Bùa ngải, từ huyền sử đến sự thật (1)

Hư hư, thật thật. Thiệt thiệt, giả giả…
Share:
Minh họa: Pexels

Quanh ta luôn có những hiện tượng lạ, khó giải thích. Tôi còn nhớ mấy mươi năm trước ở Vũng Tàu, tôi cùng với hai người bạn, Hồ Thu và Bình đi đám tang em gái của một người quen gốc Khmer, nghe nói bị “cô” ở một cái miễu nào đó “nhập”, bị bệnh, chết.

Tôi cũng có một người anh, trước năm 1975 đăng hết sắc lính này đến sắc lính khác, học võ, chơi bùa ngải, xăm mình, vẽ bùa chú, chữ Miên đầy người. Khi anh vái vái, lẩm nhẩm gì đó, thì dù bị ai đó đánh đến mấy cũng không biết đau. Nhưng về sau, ngủ thường ú ớ, kêu la. Anh nói bị nhiều người đuổi đánh. Cuối cùng anh nhảy tự tử ở cầu Nhị Thiên Đường, Sài Gòn. Bản thân tôi, khí chất mạnh mẽ, thần kinh khá vững vàng, khi còn trẻ vốn không sợ bất cứ điều gì. Có thể đi đêm vào rừng vắng một mình, có thể ngủ nơi người ta đồn thổi có ma quỷ, nhiều người bị nhát. Người ta nói tôi “nặng bóng vía”.

Theo dân gian, người nặng vía hay yếu vía là người có âm dương trong cơ thể chênh lệch nhau. Nếu trong cơ thể chứa phần âm nhiều hơn dương thì người này sẽ là một người “yếu bóng vía”. Khi gặp chuyện bất ngờ, sợ hãi cao độ thì người yếu bóng vía sẽ liền thất thần tới mức ngất xỉu. Không những thế, người yếu vía rất khó tập trung vào vấn đề chính, hay đãng trí và lơ là trong nhiều việc. Đặc biệt người yếu bóng vía rất dễ nhìn thấy người cõi âm. Nếu trong cơ thể chứa phần dương nhiều hơn phần âm thì ngược lại, người này là người vía nặng. Những người như vậy mạnh mẽ, không bao giờ nhìn thấy người cõi âm.

Cũng có thể người thường bị ma nhập là một dạng bị thần kinh nhẹ, “tâm thần phân liệt”. Thực tế thì thường mấy người làm nghề đồng bóng, thường “gọi vong”, lên đồng để người đã khuất nhập vào mình, không biết có thật hay không.

Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng trong làng giải trí Việt không ít lần lên tiếng về việc bị “ngải đả”. Một “siêu mẫu” nọ trong tai nạn hy hữu ở Sài Gòn, cảm thấy rất mơ hồ không hiểu việc gì đã xảy ra trước khi tai nạn, không biết tại sao khiến cô từ người cầm lái chuyển thành người ngồi ghế phụ, có thể cô “bị ngải” khiến tạm thời mất ý thức.

Lại một nữ ca sĩ nổi tiếng khác lại cho rằng mình dính bùa ngải. Cô nói rằng: “Đầu tiên là xương bả vai của tôi nhức mỏi liên tục gần một tháng, tôi ngồi vai cứ rút lại, uống thuốc cũng chẳng đỡ. Sau đó, đầu tôi đau như ai cầm đinh đóng vào, mắt tự dưng mờ và hai tai thông nhau, lúc nào cũng ù ù trong đầu… Có lúc giọng khản đặc không hát được ra hơi, toàn tiếng gió, một nốt cao cũng không lên được…”. Cô đi gặp thầy thì phát hiện ra đã bị một người bạn ca sĩ trù ếm.

Một ca sĩ – diễn viên khác lại lên báo nói: “Có người bỏ bùa hại tôi”, tranh giành vai chính trong một bộ phim. Gần đến ngày bấm máy, cơ thể cô suy nhược, thường xuyên mắc chứng đau bụng, khi đi hát bị ngất xỉu trên sân khấu, nhưng đi khám rất nhiều bệnh viện đều không thể tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng, đạo diễn đã cắt vai vì cô không đủ sức khỏe. Sau đó, cô mới biết đã bị dính “bùa ngải Trà Vinh”. Một vị thầy giúp, mới phá bỏ được bùa yểm, nữ ca sĩ thấy mình nhẹ nhõm, những cơn đau bụng không còn xuất hiện nữa. Cô còn chỉ hình xăm ngay sau gáy mình là tên vị sư, nhằm tri ân người đã cứu sống cô trong lần gặp nạn lớn này.

Rồi chuyện bị “ngải quật”, một anh ca sĩ nọ khẳng định mình chơi ngải và bị quật: “Tôi đột ngột bị mất sức khỏe, dường như mọi sức lực đều biến mất. Từ một thanh niên khỏe mạnh, tôi bỗng dưng ốm o gầy mòn, từ gần 70 kg chỉ còn dưới 50 kg. Ai cũng đồn tôi nghiện ngập, bệnh tật này nọ dù tôi không hút thuốc, không uống rượu. Tôi ngủ không được, ăn không vào, ru rú trong phòng suốt ngày suốt đêm không ra đường. Cứ thấy ánh sáng là tôi bỏ chạy như người bị bệnh dại và mỗi lần tôi định quay trở lại sân khấu là mỗi lần bị phá”.

Một ca sĩ khác nổi danh, từng lên như diều gặp gió, nhưng có lúc đột ngột xuống phong độ, liên tiếp đưa mình vào những rắc rối liên quan đến phát ngôn, cách hành xử. Như việc chủ động hôn môi với một nhà sư, lộng ngôn với một nhạc sĩ nhiều tuổi, hóa trang làm một bác sĩ máu lạnh giết người… Nhiều người cho rằng, anh bị “ngải quật”, không làm chủ được bản thân, nên mới có hành vi lạ đời, gây phẫn nộ trong dư luận, thậm chí nhận được sự nhắc nhở của “Cục nghệ thuật biểu diễn” với lời cảnh cáo: “Nếu còn tiếp tục sẽ đối diện với lệnh cấm biểu diễn”.

Ở miền Nam, huyền thuật chủ yếu thịnh hành dòng Nam tông, đặc biệt là bùa chú của Thái hoặc Miên (ảnh: NLĐ)

Bùa, bùa chú hay bùa ngải là tên gọi chung của các loại vật dụng, thông thường là giấy có viết các ký tự như Hán tự, các hình vẽ. Chúng được các thầy trừ tà, phù thủy tạo ra mục đích tốt là trấn yểm, trừ tà, hoặc với mục đích xấu làm hại người khác. Như “phù lục” là những loại bùa giấy của Tàu, hoặc bùa hộ mệnh hoặc “thần chú” nhằm kích hoạt hiệu ứng ma thuật trên người hoặc đồ vật. Nói chung, bùa là một loại chữ viết tượng trưng cho một sự điều khiển vô hình với các thế lực siêu nhiên tùy theo mục đích của người tạo ra lá bùa.

Ngải thuộc họ thực vật, có củ, là một thứ thuốc mà người ta tin rằng uống vào thì bị mê hoặc, bị mắc ngải. Ngoài ra còn một thứ cây khác cũng thuộc giống ngải như cây nghệ, gừng, lá lớn cũ lớn, những loại cây cỏ có mùi thơm lạ ở rừng núi hoang vu, nơi thâm sơn cùng cốc, tồn tại lâu năm ở những nơi chướng khí cao, là nơi các loài yêu ma quỷ quái rất thích cư ngụ ẩn náu. Ngải là những loại cây có tâm linh được các pháp sư dùng quyền phép truyền vào. Theo dân gian tương truyền, các thầy pháp sư, thầy nuôi ngải phải dùng máu động vật, hoặc máu của mình để nuôi ngải, tắm cho ngải, cho ngải ăn vào giờ nhất định trong ngày, đọc thần chú khi cho ngải ăn để luyện ngải.

Bùa ngải là một trong những hình thức khai triển huyền thuật. Bùa ngải khởi thủy nhằm trị bệnh, trừ tà ma, sau bị một số người ác tâm sử dụng cho mục đích xấu. Bùa ngải nói chung dùng đủ thứ chất liệu từ cây cỏ đến vật dụng, tùy phép yểm và mục đích. Lá bùa có loại nhỏ bằng ngón tay, có loại to như mặt bàn. Loại chôn, loại đốt, loại uống, vô hình vô trạng.

Ở miền Nam, huyền thuật chủ yếu thịnh hành dòng Nam tông, đặc biệt là bùa chú của Thái hoặc Miên. Trong đó, phương pháp “trù ếm” được sử dụng nhiều nhất là “hình nộm thế thân”, với chiêu thức tàn độc nhắm đến người bị sát hại, bằng cách đâm, cắt, bẻ gãy, dìm nước. Những người ếm bùa ngải cho rằng người bị ếm không chỉ tán gia bại sản mà tinh thần, thể xác còn bị tổn hại nặng nề.

Bùa ngải là phép thuật thần thông, là huyền thuật có lịch sử ít nhất 8.000 năm, bất cứ tôn giáo nào, dân tộc nào cũng có huyền thuật. Các loại bùa ngải thường gặp, có thể kể đến các dòng “Nam tông” có nguồn gốc từ Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia hoặc dòng “Tiên đạo” ở Trung Quốc, Tây Tạng hay “huyền thuật” của các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ở Việt Nam cũng có rất nhiều loại bùa ngải, huyền thuật nội sinh hoặc du nhập.

Sách “luyện bùa” Thái được bán công khai đầy trên mạng (ảnh: NLĐ)

“Trấn yểm”, “trấn” là đè xuống, là bảo vệ. “Yểm” là ém, vùi xuống một vật gì đó làm cho đối phương bị mất phương hướng hoặc không phát triển, “thân bại danh liệt”, suy sụp. “Trấn” thường đặt trên mặt đất, nhìn thấy còn “yểm” đặt dưới đất hoặc giấu kín, không nhìn thấy. “Trấn yểm” có mục đích là để phá hoại tiêu cực làm triệt tiêu, hủy hoại đối phương hoặc để phát triển tích cực đem lại sự tốt lành. Như vậy “trấn yểm” đi liền với “phong thủy”, phải hiểu “phong thủy” mới có thể “trấn yểm”.

Dã sử có kể nhiều chuyện ngày xưa vua tôi hoặc các thầy phong thủy người Tàu “trấn yểm” nước Nam. Như “cột đồng Mã Viện” khắc sáu chữ Hán: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Như bùa yểm Cao Biền “tìm cách trấn yểm linh khí An Nam”, tìm kiểu đất đế vương, hay những nơi có hình sơn thế thuỷ phát tài phát lộc thì “cắt đứt long mạch”, cho đào những giếng sâu hoặc “bế khí”, chặn dòng chảy hoặc khơi dòng chảy cho “tán khí”.

Truyền thuyết còn kể rằng, khi biết đất làng Cổ Pháp có thế phát vương, Cao Biền cho cắt đứt long mạch bằng cách đào con sông Điềm, trấn yểm 19 điểm dọc theo sông. Cao Biền còn dùng sắt, đồng chôn yểm ở đền Bạch Mã là nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ.

Ở Miền Nam cũng có, như ở vùng Núi Cấm bảy núi huyền bí gắn liền với đạo giáo “Bửu Sơn Kỳ Hương” mà sáng lập là Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên năm 1849. Tương truyền rằng, ngài đã sai đệ tử là Đức cố Quản trấn yểm, cắm “năm ông thẻ”, mỗi thanh dài một mét rưỡi, đầu có hình búp sen ở Núi Cấm và bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc để phá thế trấn yểm của Tàu thời Càn Long, mà đến ngày nay vẫn còn vết tích là những đền miếu thờ như dinh Quan thẻ số 1, Đông phương thanh đế. Thẻ số 2, Bắc phương hắc đế. Số 3, Tây phương bạch đế. Số 4, Nam phương xích đế và Trung ương huỳnh đế ở Núi Cấm, với câu nói, “Cắm năm ông thẻ chẳng lẽ thua Tàu”.

Các đền miếu này thường gắn liền thờ nhân thần lịch sử Nguyễn Trung Trực. Đạo giáo của ngài mang màu sắc tâm linh bí ẩn, thờ “trần điều”, chữa bệnh bằng giấy vàng, uống nước lã.

Ngày nay ta vẫn thường nghe “bỏ bùa” cũng là một dạng của “yểm”. Như đã nói bên trên, trước kia những lá bùa, ngải thường chủ yếu được dùng để thể hiện niềm mong ước đến những điều tốt lành, như bùa cầu bình an, bùa cầu công danh sự nghiệp, ngải để chữa bệnh. Trên bàn thờ, trước cửa nhà của mỗi gia đình thường treo những lá bùa để mong điều lành, tránh điều dữ hoặc ma quỷ quấy phá. Tuy nhiên, trong cuộc sống vốn có quá nhiều ghen ghét, đố kỵ khiến cho con người đã tìm cách dùng bùa ngải vào những mục đích xấu, khiến giờ đây khi nhắc đến bùa ngải thì ai cũng cảm thấy sợ.

_________________

BÀI 2: Từ “Kumanthong” đến “Thiên linh cái”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: