sáng suốt trong sự việc này. Con cám ơn cô nhiều! (Xuân Thi)

GÓP Ý

-Cô Thuấn

Đương nhiên là cháu không nên bảo lãnh ba cháu lần thứ hai. Điều gì bảo đảm rằng khi qua đến đây ba cháu trung thành với mẹ và thay đổi tính nết? Điều gì bảo đảm rằng qua đây ba cháu không mèo mỡ với một cô khác?

Mà một lần bảo lãnh đâu phải dễ dàng và rất tốn kém. Thôi, ở đâu cứ yên đấy cho lành cháu ạ! Cũng là bài học cho ba cháu tu tâm. Ủa! Mà sao phải qua, cô không thấy cháu nói đến chuyện gì đã xảy ra cho người chồng bạc nghĩa kia, cái cô bồ bỏ rồi chăng?

-Mary

Ba chị phạm hai lỗi, lỗi thứ nhất là phản bội, lỗi thứ hai là nói xấu. Lỗi đầu còn có thể châm chước, có thể tình yêu không còn, có thể sống không còn hợp tính nết nữa, có thể mâu thuẫn trong cuộc sống mà thôi nhau. Nhưng thôi nhau mà còn bên xấu nhau thì không tha thứ được. Như thế là người không có nhân cách, không có lòng tự trọng, không có tình người, dù gì thì cũng đã có con với nhau, ai lại đi nói xấu vợ mình!

Thôi, chị và mẹ cũng đừng buồn phiền, cũng đừng tiếc nuối nữa. Chị an ủi mẹ và giải thích cho mẹ hiểu để quên đi con người xấu xa bạc nghĩa kia. Cứ để ông ấy sống cô đơn, mà chắc gì cô đơn mãi, như thế để ngẫm lại những gì mình làm để thấm thía tội lỗi mình gây ra.

-John Nguyễn

Thưa cô, rõ ràng là ba cô có lỗi với mẹ, nhưng với cô, cô không nói trong thư rằng ba cô có lỗi với cô. Hiện nay, có lẽ chuyện ba cô với người đàn bà sau, cơm không lành canh không ngọt rồi.

Hiện ba cô đang cầu xin cô bảo lãnh ông sang, chắc chắn ông cũng đã lớn tuổi.

Theo tôi, nếu có điều kiện cô cũng nên bảo lãnh ba qua để đền ơn sinh thành dưỡng dục. Mẹ cô đã tha lỗi thì cô cũng không nên làm quá, dù gì thì ba cô cũng đã biết thân phận. Từ nay cho đến cuối đời chắc ông không dám thay đổi gì nữa đâu, mà phần mẹ cũng đở cô đơn trong những ngày xế bóng, chắc chắn để chuộc lỗi lầm ông sẽ chăm sóc và yêu thương mẹ tận tình đó cô.

                             (Minh hoạ: Jubéo Hernandez/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Sáng nay em đưa con đi học bơi mà ở đó xảy ra một chuyện. Ở hồ bơi, người ta để những đồ chơi cho các em chơi dưới nước. Một em nhỏ, chừng bảy, tám tuổi người Việt Nam, lấy hết những đồ chơi đó sắp lên thành hồ và canh giữ. Em nhỏ không cho bất cứ bạn nào lấy những đồ chơi đó. Em nào đến lấy là em này giật lại rồi sắp lên thành hồ. Một vài phụ huynh người Mỹ, rất khó chịu, ra hiệu cho con mình tránh đi chỗ khác. Trong khi đó, bà mẹ của cô bé lại đang huơ tay múa chân tám với mấy người mẹ khác.

Em chứng kiến cảnh này và cảm thấy quá bực bội. Em muốn đến nói với bà mẹ là hãy la con mình. Nhưng mẹ em cản khuyên đừng dính vào bà mẹ phải như thế nào thì con cái mới như vậy, em dính vào rồi gây phiền phức nơi công cộng.

Em về nhà mà lòng quá ấm ức, và thấy cách xử sự của mình nó hèn hèn làm sao! Muốn yên thân nên nhắm mắt trước những điều xấu trong xã hội. Em còn tức và nhục khi thấy em bé kia là người Việt Nam.

Thưa cô Nguyệt Nga, chuyện này rất thường xảy ra nơi công cộng, và phần lớn người ta im lặng bỏ đi. Cũng có khi cha mẹ lên tiếng, nhưng thường sau đó là lời qua tiếng lại, có khi to tiếng, và em chưa từng thấy một lời xin lỗi từ phía gây chuyện.

Tại sao mình cứ làm ngơ trước cái xấu để cầu mong sự an thân!? Em thật mong qua thư này, em nhận được những góp ý về cách sống sao cho hợp lẽ, em cám ơn cô cùng quý độc giả. (Em Nhàn)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: