Hy sinh cho lắm chồng cũng bỏ đi!

(Minh họa: RDNE Stock project/Pexels)

Thưa cô Nguyệt Nga,

Hiện cháu đang ở tình trạng mẹ đơn thân. Cuộc sống của người mẹ nuôi hai con nhỏ rất vất vả. Nhưng cháu chịu được hết, bản thân cháu cũng là người chịu khó và cần mẫn. Chồng cũ của cháu làm lương khá nên chu cấp đầy đủ và cũng thường xuyên ghé thăm hai con. Nói chung, tụi cháu tuy đã ly hôn nhưng không phải gặp nhau là gấu ó, gây gổ. Căn bản là do tụi cháu cùng rất thương con.

Hiện nay cháu và anh ấy ở chung thành phố nên thỉnh thoảng cũng gặp nhau. Hôm rồi cháu thấy anh và cô bạn gái đi Costco. Vừa thấy họ, cháu vội lên xe đóng cửa lại. Một cảnh làm cháu tủi phận là ảnh đẩy một xe đầy ắp đồ còn cô kia đi bên cạnh nhí nha nhí nhảnh. Khi đến chỗ đậu xe, cô kia nhảy tót vào ghế ngồi, còn một mình ảnh loay hoay với đống đồ. Ảnh mang từng món hàng bỏ vào cốp xe, những két nước uống nặng thì ảnh khiêng một mình.

Thưa cô, ngày xưa khi cháu làm vợ ảnh, đâu bao giờ có cảnh này. Vì thương chồng đi làm suốt ngày mệt nhọc, nên cháu đã lo đi Costco trước đó, có hôm bận quá, cuối tuần hai vợ chồng mới đi, thì khi ra xe, lúc nào cháu cũng phụ anh khiêng đồ. Những ngày đổ rác, cháu là người kéo thùng rác ra vì chồng cháu về đến nơi là mệt lả. Những ngày sống với cháu, gần như cháu không để anh ấy làm gì, đến độ những hôm đi mua đồ nặng ở Home Depot, cháu cũng là người đi vì nghĩ nếu để chồng đi, chồng cháu phải khiêng vác, còn cháu đi thì cháu có thể nhờ nhân viên giúp mình. Hồi đó cháu cứ làm một mình mọi việc chỉ vì thương chồng. Nhưng rồi cũng chính vì điều đó mà chúng cháu xa nhau.

Khi cháu có đứa con đầu lòng rồi đứa thứ hai, cháu đuối quá, vì không có sự tiếp tay trong công việc nhà, chăm sóc con cái. Cháu đâm ra quạu với chồng, vì anh không phụ được gì cháu cả. Mọi thứ tất tần tật cháu là người lo toan. Đến độ khai thuế, ký tất cả các bill trong nhà, đưa con đi chích ngừa, kiếm người babysister… đều là cháu. Vì anh làm cái gì cũng vụng về nên cháu làm cho xong! Cháu cứ nghĩ để anh làm, việc đã không xong mà tốn thì giờ, trong khi cháu làm nháy mắt là xong, và cứ thế dần dần cháu trở thành người cha, người chồng hồi nào không hay.

Cho đến một lúc anh có bạn gái thì tụi cháu ly hôn! Chẳng lẽ cháu nói với cô, mọi người đều nói bạn gái của ảnh vụng về, ẻo lả, lười biếng… thì trông cháu có vẻ ganh tị và bần tiện quá!

Nhưng như vậy là sao hở cô? Chẳng lẽ đảm đang, làm quần quật như một bà Mễ, hy sinh cho chồng con lại là điều khiến mình mất chồng!? (Cháu Trang)

GÓP Ý

-Cô Hà

Cô thông cảm 1000% tình cảnh của cháu. Cô từng biết có những người vợ, làm hết mọi việc trong nhà, từ việc nhỏ đến việc lớn, đến những việc mà xã hội mặc nhiên cho rằng đó là những việc của người đàn ông như sửa xe, khai thuế, rửa xe, đổ xăng.

Những người vợ dành làm những việc trong nhà, phần lớn là do quan niệm của người phụ nữ Á Đông cho rằng người đàn ông không xuống bếp, không làm việc nhà, mà chỉ lo việc… nước. Từ suy nghĩ như thế, người phụ nữ vùi đầu vào bếp, giặt giũ, lau nhà, kéo thùng rác, nuôi con.

Có những người phụ nữ cũng đi làm tám tiếng như chồng, nhưng khi về nhà lại cáng đáng luôn việc nhà. Người chồng ban đầu cũng phụ vợ, nhưng rồi cứ bị vợ la là làm quá vụng về, “để đó em làm cho,” dần dần ông chồng để hết cho mà làm. Lối sinh-hoạt-xót-chồng trở thành nếp nhà. Ngày một ngày hai thì kham nổi, nhưng về lâu về dài, có những ngày ê mình, ốm đau… nhìn công việc đọng lại bấy giờ lại tức lên, thấy thương thân tủi phận và dấy lên lòng oán trách chồng.

Mà trách như vậy là trách oan, trách không đúng! Người đàn ông nào cũng thích được hầu hạ, bởi vậy mới có câu: “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật,” nhưng không phải họ không thích chiều chuộng hầu hạ cho người mình yêu thương. Bảo bọc, che chở, chìu chuộng kẻ yếu… là bản chất của phái mạnh.

Trở lại trường hợp của cháu, cháu là người phụ nữ chu toàn, cháu làm hết việc trong nhà, từ việc lớn đến việc bé. Cháu dành hết việc, không muốn chồng đụng tay. Cô nghĩ chắc chồng cháu yêu cháu ghê lắm! Trong mắt anh ấy chắc cháu là số một. Nhưng cháu ơi! Bản chất phái mạnh họ cũng có cái tự hào, cái nghênh ngang, oai dũng của một chúa sơn lâm, hùng cứ, đầu đàn một cõi. Cháu đã dành làm hết từ trong ra ngoài, vô hình chung vị chúa sơn lâm kia ngày càng yếu thế, lép phận.

Chưa chắc người chồng cũ của cháu đã cảm thấy bị hành xác khi vác những thùng đồ nặng ở Costco cho người vợ mới như cháu nghĩ. Anh ấy đang có dịp thể hiện sức mạnh của phái mạnh. Anh ấy đang ra tay, đang làm những việc mà cô bạn gái không làm nổi. Anh ấy đang làm “anh hùng.”

Cháu ơi! Trong cuộc sống vợ chồng đôi khi mình cũng phải đóng kịch. Đôi khi cháu cũng phải: “Anh làm dùm em, cái này em không biết xoay xở làm sao!” Cháu phải biết sợ ma! Để chồng cháu làm hiệp sĩ. Cháu phải biết sợ con gián con chuột để chồng cháu làm con hổ con beo. Cái gì cháu cũng làm được thì chồng cháu còn gì để làm.

Tuy nhiên, theo cô thì vợ chồng là duyên số, cháu cũng đừng hối tiếc quá khứ, vì nó nằm ngoài tầm tay của mình. Cô nghĩ trước mắt cháu nên tập trung lo cho con. Với một người đảm đang, chu toàn và nhân hậu như cháu thế nào cũng gặp được những điều tốt lành trong cuộc sống trước mặt.

– Tiff

Lạ lắm, ở đời cái gì dư thì chán, hiếm thì quí. Đàn bà Việt Nam theo truyền thống thì lúc nào cũng hy sinh cho chồng con. Ăn thì lựa cái dở, mặc thì lựa cái xấu, làm thì lựa cái khó… Sao “ngu” vậy không biết nữa!

Nhưng mình chiều miết thành quen, đến khi không chiều thì lại giận! Giống như mấy ông đi cải tạo, cho nhịn đói riết đến khi cho cục cơm nhỏ xíu thấy hạnh phúc. Còn lúc ở nhà cơm đủ mâm đầy thì hạch xách “sao nước mắm không hâm cho nóng.”

Cho nên cái gì cũng vừa phải thôi, đừng làm quá trở thành bổn phận, đến khi ốm đau nằm xuống thì chỉ cực thân thôi, có nhiều khi nhân lúc đó lại đi kiếm của lạ. Sáng mắt thì đã mất chồng!

-Phúc Le

Mình chưa ly dị, nhưng mình cũng trong trường hợp giống chị, đi làm full time, lo cho chồng từ A-Z, làm mọi việc trong nhà từ trong ra ngoài, nấu ăn, trả bill, lo cho con… mình tưởng làm như vậy anh sẽ thương mình nhiều.

Nhưng ngược lại, khi mình quá mệt mỏi la hét thì anh chẳng thấy có lỗi hay thương mình mà còn nói, ai kêu mình làm hết rồi than mệt, rồi tức, rồi khó chịu với anh. Kết quả là hai vợ chồng lại giận nhau mấy ngày không nói chuyện.

-Huyen

Ông chồng tui lo vụ sửa xe, khai thuế, rửa xe, ký bill, vậy chắc tui chưa đến nổi… sắp mất chồng!

-Thuy Thinh

Tôi vẫn cứ tin là người ta lấy nhau đều do duyên số, và thường thường là do hai người tính tình không giống nhau, người nầy sẽ bổ sung cho người kia, chứ ít khi mà giống nhau hoàn toàn. Do vậy tự cô ôm hết công việc là tại cô không biết xử nên để thiệt cho mình. Ý tôi muốn nói là cô phải bổ sung công việc cho nhau một cách thông minh, tùy theo hoàn cảnh. Tôi nghĩ cô phải dùng lời ngọt ngào, hoặc phải biết ngụy tạo một sự việc gì đó để ông chồng cô phải tự nguyện mà giúp cô.

Tôi lấy thí dụ như vầy, khi cô khiêng cái gì nặng quá, thì lúc vô nhà cô phải lấy dầu nhờ ông ấy thoa bóp chỗ cườm tay dùm cho cô, có không bị đau cô cũng phải rên rỉ là đau quá, cô làm như đau thiệt dù là không đau đi nữa. Nếu ông chồng cô là người có lương tâm thì gặp cảnh ấy lần sau ông ấy phải giúp cô, nếu không, tay cô bị đau thì làm sao mà làm những công việc khác như nấu cơm cho ông ăn chẳng hạn.

Đàn ông như con nít, thích nói ngọt, thích chiều chuộng nhưng cũng thích làm anh hùng rơm, nên làm vợ phải biết ta biết chồng mà điều hoà cuộc sống. Ôi mà sao cô can đảm ở chung thành phố với ổng vậy!?

(Minh họa:
Helena Lopes/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa chị Nguyệt Nga,

Em viết thư này hỏi chị Nguyệt Nga dù rằng em có thể hỏi chị và mẹ em, nhưng ngặt một điều là em sợ gia đình nói em… ngu và tệ hơn, em sợ gia đình nói em… mê trai.

Mẹ em thì cực khó và cổ hủ, cứ cho rằng “con nhà” thì phải biết giữ gìn gia phong, mẹ em hay nói “Trâu đi tìm cột hay cột đi tìm trâu gì đó.” Em không hiểu rõ nhưng lờ mờ biết rằng, con gái không nên bắt đầu, mà phải để con trai ngỏ ý trước. Thời đại này mà mẹ em còn nói kiểu này thì cổ hủ quá phải không chị?

Em làm việc ở một trường đại học, có một thầy giáo, cao ráo dạy part-time, nên em chỉ gặp mỗi Thứ Ba và Thứ Năm. Vì em là thư ký, ngồi ở quầy ra vào, các thầy cô giáo trước khi vào lớp phải ngang qua chỗ em ngồi, thường người thầy em thích hay ngừng lại chào hỏi năm ba câu với em. Những câu chào hỏi cũng thường thôi, dù một tuần chỉ hai lần gặp, nhưng em rất vui, những câu trò chuyện ngắn ngủi đó cứ lập đi lập lại trong trí nhớ em, khiến em rộn rã, mơ màng suốt những ngày khác trong tuần.

Tình trạng cứ vậy, cứ chỉ chào hỏi suông, em nghĩ nếu muốn tiến thì một bên phải lên đường, mà em thì em không hy vọng gì thầy tỏ lòng, vì theo suy nghĩ của em, thầy là thầy giáo, còn em chỉ là thư ký, nên em đánh bạo nói trước “Tôi thích nhất là đi làm ngày Thứ Ba và Thứ Năm, vì được gặp thầy.”

Nói xong em vừa ân hận vừa thấy nhẹ lòng. Sau câu nói của em, thầy không nói gì cả và từ đó khi đi làm thì đi thẳng không ghé ngang front desk. Trời ơi, nếu không vì công việc khó kiếm thì em đã bỏ chỗ làm vì tự ái và xấu hổ. Em muối mặt vì thấy nhục nhã, nếu chuyện này mà mẹ em biết được thì mẹ chửi cho tắt bếp luôn.

Em đau khổ thì ít mà nhục nhã và xấu hổ thì nhiều. May quá văn phòng nơi em làm cần sửa sang lại, nên em tạm dọn sang phòng khác, như thế sẽ không gặp thầy cho đến khi văn phòng sửa xong. Em mừng quá vì như vậy đỡ thấy mặt thầy trong một thời gian.

Nhưng mà sự thể nó không vậy, chừng vài ngày sau, em nhận email của thầy rằng “Đây là số cell của tôi…”

Vậy là sao hở chị Nguyệt Nga? Em phải làm sao? Em bối rối quá! Vậy là thầy có tình ý với em phải không? Em nên tiến hay lùi? Tiến bằng cách nào? Em vẫn còn nhớ như in chuyện mới đây em bị quê mặt, nên sợ sẽ bị một lần nữa. Em thật mong sớm có thư của chị. (Hồng Helen)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: