Thưa cô Nguyệt Nga,
Năm nay tôi 47 tuổi, tôi ở với nhà tôi được hai con. Cháu lớn 20 tuổi, cháu vừa xong năm thứ nhất ở community college. Cháu thứ hai được 18 tuổi, vừa xong high school và sẽ vào college năm tới.
Trong 21 năm chung sống, chúng tôi cãi nhau gần như liên tục, cãi nhau từ ngày này sang ngày khác, phần lớn vì chúng tôi thiếu hụt trong vấn đề tài chánh. Cả hai vợ chồng đều đi làm nhưng chúng tôi vẫn không đủ tiền sinh sống. Sau nhiều lần cãi nhau, tôi đề nghị ly dị. Chồng tôi đồng ý, anh nói tôi cứ làm giấy li dị đi. Anh nói xong rồi bỏ nhà đi, từ đó anh đi về bất thường, khi nào muốn thì về khi nào không thích thì đi.
Tôi không còn làm full time nữa, tiền lương part time quá thiếu thốn, tôi có cho anh biết là tôi không đủ sức nuôi con. Nghe vậy, anh đưa cho tôi mỗi tháng $1,500.
Đã hai năm trôi qua, kể từ ngày anh ra đi, thật lòng tôi sống không yên. Tôi cứ băn khoăn lo nghĩ không biết anh sống ra sao bên ngoài mà lòng tôi cứ rấm rứt lo âu.
Đôi khi tôi cũng muốn ly dị hẳn để lòng mình nhẹ nhàng, không còn băn khoăn về anh nữa. Nhưng lại nghĩ, nếu ly dị thật thì mỗi tháng tôi sẽ mất $1,500 của anh chu cấp.
Thưa cô Nguyệt Nga, tôi có nên ly dị không, hay là cứ chịu đựng cảnh chồng lang thang ngoài đường mà mỗi tháng mình có tiền nuôi con? Xin cám ơn cô Nguyệt Nga. (ThuHong)
GÓP Ý
-Kim Hương
Đọc thư chị, tôi thấy hai người còn yêu nhau lắm! Có những cặp vợ chồng khắc khẩu vậy đó, nhưng lạ lắm càng gây nhau càng chưởi nhau thì càng thương nhau.
Đọc thư của chị, tôi thấy chị còn thương anh lắm, nếu không thương thì khi ổng bỏ đi, chị đã kệ ổng, hơi đâu mà âu lo, băn khoăn, không biết hiện nay ổng ăn ở thế nào? Khi ổng đi mà chị không nghĩ ông đi theo “con nào” mà chỉ nghĩ, “Tôi cứ băn khoăn lo nghĩ không biết anh sống ra sao bên ngoài, lòng tôi cứ rấm rứt lo âu.”
Về phần anh, đâu phải anh đi luôn mà anh cũng về thăm con, thăm vợ. Khi nghe vợ thiếu thốn, dám đưa cho vợ mỗi tháng $1,500 là quá nhiều. Anh không phải là người xấu. Một điều quan trọng là cả hai anh chị đều sống tình trạng như vậy hai năm qua mà không ai nhắc chi đến chuyện phải ký giấy ly hôn để ra tòa cho dứt khoát. Có lẽ cả hai người đều không nghĩ đến chuyện có một cuộc sống mới.
Theo tôi, thì thôi, mình là đàn bà, chị nên nhường anh một bước, nên hòa hoãn để êm cửa êm nhà, còn hai con nữa, tội chúng nếu sống trong cảnh cha mẹ khấu ó nhau. Chị đừng quên câu “lạt mềm buộc chặt” Đàn ông ngó vậy mà không phải vậy, họ nhẹ dạ lắm, đừng để mất chồng, nhất là chồng tốt và có trách nhiệm.
Vài lời với chị, mong chị sớm bình an!
– DanH
Thưa chị, cuộc đời của chúng ta cũng như một bài toán khó, cần phải giải. Có những bài toán tìm được đáp số và có những bài toán khác chẳng bao giờ tìm ra đáp số.
Tôi thấy người đàn ông này là một người có tình dù anh không sống cạnh chị nhưng anh vẫn phụ với chị để nuôi dưỡng các con, mặc dù anh có thể không phải cần làm thế cho đến khi có giấy tờ ly dị và quyền đòi cấp dưỡng của tòa. $1,500.00 có thể là 1/2 hoặc có thể là 3/4 tiền lương của anh.
Tôi nghiệm thấy chị bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Giờ này người đàn ông mà trên giấy tờ vẫn còn là chồng của chị xem ra đã quen với cuộc sống tạm như thế. Anh thỉnh thoảng về nhà với chị vì có thể muốn được gần con và cũng vì muốn tìm lại chút hơi ấm tạm bợ với gia đình.
Nếu chị cảm thấy vướng bận vì anh ấy quá thì nên ly dị và “move on” với phần đời còn lại.
Nếu có ly dị thực sự thì phần anh ấy buộc phải cấp dưỡng cũng đã sắp hết (theo luật khác nhau của các tiểu bang là từ 18-21 tuổi) và số tiền phụ chị để nuôi các cháu sẽ chấm dứt. Chị có bài toán nào để tính cho sự thiếu hụt tiền bạc này chưa?
Cuối cùng, nếu anh ấy không quá tệ ngoài cái tội nghèo và “vẫn chưa thuộc về ai” và chị còn “thương dễ” thì “sum họp” lại với nhau cho xong vì xem ra anh vẫn còn cái tình với chị.
Ngoài ra, li dị hay là không, bây giờ không còn cần thiết nữa chỉ ngoại trừ chị sẵn sàng đặt bút để ký tên vào một tờ hôn thú mới.
Đùa chị một tí thôi chứ cứ để yên như thế có khi lại là hay vì nếu anh trúng số chị sẽ được chia một nửa, thế là bài toán nghèo đã tìm ra đáp số. Dù hoàn cảnh nào tôi cũng chúc chị luôn tìm được sự bình an!
VẤN ĐỀ MỚI
Thưa cô Nguyệt Nga, tôi cũng có phần đắn đo khi nói ra vấn đề này mà chính bản thân không biết là mọi người cư xử đúng, còn mình thì sai bét. Tôi nêu ra đây để xin được nghe ý kiến.
Chồng tôi từng chiến đấu trong quân đội VNCH, anh có nhiều bạn cũng như anh em chiến hữu. Năm nay anh đã hơn 70, anh là người vui vẻ, hoạt bát vì thế bạn bè khắp nơi đều thương mến. Họ thường luân phiên tụ tập nhà người này người kia để hát hò và ăn uống.
Cách nay vài năm anh bệnh nặng, cơn bệnh kéo dài nhiều tháng, khiến anh không còn có thể đi gặp gỡ bạn bè thường xuyên như trước. Bạn bè ban đầu cũng thăm viếng nhưng sau đó vì bận bịu cũng thưa dần. Điều này đã khiến anh suy sụp từ thể chất đến tinh thần.
Thấy anh như vậy, tôi xin nghỉ làm, ở nhà để chuyên tâm săn sóc anh. Cũng may các cháu đều có công ăn việc làm nên vấn đề nhà cửa hay tiền bill trả hằng tháng đều cáng đáng giúp bố mẹ. Có lẽ nhờ tình gia đình ấm cúng mà anh đã trở lại bình thường nhanh chóng. Những ngày vui cũ trở lại với đời sống của anh. Bạn bè lại thăm viếng, lại tụ họp. Thấy anh vui tôi và các cháu vui lây.
Tuy nhiên có một điều tôi vẫn lấy làm khó chịu là hầu hết những người bạn gặp tôi đều nói đại ý: “Chúng tôi cám ơn chị đã chăm sóc anh chu đáo.” Có người còn mang hoa tặng, với dòng chữ cám ơn chị đã chăm sóc bạn chúng tôi. Những câu có khác nhau chút chút nhưng đại để là ý cám ơn tôi đã chăm sóc chồng tôi.
Tôi nghĩ rằng không có gì vô duyên bằng câu đó. Chăm sóc chồng là bổn phận của người vợ, người bạn lấy tư cách gì để cám ơn. Nếu cám ơn thì tôi phải là người cám ơn họ đã đến thăm chồng tôi. Tại sao họ lại cám ơn tôi khi tôi chăm sóc chồng tôi. Còn chỉ khi tôi chăm sóc vợ hay chồng họ thì họ mới nên cám ơn tôi chứ?
Tôi nghĩ ngay cả ba mẹ chồng hay anh em chồng cũng không nên cám ơn tôi, huống chi là những người bạn. Mà khổ nỗi khi nói câu đó họ cho rằng họ lịch sự, biết điều và đang làm một cử chỉ đẹp. Nhưng thật ra họ chỉ làm tôi bực mình và muốn nói thẳng với họ là “đồ vô duyên!”
Như trên tôi đã thưa, dù tôi đã hỏi một số người phụ nữ chung quanh, và họ đều có chung ý như tôi. Nhưng tôi vẫn muốn nêu ra đây để rộng đường hơn. Cô Nguyệt Nga chắc là nữ, rất mong cô và các bạn cho tôi ý kiến. Xin cám ơn! (Đào Kiều)
*****
“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]. Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.