Bùa ngải, từ huyền sử đến sự thật (2)

Từ “Kumanthong” đến “Thiên linh cái”
Share:
Minh họa: pexels-brett-jordan

Bùa ngải hiện vẫn phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Nghe nói người Thái dùng xác hài nhi luyện bùa “Kumanthong” để được phù hộ may mắn, làm ăn phát tài, người Campuchia có bùa “Thiên linh cái” làm bằng đầu lâu của cô gái trẻ còn trinh, khi luyện thành công có thể sai bảo vong hồn đoạt mạng kẻ khác. Các dân tộc thiểu số miền núi có hình thức thư ếm quả trứng, mảnh sành, bó giẻ vào bụng.

Bùa “trà kha” ở Trà Vinh, loại bùa hộ mệnh này có nguồn gốc từ giáo phái Chaka. Theo truyền thuyết, khi Đức Phật đi truyền giáo, Ngài thường bị thổ dân và thú dữ đe dọa. Thấy vậy, Ngọc Hoàng sai ba vị thần xuống để bảo vệ Đức Phật khiến thần, quỷ, ác, thú không thể làm hại. Ba vị này đã luyện bùa chú cho Phật Tổ, sau này được gọi là bùa Chaka. Vẽ hình con rắn trên mặt dây chuyền. Sau này, các đệ tử luyện bùa “thẻ trà” thường cúng tổ bằng bùa. Khi tổ hợp nhất với người, chúng phình to như rắn.

Khi xưa nhắc đến Trà Vinh, nhiều người vẫn hãi hùng trước những câu chuyện kỳ bí. Người trúng bùa ngải sức khỏe đang bình thường, đột nhiên đổ bệnh, sắc mặt tái nhợt, khám bệnh thì không thấy bệnh. Nhưng lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, chẳng muốn làm gì. Trong giới tà thuật ở Việt Nam, ngải Trà Vinh luôn được xếp vào hàng cao bởi tính chất ma thuật, thần bí, có thể dễ dàng bỏ vào bát canh, cốc trà hay một viên kẹo. Hoặc bị từ mùi thơm của ngải cứu khi mua một lọ thuốc mỡ. Chính hương thơm này đã làm cho ngải mê người. Hít phải mùi hương này thì làm theo lời thầy phù thủy.

Có những loại bùa chú man rợ và đáng sợ, hành động phi nhân tính, làm phép thuật từ một bào thai hoặc một hộp sọ người. Từng có hàng nghìn ngôi mộ bị khai quật và hộp sọ của chúng bị đánh cắp. Những người luyện bùa tin rằng khi luyện bùa thành công thì họ sẽ có những năng lực siêu nhiên như điều khiển âm phủ, hô mưa gọi gió, hiện thân và nhiều năng lực siêu nhiên khác. Rất nhiều người cuồng búp bê Kumanthong yểm bùa, lành ít, dữ nhiều.

Minh họa: Pixabay

Bùa Kumanthong, còn gọi là bùa “búp bê”, “quỷ linh nhi” hay “cậu bé vàng” có nguồn gốc từ Thái Lan. Người Thái rất tin vào sự linh thiêng của các hồn ma trẻ nhỏ. Loại bùa này có hình dáng giống như một em bé. Các pháp sư luyện bùa thu bào thai đã chết khi chúng vẫn còn trong bụng mẹ rồi đem đến lò thiêu để sấy khô.

Khi xác đứa bé đã khô quắt khô queo, nhỏ gần bằng nắm tay thì thầy sẽ dùng vải quấn lại, phủ lên một lớp sơn mài, sau đó dát bằng vàng lá rồi để lên bàn thờ và thực hiện nghi thức ma giáo, luyện bùa. Ở Việt Nam cũng rất thông dụng loại bùa chú này. Không ít doanh nhân, người nổi tiếng trong showbiz Việt đã sang tận Thái Lan để thỉnh Kumanthong về nuôi và thờ nhằm mục đích hạ bệ đối thủ của mình.

Luyện “Thiên linh cái”, những ai biết tới nó đều rùng mình, kinh sợ. Luyện “Thiên linh cái” cần có xác một cô gái còn đồng trinh, trên mộ trồng cây chuối hột. Hằng đêm họ phải ra nằm ngủ dưới thân cây chuối, từ khi thân chuối chỉ cao hơn nửa thước cho đến khi cây có quả. Hằng ngày cúng cơm ba bữa, ban đêm ra ngủ ve vuốt thân cây như ve vuốt người vợ. Khi chuối chín thì bóc lấy hột phơi khô, lấy sương hòa cùng dầu thơm để thành “bùa mê thuốc lú”.

Họ còn phải chôn dưới đất đủ 49 ngày để mang âm khí, để trên trang thờ đủ 100 ngày cho có dương khí, mỗi đêm cầu thần niệm chú, như thế mới linh ứng. Thực tế rất ít người dám luyện “Thiên linh cái” vì khó tìm được xác nữ đồng trinh vừa qua đời, ngày đêm lại phải sống gắn bó với ma quỷ. Giết người lấy xác có thể dẫn đến việc “hồn ma báo oán” hoặc trả giá bởi pháp luật. Đây là thứ bùa mà cách luyện thật dã man. Việc luyện bùa này gắn liền với tội ác. Ở Đồng Tháp từng xảy ra vụ giết người hàng loạt, do Hai Tưng giết người lấy sọ luyện bùa. Kẻ thủ ác đã phải đền tội.

Bùa yêu (ảnh: báo Tiền Phong)

Về bùa “Lỗ Ban”, trước đây, trong khi làm nhà, giữa thợ và chủ nhà thường phát sinh những mâu thuẫn. Để trừng trị người chủ, trong giới thợ xây đã lưu truyền cách yểm một loại bùa chú có tên là Lỗ Ban, vào căn nhà mới xây, để khiến chủ nhà làm ăn lụn bại, vợ chồng lục đục, con cái hư hỏng, xui xẻo liên miên. Lỗ Ban được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng. Lỗ Ban là thợ mộc giỏi của nước Lỗ thời Xuân Thu bên Tàu. Cho đến tận ngày nay, thước Lỗ Ban vẫn được dùng rộng rãi trong lĩnh vực xây dựng, là thước đo chuẩn mực nhất khi làm nhà, đóng đồ mộc, đặc biệt là đóng bàn thờ, tủ thờ.

Tây Nguyên cũng có nhiều câu chuyện huyền thuật, người lên miền núi, thường được nghe lời dặn dò: “Lên đó coi chừng bị thư ếm, bỏ bùa”. Người giữ bùa ngải thường là phụ nữ. Nếu ai xin với lý do gì chính đáng thì họ mới cho. Nhưng có những người bị “tam tam”, điên điên, khùng khùng, dân làng nói là do bị bỏ bùa.

Bùa yêu là một loại bùa đã xuất hiện từ lâu đời, bắt nguồn từ dân tộc Mường ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Người Mường gọi bùa yêu là “khăm”, là “nèm chài”. Hầu hết người Mường đều biết đến “khăm”. Trong dân gian vẫn hay lưu truyền câu chuyện về một anh chàng sau chuyến đi lên miền núi rồi bị “bỏ bùa” mà ở trên đấy luôn không về dưới xuôi nữa.

Minh họa: pexels-eva-bronzini

Kỳ lạ là nếu có trở về thì cứ thấy lòng dạ nóng ran lên như lửa đốt, không chịu được. Khi lên lại, gặp cô gái kia thì trở lại bình thường. Cách phổ biến nhất để làm bùa yêu đó là cô gái hoặc chàng trai phải lấy được một vật dụng của người kia, có thể là cái lược, quần áo, tóc, rồi đem đến cho thầy làm phép và yểm bùa vào. Có một cách khác là thầy sẽ phù phép vào đồ ăn, uống để người này đem cho người kia.

Trong cộng đồng người Tày, Nùng nghe nói cũng có bùa ngải. Người Tày có bài thả bùa yêu khá lạ.

“Bùa ta thả trúng quả mơ, quả mơ nhớ ta mà rụng cuống

Bùa ta thả trúng trái mận, trái mận yêu ta mà phải lìa cành

Bùa ta thả lên trời, mặt trời phải trốn vào trong mây

Bùa ta thả xuống dòng sông, dòng sông phải sôi lên vì thương nhớ

Bùa ta thả trúng gái tơ, gái tơ yêu ta tha thiết

Bùa ta thả trúng gái già, gái già vì yêu ta mà quên nhà

Không phải mai sau mới yêu mà yêu ngay tức thì

Thái thượng lão quân

Cấp cấp như lập lệnh”.

Những bằng chứng khoa học đến nay vẫn chưa được giải thích đầy đủ và những câu chuyện về bùa ngải. Nhắc đến bùa ngải là nhắc đến một phạm trù tâm linh không nhìn thấy, sờ thấy được, đặc biệt là bùa ngải Trà Vinh. “Thần bùa”, “trà bùa”, “năm bùa” vẫn giữ nguyên sự bí ẩn vốn có của nó. Bùa ngải luôn bí ẩn, cũng có một số nghiên cứu khoa học, cho rằng “bùa ngải là có thật”. Bên cạnh đó, cũng có những người theo thuyết duy vật, hoặc đơn giản là cuộc đời họ chưa từng bao giờ tận mắt chứng kiến nên sinh ra hoài nghi, cho rằng bùa ngải chỉ là sản phẩm của mê tín dị đoan.

Thông thường am “chữa bệnh ma quỷ” thường vẫn có bàn thờ Phật, cạnh đó còn bàn thờ tổ và thần thánh thuộc tín ngưỡng dân gian hoặc phổ biến là thờ ông “Quan Công”. Tôi từng thấy, “Bạch long cư sĩ” ở Thất Sơn trục vong. Ông thuyết giảng, khuyên răn, đôi khi cầm đao dọa dẫm, vẫy mạnh nhang khói, phun nước, đọc chú, rồi bất thình lình vả mạnh vào trán người bệnh. Người bệnh ngã ngửa, run lẩy bẩy, thế là ma quỷ xuất ra…

Tôi cũng được nghe nói về sư “Talon” là nhân vật nổi tiếng trong thế giới bùa ngải. Ông có hàng ngàn gốc ngải ở khu vực núi Tà Lơn, Campuchia. Những loại ngải ở đây đã được ông trì chú, yểm bùa phép. Sư “Talon” có hàng trăm đệ tử ở khắp nơi. Trong số đệ tử, phải kể đến Sen Khụt, một thầy bùa ở núi Cấm, An Giang. Sen Khụt chuyên chữa trị các loại bệnh về bùa ngải. Khách hàng của ông chủ yếu là người từ Sài Gòn và Hà Nội, có tiền của và gia thế.

Kiểu giải bùa chú của thầy thường là nắm tay, xoa trán mở luân xa, rồi làm phép. Thầy đặt hai quả trứng gà luộc chín, hai chai nước lã lên bàn rồi nhắm nghiền mắt lại đọc thần chú. Lấy tấm ảnh của người có liên quan nắm vào lòng bàn tay, lại nhắm mắt và đọc lẩm bẩm điều gì đó.

Với người đến xin bùa, họ chủ yếu là doanh nhân hoặc người làm ăn buôn bán. Người đến trải qua khóa học phép thần chú ba ngày. Có rất nhiều loại bùa ngải, tuy nhiên những người buôn bán thường chỉ xin bùa làm ăn. Trong ba ngày, người học bùa phải trải qua những bài luyện chú với lời lẽ và ngôn ngữ như là từ một “thế giới khác” rất khó thuộc. Các bài trì trú không được để lộ ra ngoài.

Ở Việt Nam, người ta thường đồn người miền Nam giỏi bùa ngải vì chịu ảnh hưởng của huyền thuật Cao Miên. Người miền Trung biết về thư phù vì ảnh hưởng bởi Chiêm Thành, họ tinh thông về phù thư, đối ếm. Người Bắc giỏi về độc trùng do chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa cổ chuyên dùng hương mê và thuốc độc.

Minh họa: pexels-magda-ehlers

Không biết sức mạnh thần bí của bùa ngải có thật hay không, nhưng cũng có những nhà khoa học nhìn nhận rằng, “bùa ngải là một loại thảo dược, trong đó một số loại cây có độc tính cực mạnh. Những triệu chứng thường thấy ở một số nạn nhân của bùa ngải rất có thể là tình trạng nhiễm độc, trúng độc từ một loại thảo dược do con người hại nhau. Vì họ không thể lý giải nổi nguyên nhân vì sao nên mới nghĩ đến việc bị thuốc thư, yểm bùa. Thầy bùa, pháp sư chính là những chuyên gia về thảo dược và thuốc độc. Trong một số trường hợp, sự am hiểu và kinh nghiệm của họ có thể hóa giải chất độc giúp ích cho nạn nhân, nhất là với những loại độc dược lạ và có dược tính phức tạp”.

Theo các nhà khoa học, cái gọi là bùa mê có thể là do các vị pháp sư đã biết và kết hợp một số loại thảo mộc có tác dụng gây mê tạm thời lên thần kinh khiến người bị “bỏ bùa” rơi vào trạng thái mơ hồ, thiếu kiểm soát, khiến người bị hại lại tin bị trúng bùa ngải.

Đạo Phật tin vào “nhân quả”, làm thiện thì gặp thiện, làm ác thì gặp ác, không có phù phép “bùa ngải” nào qua “Luật nhân quả”.

“Chơn thật tu hành nghiệp mới qua

Mãi theo bùa ngãi có chi mà…”

Với đạo Phật, Phật tính là quan trọng, “nhờ có ánh sáng của trí tuệ, con người không còn bất an, hoài nghi, lo lắng, có thể hiểu đúng được bản chất của bùa ngải…”.

Bùa ngải có thể từ “hỉ nộ ái ố”, sân si quá mức của con người. Có nhà sư đã dùng biện pháp tụng kinh nhanh, lớn, nhiều lần, gióng chuông, niệm chú Phật để định thần, áp chế ma quỷ, tránh bùa ngải.

“Na mố a mi ta bụt”.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp, đầy u mê, cần có những suy nghĩ để điều chỉnh chính tâm tư mình một cách đúng đắn thì không có tà ma yêu quái nào có thể xâm phạm chiếm dụng được thân xác của mình. Trong thế giới xa xưa thường tồn tại những bí mật lạ, thậm chí thật kỳ lạ, bùa ngải là một trong số đó. Thường thì người không sợ sệt, không tin thì không phải bị vướng mắc vào “ngải bùa”. Người tin thì lại mở cửa tâm hồn cho thần “bùa ngải” bám vào. Tôi thì cho rằng, sự mạnh mẽ của thần kinh có thể áp chế sợ hãi, hoặc tùy theo tôn giáo cùng với niềm tin mãnh liệt cũng có thể là một giải pháp định tâm hữu dụng.

___________

BÀI 1: Hư hư, thật thật. Thiệt thiệt, giả giả…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: