Giá cả tính chung tăng trở lại trong Tháng Chín, báo hiệu lãi suất vẫn chưa ngừng “leo thang” trong thời gian tới, và bức tranh kinh tế vẫn còn ảm đạm.
Những tín hiệu không vui
Theo báo cáo lạm phát mới do Cục Thống kê Lao động công bố ngày 13 Tháng Mười, giá cả Tháng Chín tăng 8.2% so với năm trước, giảm nhẹ so với mức đỉnh mùa hè nhưng vẫn ở mức cao chưa từng thấy trong bốn thập niên qua.
Cũng theo báo cáo, khả năng tăng mạnh lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khiến các nhà đầu tư lo lắng. Dữ liệu cho thấy lạm phát tăng 0.4% trong Tháng Chín so với Tháng Tám, bất chấp việc các nhà hoạch định chính sách tìm mọi cách giảm giá để bớt gánh nặng cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ.
Các thị trường tài chính xôn xao trước thông tin lãi suất có thể tăng mạnh, khi nhiều nhà đầu tư lo ngại các dữ liệu kinh tế mới sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách của Fed phải đi theo hướng tăng lãi suất. Việc thị trường tài chính phục hồi nhẹ sau suy giảm (chỉ số Nasdaq giảm gần 3% vào lúc mở cửa, nhưng chỉ còn giảm 1.5% vào giữa buổi sáng) không đủ để đẩy lùi mối lo.
“Lạm phát cơ bản” (core inflation) không tính các mặt hàng dễ biến động hơn như thực phẩm và năng lượng, cũng tăng nóng đến 0.6% trong Tháng Chín, bằng Tháng Tám. Đây là dấu hiệu rất đáng lo vì nó cho thấy lạm phát vẫn “bền vững” và việc xử lý nó tận gốc không hề dễ.
Báo cáo thể hiện mức tăng chi phí cho chỗ ở, chăm sóc y tế, bảo hiểm y tế, mua xe hơi mới, đồ dùng trong nhà và giáo dục. Chi phí cao hơn ở những khoản này kéo dài suốt nhiều tháng và chỉ được bù đắp một phần nhờ giá xăng tiếp tục giảm 4.9% so với mức đỉnh của mùa hè. Chỉ số giá nhiên liệu cũng tăng 58.1%.
Chi phí thuê nhà, phần quan trọng của báo cáo lạm phát về “chỉ số giá tiêu dùng” (consumer price index), tăng 0.8% trong Tháng Chín, tăng nhẹ so với hai tháng trước và tăng 7.2% trong năm tính đến thời điểm này, được xem là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1982. Fed cho rằng tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tức thì đến thị trường nhà ở, vì chi phí tăng cho các khoản thế chấp và sẽ giúp hạ nhiệt giá nhà. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng cần nhiều tháng để chi phí thuê nhà đảo chiều và người Mỹ vẫn phải căng thẳng tài chính để ở lại trong ngôi nhà đang ở hoặc chuyển đến một nơi khác có chi phí hợp lý hơn.
Chỉ số lương thực tăng 0.8% trong Tháng Chín, bằng tháng trước. Trái cây và rau quả tăng 1.6%; ngũ cốc và các sản phẩm bánh mì tăng 0.9%. Bột, gà tây và bơ đạt mức cao mới. Tính chung, chi phí thực phẩm tăng 11.2% trong năm tính đến thời điểm này. Nếu có giảm, đó là xe hơi và xe tải đã qua sử dụng, giảm 1.1% (không nhiều như các nhà phân tích dự đoán); quần áo giảm 0.3%.
Ở thành phố Richmond, việc phục vụ bữa nửa buổi vẫn hoạt động rầm rộ tại nhà hàng LuLu’s. Nhưng chi phí trả lương tăng từ 20 đến 30% so với trước đại dịch và không dễ thuê đủ nhân viên làm bếp lành nghề. Người chủ Paul Keevil cho biết ông phải trả cho một đầu bếp không có kinh nghiệm thêm vài đôla mỗi giờ so với người có kinh nghiệm trước đại dịch. Keevil và Tổng giám đốc Aaron Clifton cho biết không thể tăng giá bán quá mức dù giá nguyên liệu tăng mạnh. “Giá trứng tăng 400% nhưng nếu bạn tăng giá menu bạn sẽ… thất nghiệp vì không có ai đến nhà hàng của bạn!” – Clifton nói.
Lãi suất vẫn cứ tăng
Lạm phát vẫn là bài toàn đau đầu nhất của nền kinh tế và báo cáo lạm phát (hay báo cáo chỉ số giá tiêu dùng) mới là báo cáo cuối cùng trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới. Trong hơn một năm, các gia đình Mỹ phải chi phí thêm một khoản tiền đáng kể cho hàng tạp hóa, khí đốt, tiền thuê nhà và gần như tất cả mọi thứ cần thiết.
Các doanh nghiệp cũng phải vất vả bù đắp chi phí vận chuyển tăng, thuê đủ nhân công hoặc giải quyết các vấn đề dai dẳng của chuỗi cung ứng. Cũng trong ngày 13 Tháng Mười, Cơ quan An sinh Xã hội (Social Security Administration) công bố mức tăng 8.7% phúc lợi dành cho người cao tuổi từ năm tới, một phản ứng trước lạm phát cao bào mòn túi tiền của những người thụ hưởng. Tương lai cũng không sáng sủa hơn, vì không ai biết liệu những nỗ lực hạ nhiệt giá cả của Fed bằng tăng mạnh lãi suất có dẫn đến suy thoái kinh tế không.
Tổng thống Joe Biden trong một cuộc phỏng vấn của CNN ngày 11 Tháng Mười cũng thừa nhận khả năng xảy ra suy thoái. “Tôi không nghĩ sẽ có suy thoái. Nhưng nếu có, đó chỉ là suy thoái rất nhẹ!”. Trong một tuyên bố ngày 13 Tháng Mười, Biden lưu ý “giá cả vẫn còn quá cao” và đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa (GOP) phản đối mà mục đích chính là giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Phía GOP thì nói chính chi tiêu kích thích của đảng Dân chủ trong đại dịch đã gây ra lạm phát. Trong khi đó, các quan chức Fed lưu ý do lạm phát vẫn cao nên không thể hạ nhiệt đợt tăng lãi suất liên tục hiện nay, bất chấp nguy cơ tổn thương cho nền kinh tế.
Muốn giải quyết lạm phát, Fed phải tăng lãi suất để kéo giảm chi tiêu của nền kinh tế bằng cách đẩy toàn bộ các khoản cho vay từ mua xe hơi đến thế chấp lên đắt đỏ hơn. Hiện tại, lãi suất chính sách của Fed (policy rate) thường gọi là lãi suất quỹ liên bang (federal funds rate) nằm trong khoảng từ 3 đến 3.25%. Dự kiến sẽ có thêm hai đợt tăng lớn nữa vào Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai. Báo cáo lạm phát mới nhất củng cố dự báo của các nhà phân tích về đợt tăng thứ tư lên 0.75% vào tháng tới.
Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM ví von: “Đọc báo cáo lạm phát mới và… khóc!” khi ông đề cập đến việc Fed vẫn giữ vững đường lối cứng rắn với lãi suất nên có thể đẩy mức tăng cộng dồn lên đến 5%. Sự bất ổn của nền kinh tế đã lan ra các thị trường tài chính, vốn bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về suy thoái ở trong nước và nước ngoài. Báo cáo lạm phát mới có thể khiến cổ phiếu giảm mạnh hơn nữa. Các quan chức Fed khẳng định sự biến động trên thị trường tái chính sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lãi suất của họ. Nhưng chứng khoán giảm có thể trở thành một vấn đề trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới và định hình cảm xúc của cử tri về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra
Tại Ngân hàng Lương thực Khu vực Los Angeles, chi phí thực phẩm tăng khoảng 20%, với các mặt hàng chủ lực như thịt gà, gà tây, đậu pinto và gạo đều chiếm tỷ trọng lớn hơn trong ngân sách của ngân hàng.
Giám đốc điều hành Michael Flood cho biết ngân hàng thực phẩm phục vụ cho 800,000 lượt người vào Tháng Chín, gần bằng phần còn lại của năm. Flood biết nhiều gia đình không có khả năng trả tiền thuê nhà, tiền thuốc men hoặc đổ đầy bình xăng nên các khoản chi cho thức ăn phải nhờ ngân hàng. Flood nói: “Chúng tôi nghĩ rằng năm 2022 sẽ là năm yên tĩnh hơn một chút, với tình hình việc làm được cải thiện rất nhiều so với năm 2020, 2021. Nhưng buồn thay, lạm phát dai dẳng yêu cầu hỗ trợ lương thực vẫn ở mức thực sự cao”.
Sau khi Fed đánh giá sai lạm phát trong hầu hết năm qua, một số chuyên gia lo ngại kế hoạch kiềm chế lạm phát của Fed có thể phản tác dụng. Việc tăng lãi suất thường trễ và phải mất nhiều tháng trước khi chúng tác động đến nền kinh tế. Ngoài ra, các công cụ của các nhà hoạch định chính sách chỉ có thể giải quyết các vấn đề về nhu cầu của người tiêu dùng chứ không giúp khắc phục các vấn đề từ phía nguồn cung, chẳng hạn tình trạng thiếu chip và thiếu nhà ở, khiến chi phí mua xe cũ hoặc nhà mới tăng cao.
Tuy nhiên, hiện Fed vẫn trung thành với quan điểm: Sẽ có nhiều rủi ro hơn cho nền kinh tế nếu không làm đủ để chống lại lạm phát. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng các công cụ của họ không chính xác, chưa đủ mạnh và bất kỳ cú sốc toàn cầu mới nào cũng khiến việc tránh suy thoái trở nên khó khăn hơn.
Đối với Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, số tin tức tiêu cực tăng từng tuần. Ngày 11 Tháng Mười, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu trong báo cáo mới, kèm cảnh báo “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra và năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.
(theo Washington Post)