Bỗng dưng thấy mình… già!

Minh họa: debby-hudson-unsplash

Thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials) đã đến lúc bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu của lão hóa, dù là cảm giác hay thực tế. Những người sinh đầu tiên của thế hệ này (sinh từ 1980 đến 1996) đã bước sang tuổi 43 trong năm nay. Theo một nghiên cứu của Worldwide Independent Network of Market Research (WINMR), 43 là độ tuổi trung bình mà người Mỹ không còn cảm thấy trẻ nữa.

Minh họa: ahmad-ossayli-unsplash

Qua một cuộc thăm dò

Theo kết quả một cuộc thăm dò vào Tháng Chín, 2022 được thực hiện cho công ty  Found, một người Mỹ trung bình khi bước qua tuổi 40 (cụ thể là 42 tuổi) bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu lão hóa về thể chất (nổi bật là đau nhức xương khớp và tóc bạc dần). Nhưng đối với một số người, họ chỉ đơn thuần có “cảm giác đang già đi” chứ không “già thật sự”. Số khác tiếp tục phủ nhận các “vấn đề” của tuổi trung niên cho đến khi họ đối mặt với một thực tế choáng váng: Bỗng dưng lo lắng cho sức khỏe hoặc nghe nhận xét của một đồng nghiệp trẻ hơn về những nếp nhăn trên da mặt.

Wall Street Journal thuật, Jean Twenge, 51 tuổi, giáo sư tâm lý học tại San Diego State University và là tác giả cuốn Generations mới phát hành cho biết, ba năm qua, trong thời đại dịch, tất cả chúng ta ở mọi lứa tuổi đều cảm thấy già hoặc già hơn. Các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần xem căng thẳng, cô đơn và bệnh tật đi kèm với đại dịch là “ba thủ phạm đẩy nhanh quá trình lão hóa”.

Ngoài ra còn thủ phạm khác: sự mệt mỏi vì phải sắp xếp lịch học tập và công việc theo khuôn mẫu mới. Szu-chi Huang, Phó giáo sư tiếp thị 42 tuổi tại Stanford Graduate School of Business, thuộc số người sinh đầu tiên của thế hệ Thiên niên kỷ cho biết “cảm giác già tuỳ thuộc bạn đang sống gần ai”. Bà giải thích: “Sống gần cha mẹ lớn tuổi khiến tôi cảm thấy trẻ trung vì có nhiều năng lượng hơn và khỏe mạnh hơn họ. Còn đứng cạnh những sinh viên đại học ăn mặc thời thượng và sử dụng những tiếng lóng lạ lẫm tôi thấy mình không còn trẻ nữa”.

Gần đây, bà và nhà nghiên cứu đồng nghiệp, Jen Park, cựu sinh viên Stanford hiện là trợ lý giáo sư tại University of British Columbia hoàn thành một nghiên cứu về những người trong độ tuổi từ 18 đến 60 và phát hiện: Khi mọi người cảm thấy già đi, họ nghiêng về hoạt động quyên góp, tình nguyện và đóng góp nhiều hơn những điều tốt cho xã hội.

Thời điểm cảm thấy già rất khác nhau

Kent Fleming, 34 tuổi, bắt đầu cảm thấy già sau sinh nhật lần thứ 30 khi anh phát hiện cơ thể mình đang thay đổi và không còn làm việc nổi nếu chỉ ngủ bốn tiếng hoặc vọt chạy bất ngờ mà không bị giãn cơ.

Kent Fleming, cựu hậu vệ bóng của trường đại học, chưa bao giờ đi khám bác sĩ trừ khi cần kiểm tra thể chất hoặc bị chấn thương, chỉ đi khám sau khi tim đập nhanh. “Bác sĩ nói tôi cần ngủ sáu tiếng mỗi đêm và tránh căng thẳng tim sẽ đâp trở lại bình thường” – anh nói. Hiện là chủ phòng tập thể hình Big Kent’s Strength and Fitness ở Omaha, Nebrada, Fleming đã ngừng ăn thức ăn thức ăn béo và chất cay. “Nhiều khách hàng tập gym của tôi cùng độ tuổi cũng trải qua những thay đổi tương tự” – anh nói.

Đối với Sarah Brody, 32 tuổi, cảm giác già đi không khác biệt lắm. Người mẹ của đứa con 21 tháng tuổi này thường dự các lớp học múa balê, nhào lộn trên không và đi nghỉ cuối tuần khi trong tuổi 20. Nhưng mới đây, trong chuyến tham quan cuối tuần với con gái Sophie, chị nhận ra những gì từng làm dễ dàng ở tuổi 20 đang xa dần ngoài tầm với. Brody, sáng lập viên một trang web của tổ chức phi lợi nhuận giúp kết nối các bà mẹ mới và sắp sinh, giải thích: “Có cảm giác mất mát với tuổi tác. Bạn không thể làm một số việc bạn vẫn làm tốt trước đây”.

Theo một cuộc khảo sát của WINMR, trong khi người Mỹ không còn cảm thấy trẻ trung khi vừa bước sang tuổi 40, họ chỉ bắt đầu cảm thấy già ở tuổi 52. Marc Freedman, người sáng lập và đồng giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận CoGenerate giúp thúc kết nối các thế hệ, đã 52 tuổi khi đứa con thứ ba chào đời (hai đứa con đầu lòng chào đời khi ông 48 và 50 tuổi). Chính việc có con muộn và làm cha mẹ của những đứa con nhỏ khiến ông cảm thấy trẻ mãi. Nhưng cảm giác này không còn nữa khi một nhân viên bán vé xe lửa soát vé trong một kỳ nghỉ hỏi liệu những đứa trẻ đi kèm có phải là cháu ông!

Minh họa: john-moeses-bauan-unsplash

Đừng… “già sớm”

Becca Levy, giáo sư dịch tễ học và tâm lý học của Đại học Yale cho biết mọi người đều có thể cảm thấy già vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, ngay cả lúc còn trẻ. “Tôi bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong cách chúng ta nhìn nhận về việc già đi. Thay vì né tránh, chúng ta chấp nhận tuổi tác và tìm ra điểm mạnh của nó. Ví dụ, trong đại dịch, nhiều phụ nữ ngừng nhuộm tóc và không còn lo bạc tóc” – bà nói.

Trong bài phát biểu nhận giải Oscar đầu tiên ở tuổi 60 cho vai diễn trong Everything Everywhere All At Once, ngôi sao châu Á Dương Tử Quỳnh nói với các phụ nữ cùng tuổi: “Đừng để bất kỳ ai nói với bạn, bạn đã qua thời kỳ đỉnh cao”. Thực tế cho thấy, nhiều người già đang kéo dài thời gian làm việc, thậm chí còn sử dụng tuổi tác để tạo lợi thế xin việc!

Tiến sĩ Katharine Esty 88 tuổi, nhớ lại cảm giác già đi… hai lần trong cuộc đời mình. Lần đầu tiên là khi bà mới 24 tuổi có chồng và gặp khó khăn lúc mang thai. Lần thứ hai ở tuổi 80 khi bà không thể leo lên đỉnh một ngọn núi ở Adirondacks cùng với các cháu dù bà đã leo lên đó hàng chục lần.

Để thoát khỏi ám ảnh tuổi già, bà quyết định viết một cuốn sách và phỏng vấn 128 người trên 80 tuổi, nhiều người trong số họ năng động, yêu thương và hài lòng với cuộc sống. Hiện đã nghỉ hưu ở tuổi 86 bà vẫn viết blog và sống với bạn trai đã được bốn năm. Với nhiều người, sự sợ hãi mình già không phải do tuổi tác mà là vì sợ những dấu hiệu của tuổi tác và không thể làm những gì mình từng làm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: