Khi vợ từ tằn tiện sang keo kiệt

(Minh họa: cottonbro/Pexels)

Thưa cô Nguyệt Nga, vợ chồng tôi bao nhiêu năm làm ăn đầu tắt mặt tối, tánh vợ tôi tiết kiệm, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, cứ kiếm được chín đồng thì ráng kiếm thêm một đồng nữa cho đủ chục rồi cất đi. Tôi mà có muốn mua cái gì thì không dễ cô ấy ói ra đồng nào.

Tôi nhớ cái thời bao cấp ở Việt Nam, quần tây của tôi, sau một thời gian cũ, cô ấy tháo hết rồi lộn trái, tẩn mẩn tỉ mỉ, may bên trong thành bên ngoài, bên ngoài thành bên trong, khi may xong, nhìn cứ như quần mới. Áo sơ mi sờn cổ thì tháo cái cổ ra xoay lại. Cô ấy khéo lắm nên nhờ vậy mà áo quần luôn luôn mặc được hai “lửa.”

Nhưng mà đó là thời bao cấp, giờ chúng tôi cũng đã sống ở Mỹ và đã khá lên rồi, có đồng ra đồng vào. Bao lần tôi nói thôi đừng quá tiết kiệm chết đâu có mang theo được, hãy đãi ngộ cho riêng mình một tí, nhưng cô ấy vẫn giữ lấy hầu bao, nhất định ky cóp, cứ lo “lỡ có chuyện gì thì làm sao!” mà “chuyện gì” là chuyện gì?

Cô ấy vịn vào lý do, để dành tiền cho con vào đại học, cho già yếu, đau ốm bịnh tật…

Cô ấy cứ bắt cả nhà ăn mắm mút giòi miết. Cô ấy cứ lam lũ, ăn mặc như con mụ nhà quê, trong khi saving thì tiền tiết kiệm đã lên sáu số. Tôi và các con xin đổi xe, mà nói khản cổ nhất định không là không.

Chỗ làm của cô ấy gần nhà, nên hàng ngày cô đi bộ, đâu hiểu nỗi khổ của ba cha con tôi. Chiếc xe Toyota cà tàng, chạy cà xịch cà ụi của ba cha con, lần nào đi đến nơi về đến chốn là thở phào, còn nằm đường là chuyện thường ngày ở huyện.

Cô là phụ nữ, cô hiểu rõ tâm tính và điểm yếu của phụ nữ, cô chỉ dùm tôi cách xin tiền của bà vợ keo kiệt, tôi xin cám ơn nghìn lần! (Ông Thọ)

GÓP Ý 

-Hoàng Yến

Thưa ông Thọ, có một điều lạ là hình như trong tận cùng sâu thẳm thì ông cũng thấy vợ ông là người có lý. Tôi nói vậy vì suốt thời gian từ “bao cấp” đến giờ, tâm tính của cô ấy không thay đổi, lúc nào cô ấy cũng ky cóp từng đồng, mà ông thì vẫn “dưới trướng!”

Vậy thì tôi có thể kết luận, không phải vợ ông riết róng về tiền bạc, mà vấn đề là tại ông quá nhu nhược không dám hó hé khi không có lệnh bà. Thế thì thua ông ạ, cô Nguyệt Nga có bày cho ông trăm cách thì ông vẫn không dám làm. Thôi có lẽ ông cứ an phận thôi thưa ông!

-Hai

Thà vợ mình “kẹo kéo” còn hơn là hoang phí ăn xài, tài khoản ngân hàng sáu số vẫn hơn nợ credit card ngập đầu. Mà vợ ông cũng lam lũ chứ đâu phải ăn diện, mua sắm này nọ.

Vậy là tốt rồi, từ từ nói nhỏ to rót vào tai vợ, vợ sẽ hiểu mà thay đổi, cũng đã muộn màng, nhưng có còn hơn không. Vậy nhé!

(Minh họa: Obie Fernandez/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI 

Tôi ly hôn đã lâu, hiện đang sống với vợ chồng con gái. Sau khi ly hôn chừng vài tháng thì chồng cũ của tôi lấy vợ và có con ngay, vì thế tuổi con gái tôi và cô bé cùng cha khác mẹ cũng không xê xích nhau mấy.

Tuy không nói ra, nhưng lòng tôi không vui vì cuộc hôn nhân sau của chồng tôi xảy ra nhanh quá, giống như chực chờ để hợp thức hoá quan hệ. Thêm vào đó người vợ sau này là láng giềng của gia đình tôi. Họ quen nhau khi tôi còn là vợ của anh ấy, nghĩa là họ đã ngoại tình với nhau. Đó cũng là giọt nước tràn ly trong mối bất hoà giữa tôi và chồng, dẫn tới việc ly dị.

Không bao giờ tôi kể với bất cứ ai nghe chuyện này, và bề ngoài tôi hoàn toàn giữ thái độ bình thường trong mối quan hệ cũ mới chằng chịt. Tôi vẫn để cho con gái tôi thân thiết với người em cùng cha khác mẹ.

Hiện nay mẹ con tôi đã ở nước ngoài, con tôi cũng khá giả, vẫn hay gửi tiền về cho đứa em không cùng mẹ, đôi khi còn quà cáp cho cô vợ sau của bố. Tôi vẫn bình thường không hề cấm cản con.

Tuy nhiên mới đây có một chuyện mà tôi không muốn xảy ra là con tôi muốn bảo lãnh đứa em. Tôi biết là hồ sơ bảo lãnh sẽ lâu lắm, có thể kéo dài đến 15 năm, khi đó chắc gì tôi còn sống để mà giận. Nhưng tôi vẫn không muốn con mình làm điều đó.

Tôi đau đớn nghĩ lại những chuyện ngày xưa trong gia đình, những đau đớn mà tôi phải chịu đựng trong cơn ghen giận. Tôi không muốn con tôi bảo lãnh, tôi nghĩ đến cảnh, gia đình “họ” đang lân la, đầu ngoài sân sau lần vào bếp. Tôi cũng sinh hận mà lo xa hơn là tôi sợ cảnh cô gái qua đây sẽ ở chung nhà với con gái tôi, rồi biết đâu cảnh xưa lại tái hiện, cái cảnh lân la với chồng người.

Cô Nguyệt Nga ơi, giúp tôi! (Thanh Ng)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: