Liệu pháp âm nhạc ngày càng được sử dụng rộng rãi để giúp bệnh nhân đối phó với căng thẳng và giúp quá trình chữa bệnh đạt được hiệu quả cao.
Âm nhạc – Liệu pháp
“Hãy tập trung vào âm thanh của nhạc cụ,” Andrew Rossetti, một nhà nghiên cứu và trị liệu âm nhạc được cấp phép cho biết khi anh gảy các hợp âm trên một cây đàn guitar Tây Ban Nha cổ điển . “Nhắm mắt lại. Hãy nghĩ về một nơi mà bạn cảm thấy an toàn và thoải mái,” Rossetti nói.
Liệu pháp âm nhạc là điều cuối cùng mà Julia Justo mong đợi khi cô đến Phòng khám Mount Sinai Beth Israel Union Square để điều trị bệnh ung thư vào năm 2016. Justo là nghệ sĩ đồ họa người Argentina nhập cư đến New York. Âm nhạc nhanh chóng xoa dịu nỗi sợ hãi của cô về việc xạ trị mà cô ấy cần phải trải qua, điều khiến Justo hết sức lo lắng. “Tôi cảm thấy sự khác biệt ngay lập tức, tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều,” cô nói. Theo The New York Times.
Thật kỳ diệu, Justo khỏi bệnh ung thư đã được hơn bốn năm, vẫn đến bệnh viện hàng tuần trước khi đại dịch bùng phát để gặp ông Rossetti, người có những đoạn guitar nhẹ nhàng và các bài tập giúp cô đối phó với những thử thách đang diễn ra, như giúp ngủ ngon. Thời đại dịch, họ vẫn giữ liên lạc, chủ yếu qua email.
Khả năng chữa bệnh của âm nhạc – được các triết gia từ Aristotle, Pythagoras đến Pete Seeger ca ngợi – hiện đang được chứng thực bởi các nghiên cứu y học. Nó được sử dụng trong các phương pháp điều trị nhắm mục tiêu tới các bệnh như hen suyễn, tự kỷ, trầm cảm. Và hơn thế nữa, bao gồm cả các chứng rối loạn não như bệnh Parkinson, Alzheimer, động kinh và đột quỵ.
Đem âm nhạc vào bệnh viện
Phòng chờ khoa ung thư có nhạc sống, để giúp bệnh nhân bình tâm trong khi chờ xạ trị và hóa trị. Nhạc sống còn có mặt tại khoa sản phụ trong một số đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và an ủi những đứa trẻ bất hạnh khó qua nổi trong nhà tế bần.
Trước đây các liệu pháp âm nhạc hiếm khi được sử dụng như phương pháp điều trị độc lập, ngày nay càng được sử dụng nhiều hơn để bổ trợ cho các hình thức điều trị sức khỏe. Âm nhạc giúp mọi người đối phó với căng thẳng và tạo khả năng tự chữa bệnh của cơ thể.
Ông Rossetti giải thích: “Với liệu pháp âm nhạc, chúng tôi đang cung cấp cho họ những nguồn lực mà họ có thể sử dụng để tự điều chỉnh, cảm thấy vững tâm và bình tĩnh hơn. Chúng tôi đang tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực vào việc chăm sóc bản thân mình.”
Ngay cả trong đại dịch COVID-19, ông Rossetti vẫn tiếp tục biểu diễn nhạc sống cho các bệnh nhân. Ông nói rằng bản thân ông thấy rõ sự gia tăng lo lắng kể từ khi đại dịch bắt đầu, khiến sự can thiệp của âm nhạc, nếu có, sẽ tác động hơn so với thời gian trước khi xảy ra cơn khủng hoảng bệnh tật này.
Mount Sinai gần đây cũng mở rộng chương trình trị liệu âm nhạc, không chỉ cho bệnh nhân mà cả nhân viên y tế, những người phải làm việc căng thẳng để đối phó với COVID-19 từ ngày này qua tháng nọ. Vào giờ ăn trưa, các nhân viên y tế trong bệnh viện được nghe nhạc sống.
Âm nhạc không chỉ là một “chất” gia tăng sự lạc quan. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc được chơi trong môi trường trị liệu có những lợi ích về sức khỏe có thể đo lường được. Tiến sĩ Jerry T. Liu, trợ lý giáo sư về ung thư bức xạ tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, cho biết: “Những người trải qua liệu pháp này dường như ít cần thuốc điều trị lo âu hơn. Đôi khi, nhiều bệnh nhân còn không cần dùng đến thuốc hỗ trợ.
Một đánh giá về 400 bài báo nghiên cứu được Daniel J. Levitin tại Đại học McGill thực hiện vào năm 2013, kết luận rằng: Nghe nhạc hiệu quả hơn uống thuốc trong việc giảm lo lắng trước khi phẫu thuật. “Âm nhạc đưa bệnh nhân đến một ngôi nhà thân thuộc trong chính họ,” Tiến sĩ Manjeet Chadha, Giám đốc khoa ung thư bức xạ tại Mount Sinai Downtown ở New York, cho biết. “Âm nhạc là ‘liều thuốc’ giúp họ thư giãn mà không có bất cứ tác dụng phụ gì.”
Âm nhạc cũng có thể giúp mọi người đối phó với chứng ám ảnh lâu dài. Ông Rossetti nhớ lại một bệnh nhân bị đống bê tông đổ nát đè bẹp tại Ground Zero vào ngày 11-9. Người phụ nữ ấy, người nhiều năm sau đó được điều trị ung thư vú, cô vô cùng sợ hãi trước thiết bị bằng nhựa nhiệt dẻo đặt trên ngực trong quá trình xạ trị. Thiết bị này “đánh thức” cảm giác bị khối bê tông đè năm nào. Ông Rossetti nhớ lại: “Chính liệu pháp âm nhạc giúp cô ấy vượt qua chấn thương và nỗi sợ hãi mà cô phải đối mặt hàng ngày.”
Tại Mount Sinai Beth Israel, âm nhạc thường được biểu diễn trực tiếp bằng nhiều loại nhạc cụ bao gồm trống, piano và sáo, với những người biểu diễn phải cẩn thận để duy trì khoảng cách xã hội phù hợp.
Âm nhạc giúp phục hồi nhanh sau phẫu thuật
Joanne Loewy, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Âm nhạc & Y khoa Louis Armstrong của bệnh viện cho biết: “Chúng tôi sửa đổi nội dung chơi theo nhịp thở và nhịp tim của bệnh nhân. Mục tiêu của chúng tôi là giữ cho tâm trí của bệnh nhân kết nối với cơ thể, khi họ trải qua những đợt điều trị đầy thử thách này.”
Tiến sĩ Dave Bosanquet, bác sĩ phẫu thuật mạch máu tại Bệnh viện Royal Gwent ở Newport, Wales, nói rằng âm nhạc trở nên phổ biến hơn nhiều trong các phòng mổ ở Anh trong những năm gần đây qua bluetooth. Ông nói, nhạc giao hưởng và cổ điển thu sẵn không chỉ giúp bệnh nhân phẫu thuật thư giãn mà còn giúp các bác sĩ phẫu thuật tập trung vào nhiệm vụ của họ. Theo Tiến sĩ Bosanquet, âm nhạc cổ điển không có ca từ gây mất tập trung. Nhưng ông lưu ý rằng nó “chỉ nên chơi trong tình huống căng thẳng thấp hoặc trung bình” chứ không phải trong các hoạt động phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao.
Âm nhạc cũng đã được sử dụng thành công để hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2015 báo cáo rằng âm nhạc làm giảm đau và lo lắng sau phẫu thuật và giảm nhu cầu sử dụng thuốc chống lo âu. Thật kỳ lạ, họ cũng phát hiện ra rằng âm nhạc có hiệu quả ngay cả khi bệnh nhân được gây mê toàn thân.
Điều này không gây ngạc nhiên, Edie Elkan, nghệ sĩ hạc cầm 75 tuổi, người lập luận rằng có rất ít nơi trong hệ thống chăm sóc sức khỏe không được hưởng lợi từ việc bổ sung âm nhạc. Lần đầu tiên bà chơi nhạc trong bệnh viện là cho chồng bà, khi ông ấy vừa trải qua một cuộc đại phẫu thuật và đang nằm trong phòng hồi sức. “Bệnh viện nói rằng tôi không thể vào phòng với đàn hạc của mình, nhưng tôi nhất quyết không chịu,” bà nói. Khi tiếng đàn hạc của bà vang lên, các dấu hiệu quan trọng của ông đang ở thấp đến mức nguy hiểm, đã trở lại bình thường.
Ted Taylor, người phụ trách chăm sóc mục vụ tại bệnh viện, cho biết đàn hạc của bà Elkan có thể làm được nhiều việc hơn là xoa dịu cảm xúc. Âm nhạc có thể mang lại sự an ủi tinh thần cho những người đang ở một thời điểm dễ bị tổn thương nhất trong cuộc đời của họ.
Đọc thêm: