“Cọc đi tìm trâu” có gì mà đâu mà sai!

(Minh họa: cottonbro studio/Pexels)

Thưa chị Nguyệt Nga,

Em viết thư này hỏi chị Nguyệt Nga dù rằng em có thể hỏi chị và mẹ em, nhưng ngặt một điều là em sợ gia đình nói em… ngu và tệ hơn, em sợ gia đình nói em… mê trai.

Mẹ em thì cực khó và cổ hủ, cứ cho rằng “con nhà” thì phải biết giữ gìn gia phong, mẹ em hay nói “Trâu đi tìm cột hay cột đi tìm trâu gì đó.” Em không hiểu rõ nhưng lờ mờ biết rằng, con gái không nên bắt đầu, mà phải để con trai ngỏ ý trước. Thời đại này mà mẹ em còn nói kiểu này thì cổ hủ quá phải không chị?

Em làm việc ở một trường đại học, có một thầy giáo, cao ráo dạy part-time, nên em chỉ gặp mỗi Thứ Ba và Thứ Năm. Vì em là thư ký, ngồi ở quầy ra vào, các thầy cô giáo trước khi vào lớp phải ngang qua chỗ em ngồi, thường người thầy em thích hay ngừng lại chào hỏi năm ba câu với em. Những câu chào hỏi cũng thường thôi, dù một tuần chỉ hai lần gặp, nhưng em rất vui, những câu trò chuyện ngắn ngủi đó cứ lập đi lập lại trong trí nhớ em, khiến em rộn rã, mơ màng suốt những ngày khác trong tuần.

Tình trạng cứ vậy, cứ chỉ chào hỏi suông, em nghĩ nếu muốn tiến thì một bên phải lên đường, mà em thì em không hy vọng gì thầy tỏ lòng, vì theo suy nghĩ của em, thầy là thầy giáo, còn em chỉ là thư ký, nên em đánh bạo nói trước “Tôi thích nhất là đi làm ngày Thứ Ba và Thứ Năm, vì được gặp thầy.”

Nói xong em vừa ân hận vừa thấy nhẹ lòng. Sau câu nói của em, thầy không nói gì cả và từ đó khi đi làm thì đi thẳng không ghé ngang front desk. Trời ơi, nếu không vì công việc khó kiếm thì em đã bỏ chỗ làm vì tự ái và xấu hổ. Em muối mặt vì thấy nhục nhã, nếu chuyện này mà mẹ em biết được thì mẹ chửi cho tắt bếp luôn.

Em đau khổ thì ít mà nhục nhã và xấu hổ thì nhiều. May quá văn phòng nơi em làm cần sửa sang lại, nên em tạm dọn sang phòng khác, như thế sẽ không gặp thầy cho đến khi văn phòng sửa xong. Em mừng quá vì như vậy đỡ thấy mặt thầy trong một thời gian.

Nhưng mà sự thể nó không vậy, chừng vài ngày sau, em nhận email của thầy rằng “Đây là số cell của tôi…”

Vậy là sao hở chị Nguyệt Nga? Em phải làm sao? Em bối rối quá! Vậy là thầy có tình ý với em phải không? Em nên tiến hay lùi? Tiến bằng cách nào? Em vẫn còn nhớ như in chuyện mới đây em bị quê mặt, nên sợ sẽ bị một lần nữa. Em thật mong sớm có thư của chị. (Hồng Helen)

GÓP Ý

-Nguyên

Người xưa nói: “Trâu đi tìm cột chứ đâu mà cột đi tìm trâu” là câu nói của người xưa rồi, bây giờ là nam nữ bình quyền:

“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.” (Thơ Phùng Quán)

Như cô Hồng có nói là “Tôi thích nhất là đi làm ngày Thứ Ba và Thứ Năm, vì được gặp thầy.” Tôi thấy cũng đâu có gì đâu mà tự ái và xấu hổ. Thầy giáo khi đi làm thì đi thẳng không ghé ngang front desk thăm cô vì thầy cũng cảm thấy tim của thầy đập thình thịch vì rung động đó và vì tôi cũng là phái nam như thầy nên tôi hiểu tâm trạng của thầy, nếu thầy không thích cô Hồng thì thầy đã không cho cô số cell phone và nhất là thầy thường ngừng lại ở front desk để trò chuyện với cô làm chi cho mất thì giờ.

Nói tóm lại là thầy thích và có tình ý với cô rồi đó, cô đã biết số phone của thầy thì cứ gọi cho thầy nói chuyện bình thường đi.

Và cô cũng không cần tiến hay lùi lúc này, người tiến sẽ là ông thầy và thầy sẽ còn tiến nhanh hơn cô nghĩ đó.

Chúc cô Hồng gặp nhiều sự may mắn!

-Chị Đang

Đọc thư em, sao chị thấy thương. Theo chị thì, chúng ta đang ở thời đại không nên khư khư giữ cái quan niệm cổ xưa là con gái thì không được phép ngỏ ý với con trai trước. Vấn đề là em nên kiểm soát sự bày tỏ tình cảm của em một cách vừa phải và chừng mực thôi. Như cách em nói với ông thầy, thì đó chính là sự bày tỏ vừa phải đấy em à…

Nhưng căn cứ vào những dữ kiện em cho thì nó không đủ, hay chưa đủ yếu tố để cho rằng thầy đã có tình ý với em. Mặc dù tình cảm của cá nhân em dành cho thầy thì đã rõ. Nhưng phần “đối tác” của em thì chị phải thành thật mà nói rằng, nó vẫn chưa rõ ràng lắm đâu em. Bởi vì sau khi em đã gửi cho thầy một tín hiệu khá rõ ràng, thay vì ông ấy phải cho thấy ngay sự đáp ứng cụ thể thì, ngược lại, như thư em cho biết, những ngày kế tiếp, ông ấy “đi thẳng” mà không ghé lại front desk của em.

Theo chị, nếu lạc quan, ta có thể nghĩ sự đi thẳng kia là bởi vì ông ấy quá bận hay ông ấy có chuyện riêng gì đó, không thoải mái, cũng có thể ông mắc cỡ. Những giải thích hay lý luận này khó đứng vững. Lý do, dù bận rộn hay có chuyện riêng gì phức tạp tới đâu, nếu ông thầy thực sự quan tâm hay để ý tới em thì chuyện ông ta đi ngang front desk để cười với em, thăm hỏi em một vài câu buổi sáng. Mãi cho tới vài ngày sau, ông thầy mới email cho em, thì theo chị nhiều phần đó chỉ là “chợt nhớ” tới em. Mà, sư chợt nhớ vẫn không đủ để đồng thuận với em rằng, ông ta đã có tình ý với em!

Vì thế tạm thời, theo ý chị, nếu em quá mức nôn nóng thì em có thể viết thư thăm thầy vài dòng bình thường thôi, và chờ đợi phản ứng của thầy. Tuy nhiên, tốt nhất thì em nên nín nhịn, chờ xem ông thầy có viết thêm thư cho em không? Nếu ông ta viết cho em trước và nội dung thư hé lộ ít nhiều tình cảm riêng nào đấy thì đó mới là dấu hiệu khả tín cho điều mà em hỏi là phải chăng ông thầy đã để ý tới em.

Thôi em chờ ít lâu đi, dù sao chị cũng chúc em thật nhiều may mắn!

-Nghĩa

Lời khuyên của tôi là mặc dù ông ta cho số điện thoại nhưng đừng gọi cho ông ta. Khi ông ta cho số cellphone, tức là ông ta cũng có ý chờ cô gọi đấy, nhưng không gọi, cứ để chờ cho dzui, luôn tiện trả đũa cái thái độ mà “từ đó khi đi làm thì đi thẳng không ghé ngang front desk” cho ông ta biết mặt! Nhớ đấy nhé! Thân chào!

– Luân Vi

Tôi cũng muốn góp với em vài lời.

Em thật giống với con gái tôi, cũng mê say đắm đuối một anh chàng cùng lớp. Theo cháu tả thì anh chàng cao ráo, ăn mặc như người mẫu và mặt mũi thì sáng sủa. Ngày nào về nhà cháu cũng nhắc một điều gì đó liên quan đến anh chàng. Nhưng khi tôi hỏi về cá tính của anh chàng thì hầu như con tôi không biết gì nhiều, đúng hơn là cháu cũng chẳng thèm để ý đến. Vẻ bề ngoài đã làm chóa mắt cháu. Nhớ lại mình ngày xưa, cũng một thời mê đắm người bạn cùng lớp. Những ngày có giờ chung, tôi luôn luôn đi sớm, để xí một chỗ thuận tiện cho việc ngắm nhìn anh kia. Nhưng rồi tôi cũng quên rất nhanh thần tượng. Nếu yêu chỉ vì vẻ đẹp, thì rồi sẽ có lúc anh già hết đẹp trai!

Cho nên tôi nghĩ em chỉ lóa mắt chứ không phải yêu thật, vì tình yêu là tổng hợp rất nhiều thứ, từ tôn giáo, gia đình, sở thích, học vấn.

Hai người yêu nhau ví như hai vòng tròn tiến lại với nhau, phần trùng lắp nhau càng nhiều thì tình yêu càng vững chải. Thầy giáo chỉ nói chuyện qua lại, em cứ để tự nhiên như vậy, nếu “vòng tròn thầy” có nhiều điểm giống “vòng tròn em” thì sẽ hút nhau. Tình yêu thành hay bại, rất nhiều phần do duyên số.

Em cứ để tự nhiên, việc gì đến sẽ đến đừng nên có kế hoạch, mưu chước. Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, câu này rất đúng cho hôn nhân. Mong em may mắn!

(Minh họa: Edward Eyer/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô Nguyệt Nga,

Trước khi viết thư cho cô, tôi cũng cố tự mình suy nghĩ, đắn đo, tìm câu trả lời, nhưng nghĩ không ra, đầu cứ bưng bưng mấy hôm nay. Hình như càng suy nghĩ càng rối trí, nên tôi nghĩ hỏi ý kiến người khác cho xong vì biết đâu mình sẽ nghe được điều hay.

Thưa cô, tôi và chồng tôi cũng có tuổi, con cái trưởng thành và có đứa cũng đã có gia đình. Nói nào ngay, từ vài năm nay chúng tôi tuy ở chung phòng nhưng tối đến, đứa nào ôm gối đứa đó.

Khoảng năm năm gần đây, khi gia đình không quá chật vật về tài chánh, hai năm một lần chúng tôi cũng có điều kiện về Việt Nam thăm bạn bè, bà con, láng giềng. Chồng tôi là người rất nghiêm chỉnh và đàng hoàng, ổng gốc là nhà giáo, nên bao giờ cũng đạo mạo, đâu ra đó, ăn nói thì kiểu như phải uốn lưỡi bảy lần. Chẳng bao giờ tôi có một tí ti nào nghi ngờ ổng hết. Tôi vẫn chắc chắn rằng nếu trên quả đất này còn một người đàn ông đàng hoàng thì là ổng đó.

Vậy mà, mới vài tháng nay, không biết ăn phải cái giống gì, khi ngủ say thỉnh thoảng ổng lại quay qua ôm chặt lấy tôi, nói những lời rất âu yếm. Mà từ ngày lấy nhau ổng không có như vậy, ổng đối với tôi bao giờ cũng lịch sự, kính nhi viễn chi, lúc nào cũng chừng mực, vừa phải, tôn trọng lẫn nhau. Ổng rất ít đùa giỡn, lúc nào cũng như ông giáo già, dù năm nay ổng mới có 65 tuổi.

Tôi cũng ráng nghĩ đó là những lời dành cho tôi, nhưng tôi nghĩ không được, vì từ xưa nay ổng không nói với tôi kiểu đó. Nó cứ như nói với mấy cô trẻ. Nói thật là tôi không dám kể ra đây vì cũng mắc cỡ chứ. Già rồi, nói năng âu yếm như trẻ nít cũng ngượng mồm.

Tôi rất muốn hỏi thẳng ổng nói với ai vậy? Nhưng bản tính kính trọng chồng từ ngày lấy nhau, không cho phép tôi hỏi kiểu như vậy. Thêm vào đó từ nào đến giờ, chưa khi nào tôi có dịp nói những lời ghen tuông, dù là nói xa nói gần, vì như tôi nói, chồng tôi không có làm điều gì khiến tôi nghi ngờ hết. Thật ra những điều tôi nói chỉ là cảm giác thôi chứ tôi không biết thêm tí nào một bằng chứng để kết tội chồng tôi cả. Chỉ là những lời âu yếm trong giấc mơ, chỉ có thế thôi.

Thưa cô Nguyệt Nga, ổng làm như vậy chính thức là tám lần trong vòng ba tháng nay! Thường thì tôi hất tay ra, những lần sau tôi hất rất mạnh khiến ông ấy tỉnh dậy, và ông ấy không nói gì cả. Sáng lại cũng không thấy nói năng chi, và mọi chuyện vẫn bình thường.

Theo cô Nguyệt Nga, có phải ổng có bồ không? Và có phải ổng đang nói những câu đó với bồ ổng không? (Cô Thư)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: