Apple, cuộc bứt phá chưa thấy điểm dừng

Ảnh: PK/Unsplash
Share:

Khi tập đoàn công nghệ Apple được định giá $3 ngàn tỷ trên thị trường, câu hỏi quen thuộc lại xuất hiện: “Làm cách nào gã khổng lồ công nghệ đạt được mục tiêu thống trị thế giới và tương lai còn đi đến đâu?”…

Những dự án mới đầy hứa hẹn

Apple hiện có giá trị cao hơn tổng giá trị của FTSE 100 (100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London, Vương quốc Anh). “Khi Apple quyết định lấn sân sang lĩnh vực truyền hình, tin tức và chăm sóc sức khỏe thì có khía cạnh nào trong cuộc sống con người lại không bị công ty của Tim Cook kiểm soát?” – John Arlidge của tờ The Evening Standard đã đặt câu hỏi như thế. Đằng sau những bức tường kính của trụ sở hình đĩa bay trị giá $5 tỷ của Apple ở thành phố Cupertino, tiểu bang California, những người làm việc ở đây có một năm mới để ăn mừng. Chưa có công ty nào đạt giá trị thị trường $3 ngàn tỷ, nhưng đầu tuần này, giá cổ phiếu tăng vọt của Apple đã phá vỡ “làn ranh”.

Ảnh: Michał Kubalczyk/Unsplash

Năm nay, công ty tập trung vào nhiều sản phẩm mới, sau thành công khiêm tốn với phần cứng trong năm ngoái. Các nguồn tin khả tín ở Thung lũng Silicon cho biết iPhone 14 khi được phát hành vào Tháng Chín, sẽ đi kèm khe cắm thẻ SIM vật lý (physical SIM card slot), thay vì eSIM kỹ thuật số. Cũng thấp thoáng trên “đường chân trời” và được chờ đón là một công cụ khá mơ hồ được gọi là “Apple Universal Control”, kiểu như “All-in-One” cho phép người dùng điều khiển gần như mọi thiết bị Apple (chẳng hạn như Mac, iPad) chỉ bằng một bàn phím, con chuột (hoặc bàn di chuột).

Ví dụ, đánh máy văn bản trên màn hình iPad rồi dùng chuột kéo nội dung từ iPad sang Mac! Apple cũng dự kiến ​​sẽ giới thiệu mẫu máy tính để bàn Mac Pro mới, máy tính để bàn Mac Mini mới và iMac Pro màn hình lớn, tất cả đều dùng bộ vi xử lý riêng của Apple, không còn lệ thuộc hãng khác. Theo thông tin từ hậu trường, công ty cũng đang lên kế hoạch cho một màn hình rời mới với chi phí chỉ bằng một nửa so với Pro Display XDR giá đến $5,000; đồng hồ đeo tay mới và chiếc đầu tiên của mẫu “tai nghe thực tế tăng cường” (augmented reality headset) được nói đến từ lâu.

Apple đã chứng minh nhiều dự đoán tiêu cực là sai

Apple đã làm thay đổi thế giới công nghệ mỗi lúc nó mở “chiếc hộp thần kỳ” (magic box) vào một thời điểm nào đó. Hết iPod, iPhone đến iPad, Apple Watch và nhiều nữa. Sau năm 2018, bị chao đảo vì doanh số bán iPhone đáng thất vọng, một số nhà quan sát ​​cho rằng “bộ phận phần cứng của Apple đã cạn kiệt ý tưởng và công ty không thể đi lên nhờ nó”. Thoát đầu họ đúng nhưng thời gian trôi qua họ đã sai. Bây giờ doanh số bán phần cứng đang tăng trở lại. Lấy ví dụ AirPods, sản phẩm nhỏ nhất mà Apple làm ra. Theo thống kê, khoảng 27 triệu cặp tai nghe không dây AirPods mới nhất của hãng đã bán hết trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2021.

Ảnh: James Yarema/Unsplash

Apple đã kiếm được $1 tỷ doanh thu mỗi ngày trong năm ngoái và giá cổ phiếu đã tăng hơn 30%. Để chắc chắn người dùng tiếp tục gắn bó với các thiết bị của hãng (cả cũ lẫn mới) và để tăng thêm nguồn doanh thu, Apple đã chuyển mạnh sang chiến thuật cung cấp các dịch vụ phát hành các nội dung nghe nhìn trực tuyến: Âm nhạc và phim ảnh. Các dịch vụ này rất đa dạng, từ Apple TV +, một dịch vụ “tin tức mà bạn có thể tin tưởng” (news you can trust), đến các dịch vụ tài chính liên doanh với ngân hàng Goldman Sachs và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Khi các dịch vụ này được tung ra, một số nhà quan sát tự hỏi “Liệu Apple có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao đến mức khó vượt qua nổi của phần cứng để tương thích với các dịch vụ mới?”. Tại mỗi sân chơi mới, Apple phải đương đầu với những đối thủ kỳ cựu, có uy tín và nguồn lực tốt. Và Apple đã chứng minh sự lo lắng của họ là… thừa! Apple TV + được xem nhiều trong thời gian lockdown, đặc biệt là chương trình “Morning Show” và “Ted Lasso”. Hàng chục tổ chức tin tức cũng đăng ký hợp tác với Apple News.

Chính Health Kit (bộ công cụ chăm sóc sức khỏe) của Apple, tích hợp dữ liệu từ nhiều thiết bị đeo được và cho phép các nhóm chăm sóc y tế phát hiện (thậm chí dự đoán) tình trạng sức khỏe của chủ nhân, đã giúp doanh số Apple Watch tăng mạnh. Apple hiện là nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, bán chạy hơn toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ (theo số liệu của Strategy Analytics). Còn Apple Music thu hút được hơn 70 triệu người đăng ký, chỉ thua Spotify dẫn đầu thị trường với 172 triệu đăng ký. Dan Ives, một nhà phân tích từ công ty Wedbush, nhận định: “Một lần nữa Apple tiếp tục chứng minh những nghi ngờ đã sai. Ước tính doanh thu từ các dịch vụ của nó đã lên đến $1.5 ngàn tỷ”.

Tổng hành dinh Apple (ảnh: Carles Rabada/Unsplash)

Đích nhắm $4,000 tỉ

Ngoài sản phẩm và dịch vụ, Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, đã dẫn dắt công ty tốt hơn bất kỳ CEO công nghệ lớn nào khác, trong đó nổi bật nhất là khéo léo biến “quyền riêng tư” (một vấn đề chính trị và xã hội gây tranh cãi nhất ở Mỹ) thành lợi thế cạnh tranh! Hiếm khi ông bỏ lỡ cơ hội lên án đối thủ, đặc biệt là Facebook, về “mô hình kinh doanh dựa vào việc thu thập và kiếm tiền từ thông tin cá nhân người dùng”, điều mà Apple tuyệt đối không làm.

Tuy nhiên, không phải Apple lúc nào cũng thắng. Mặc dù tiên phong trong sáng kiến “quản gia trực tuyến” (online butler-hay trợ lý ảo) với Siri, nó đã bị Alexa của Amazon qua mặt. Tốc độ, độ chính xác và “cá nhân hóa” của Alexa là ưu thế. Theo các nhà phân tích thì chính chính sách quyền riêng tư của Apple đã trói tay Siri. Ở những nơi khác, Dự án Titan (Project Titan) về xe hơi tự lái được kỳ vọng nhiều của Apple cũng không đạt được lực đẩy cần thiết. Công ty còn phải đối mặt với áp lực chính trị và các quy định phải theo. Một số nghị sĩ Mỹ đã đặt ra câu hỏi về khoản thanh toán ước tính $8 tỷ – $12 tỷ mỗi năm mà Alphabet, công ty mẹ của Google đã trả cho Apple để đặt Google Search làm tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple, trong khi một số người khác đặt câu hỏi về việc Apple đòi phải chia 15-30% cho một số giao dịch trên cửa hàng ứng dụng App Store.

Cách nay vài năm, theo yêu cầu Bắc Kinh, Apple bắt đầu lưu trữ dữ liệu và mật khẩu (key) các tài khoản iCloud Trung Quốc tại các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc. Những người ủng hộ quyền riêng tư chỉ trích làm như thế là giúp chính quyền Trung Quốc giám sát dễ hơn người dùng các thiết bị và dịch vụ của Apple ở Trung Quốc. Tại Hong Kong, theo yêu cầu của chính quyền sở tại, Apple phải xóa khỏi App Store ứng dụng HKmap.live mà những người biểu tình ủng hộ dân chủ thường sử dụng để theo dõi hoạt động của cảnh sát.

Ảnh: Andy Wang/Unsplash

Tương lai của công ty có giá trị nhất thế giới sẽ như thế nào? Có thể sẽ có thêm rất nhiều dịch vụ đi kèm với các phụ kiện phần cứng mới. Các dịch vụ theo dõi sức khỏe của Apple Watch sẽ giúp Apple lấn sâu dễ dàng vào lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe “béo bở”. Thẻ Apple hợp tác với Goldman Sachs hoạt động tốt với Apple Pay và ngày càng phổ biến (hiện chiếm khoảng 5% giao dịch thẻ toàn cầu và sẽ tăng gấp đôi lên 10% vào năm 2025, theo dự báo của công ty nghiên cứu tổng hợp Bernstein). Apple cũng có thể mở rộng hơn nữa trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một thị trường mà các gã khổng lồ công nghệ khác đang gặp khó khăn. Thanh toán kỹ thuật số là một cơ hội lớn, chiếm khoảng $1 ngàn tỷ doanh thu trên thế giới.

Một số người ở Thung lũng Silicon suy đoán Apple có thể tận dụng vai trò là “nhà vô địch bảo vệ quyền riêng tư” để tạo ra các phiên bản dịch vụ truyền thông xã hội mới đặt quyền riêng tư lên hàng đầu, cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Hãy tưởng tượng thông tin liên lạc an toàn, dung lượng lưu trữ iCloud, TV, tin tức, ngân hàng, sức khỏe, bảo hiểm…, tất cả đều từ cùng một nhà cung cấp đáng tin cậy trên iPhone, iPad, Mac, đồng hồ và trong tương lai là kính thực tại ảo AR. Đó thực sự là một cuộc cách mạng. Và dĩ nhiên phải có lời! Các nhà phân tích dự báo một gói dịch vụ như vậy có thể mang về phí đăng ký hơn $100 một tháng cho Apple, đủ để giá trị công ty tăng lên $4 ngàn tỷ trong thời gian không xa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: