Vợ chồng mỗi người một nơi

(MInh họa: Pixabay/Pexels)

Thưa cô, cách nay hai năm, bố mẹ tôi bảo lãnh gia đình tôi gồm hai vợ chồng và hai con ở tuổi 16 và 14 đi Mỹ. Nhưng đến phút cuối thì chồng tôi đổi ý do ở Việt Nam anh đã có sự nghiệp rất vững vàng với công việc là giám đốc một trung tâm bán xe hơi.

Anh đang ở thời kỳ làm ra tiền, chỉ vài năm nữa là tuổi hưu đến, anh muốn vớt vát khi còn có thể. Anh muốn tôi và hai con đi cho kịp học hành, anh sẽ hậu thuẫn về tài chánh. Thêm vào đó, vợ chồng vẫn có thể đi qua đi lại, nếu muốn thăm nhau, thậm chí tôi có thể gửi con cho ông bà ngoại để về Việt Nam sống vài tháng bên anh.

Nghe lời anh, tôi và hai con đi trước nhưng ai ngờ dịch bệnh ập đến. Khi tâm dịch ở Mỹ vừa nguôi thì tâm dịch ở Việt Nam bùng phát. Hai năm trời vợ chồng con cái không hề gặp nhau mà anh thì chẳng hậu thuẫn được chút nào cho ba mẹ con. Anh nói thời gian qua công ty anh coi như đóng băng, không mua bán gì được, mà tiền thuê chỗ thì phải trả hàng tháng. Căn nhà chúng tôi mua để cho thuê cũng không kiếm được tiền vì người thuê thất nghiệp họ đã dọn về quê, nhà bỏ trống lâu nay.

Tôi thì xưa nay sống dựa vào chồng, giờ không có nguồn cung cấp đành phải tự xoay xở kiếm sống. Tôi làm các món ăn, làm bánh trái rồi rao bán trên mạng kiếm đồng ra đồng vào cho nhà năm miệng ăn, là gồm cả ba mẹ già.

Tôi xuống tinh thần quá, con cái thì học online không đến trường, chồng thì coi như không biết tình trạng thế nào khi một mình ở Việt Nam đầy cạm bẫy. Lo chồng, lo con, lo tương lai, tôi ốm dần ốm mòn, người cứ thẳng đuột như cây tăm.

Vợ chồng lâm vào ngõ cụt chẳng biết xoay xở làm sao, tôi muốn về cũng không có đường mà chồng muốn qua cũng chẳng có ngõ, khi mà hai năm qua ảnh từ chối đi, nên đâu có thể giờ muốn đi là đi được. Tôi giờ rối bời, chẳng thiết làm gì cả.

Cô ơi, mong cô ở ngoài sẽ sáng suốt để chỉ cho tôi một hướng giải quyết. Cám ơn cô. (Anh Nga)

GÓP Ý

-Vân H.
Việc chị băn khoăn về chuyện đi lại nó không còn khó khăn như hai năm trước đây khi COVID-19 hoành hành. Tôi thấy đã có máy bay về Việt Nam và ngược lại. Tuy giá vé còn cao ngất trời, nhưng nếu chuyện gặp nhau là cần thì anh chị cũng có thể thực hiện được. Nếu chị âu lo chốn cạm bẫy khiến có biến cho gia đình chị thì chị cứ về một chuyến, tận mắt xem tình hình, để khỏi ruột rối tơ vò, để người khỏi thẳng đuột như que tăm.

-Phú Nguyên
Chị qua được mấy năm, có nghĩa là con anh chị đã lớn, đủ để tự lo thân. Hai cháu có thể vừa học vừa xin đi làm. Bây giờ các quán ăn đều mở cửa, họ lại cần người, nên hai con chị có thể đến xin phụ việc.

Chị nên về Việt Nam một chuyến, lo chỉnh đốn lại nhà cửa, cách sống của chồng, coi xem sau cơn dịch, công việc làm ăn của anh có còn tốt không rồi quyết định đời sống tiếp theo. Vợ chồng đâu thể mỗi người một nơi như vậy, đàn ông không có vợ bên cạnh dễ sinh chuyện này chuyện nọ.

Chị nên mạnh mẽ bắt anh qua cùng chị lo gia đình con cái, bán hết nhà cửa để quy về một mối, chớ để anh nại cớ nấn ná kiếm chút tiền mà phải trả cái giá quá đắt. Vợ đâu chồng đó chị ạ, cái lý do anh nêu ra không ổn đâu, chị nên quyết định càng sớm càng tốt việc chấm dứt sự xa cách như hiện nay.

-Cô Tám
Điều may mắn của cháu là cháu đang ở nhà bố mẹ mình mà không phải đang làm dâu. Đàn bà, dù là chồng làm ra tiền, cũng không nên sống nhờ vào đồng tiền của chồng. Cháu phải kiếm công ăn việc làm, phải kiếm ra tiền bằng bản thân mình, không nên phó thác vấn đề tài chánh cho chồng, vì như thế cháu sẽ không có tiếng nói trong gia đình.

Cháu thấy không, khi chồng cháu quyết định ở lại, cháu đã bơ vơ như thế nào, cháu đã cảm thấy cuộc sống bấp bênh khi không có nguồn viện trợ của chồng. Khi người vợ làm ra tiền, tiếng nói của người vợ sẽ có giá trị. Người xưa vẫn nói “Của chồng công vợ,” nhưng lời nói ấy không còn hợp với thời đại bây giờ, cũng như chỉ là lời an ủi của người vợ dưới chế độ phong kiến gia trưởng.

Cô Tám nghĩ chắc vợ chồng cháu cũng đã lớn tuổi, nên bàn với nhau chọn nơi sống, nếu ở Mỹ thì nên bán hết nhà cửa, còn quyết định ở Việt Nam thì cháu cũng nên về hẳn với chồng, các con đã lớn có thể tự lo thân. Dù sống ở đâu, cháu cũng nên sống bên chồng và nên kiếm một công việc gì đó để làm thêm dù là tiền lương không nhiều. Chúc cháu thành công!

(Minh họa: Nicole Michalou/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thưa cô, gia đình con có bốn anh chị em và con là chị cả trong nhà. Từ xưa nay con là người đứng ra lo toan cho gia đình mọi chuyện, kể cả chuyện bảo lãnh cả nhà qua đây. Vậy mà bây giờ con như chìm nghỉm trong nùi rối của gia đình.

Khi đưa được cả nhà qua, ba mẹ và bốn chị em con thuê một căn apartment hai phòng sống chen chúc. Con và ba mẹ đi làm đủ nghề, cực khổ nào kể xiết để cho ba em rảnh thì giờ theo đuổi học hành. Mấy năm sau, cả nhà hùn tiền mua được một căn nhà bốn phòng đổ nát ở một khu nghèo nàn. Dù vậy cả nhà đều vui và sống những ngày đầu thật hạnh phúc, mọi chuyện chín bỏ làm mười hoà thuận trên dưới. Tiền nhà cũng chia ra mà trả, ai đi làm cũng phải góp phần. Vui vẻ cả làng!

Nhưng “vui vẻ cả làng” đó dần dần bớt đi khi con lập gia đình rồi có con. Những xung đột nhỏ, tiêu hành mắm muối đã bắt đầu len vào đời sống. Đã có tiếng than của người này người kia, tiền chợ búa, tiền điện nước, tiền nhu yếu phẩm tăng, phân chia không công bằng, người xài nhiều kẻ xài ít. Tiếng cười dần dà được thay thế bằng những lời càu nhàu từ nhiều phía. Và gia đình con trở thành tâm điểm nhận những lời ta thán, đơn giản là vì nhân khẩu gia đình riêng của con tăng lên, các cháu chiếm lĩnh phòng khách để bày bừa, chơi đùa.

Nhiều lần con đề nghị được đóng góp nhiều hơn nhưng mẹ con không bằng lòng, mẹ bảo rằng nếu không có con thì làm gì có ngày nay, được sống trên đất Mỹ, được đi học trường Mỹ mà không tốn một xu, được hưởng mọi ưu đãi của chính phủ Mỹ. Mẹ con bảo vệ con nhưng không bịt miệng các em được, chúng ba đứa một phe chống đối đòi công bằng, vì nhà cửa là công góp của mọi người, ai cũng có phần hùn, không nhiều thì ít.

Các em nay lớn, đứa nào cũng có bạn trai bạn gái, chúng đòi đem người yêu về ở chung, hoặc trả tiền down (tính theo thời giá bây giờ) cho chúng để chúng ra riêng. Tiền đâu mà trả, con và ba mẹ buồn không kể xiết, không biết giải quyết ra sao, khi mà cuộc chiến càng ngày càng căng thẳng. Cả nhà không ai nói với ai lời nào, đến giờ cơm mạnh ai nấy ăn. Ba mẹ và con bất lực.

Thưa cô, con xin cô một lời khuyên, trong lúc này đầu con căng không nghĩ ra một điều gì cả. Con xin cảm ơn cô! (Nguyệt Thu)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected].

Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: