Big Tech nhốn nháo trước ảnh hưởng dữ dội của ChatGPT

CEO và là người đồng sáng lập OpenAI, Sam Altman (ảnh: Steve Jennings/Getty Images for TechCrunch)

Ba người khổng lồ Big Tech Google, Facebook và Microsoft đã giúp xây dựng nền tảng của AI từ ban đầu nhưng với tốc độ chậm để tránh xảy những hệ quả khó lường về đạo đức và độ chính xác. Nhưng khi các công ty nhỏ mạnh dạn đưa các ứng dụng ra đại chúng, dù mới ở bản beta, Big Tech buộc phải phản ứng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi chatbot.

ChatGPT làm thay đổi tư duy

ChatGPT – với hơn một triệu người dùng trong năm ngày đầu tiên – đang nhanh chóng trở thành “xu hướng thời đại”, và Microsoft đã đầu tư hàng tỷ đôla vào OpenAI (cha đẻ của ChatGPT) để kết hợp nó vào phần mềm văn phòng (Office) của mình và bán quyền truy cập ChatGPT cho các doanh nghiệp khác. ChatGPT (cùng với các công cụ AI chuyển văn bản thành hình ảnh như DALL-E 2 và Stable Diffusion) là một phần của làn sóng phần mềm mới được gọi là “generative AI”.

Chúng có thể tự sáng tác tác phẩm bằng cách vẽ tranh dựa vào những gì đã được học từ kho dữ liệu có sẵn do con người tạo ra. Phần mềm tạo hình ảnh AI được đào tạo để “hiểu” nội dung của hàng trăm triệu hình ảnh, thường được lấy từ internet (có thể gồm cả hình ảnh của bạn), nhằm tạo ra hình ảnh mới, ở đây là bức tranh.

Một số nhà đạo đức AI từng lo ngại Big Tech tung ra thị trường nhiều chatbot có thể khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm do chia sẻ thông tin không chính xác, tạo ảnh giả xúc phạm hoặc giúp học sinh gian lận bài kiểm tra. Những chuyên viên AI khác lại đồng tình với lập của OpenAI: “Mạnh dạn phát hành các chatbot ra công chúng sau khi đã giảm thiểu rủi ro là cách duy nhất để đánh giá các tác hại của chúng trong thế giới thực”.

Frank Shaw, Giám đốc truyền thông của Microsoft cho biết công ty của ông đang hợp tác với OpenAI để có thêm các biện pháp an toàn trước khi đưa các công cụ AI như DALLE-2 vào trong các sản phẩm của mình. “Microsoft đã làm việc trong nhiều năm để vừa thúc đẩy phát triển AI vừa hướng dẫn cách công nghệ này được tạo ra và sử dụng trên các sản phẩm của chúng tôi sao cho có trách nhiệm và đạo đức” – Shaw nói.

Mark Riedl, giáo sư điện toán tại Georgia Tech, một chuyên gia về học máy, nhận định: “Công nghệ nền tảng của ChatGPT không hẳn phải tốt hơn những gì Google và Meta từng phát triển. Nhưng OpenAI đã chứng minh, việc phát hành ChatGPT để nhiều người sử dụng đang mang lại cho công cụ này một lợi thế thực sự. Trong hai năm qua, OpenAI đã sử dụng rất nhiều cộng tác viên để giúp Chat GPT ‘học’ tốt hơn và đạo đức hơn trong các câu trả lời của nó” – dẫn lại từ The Washington Post.

Ảnh: Jonathan Raa/NurPhoto via Getty Images

Hết thời tung hoành của Google?

Thời gian gần đây, các nhà quan sát nhận thấy Silicon Valley đã thay đổi tư duy và sẵn sàng chấp nhận rủi ro danh tiếng thay vì quá thận trọng với chatbot khi cổ phiếu công nghệ lao dốc mạnh. Google sa thải 12,000 nhân viên vào tuần trước và CEO Sundar Pichai thừa nhận công ty phải đánh giá lại những ưu tiên cao nhất cần tập trung trong đó có cả các khoản đầu tư vào AI.

Cách nay 10 năm Google là người dẫn đầu không thể tranh cãi trong lĩnh vực AI. Năm 2014, Google đã mua lại phòng thí nghiệm AI tiên tiến DeepMind; và năm 2015 mua mã nguồn mở phần mềm học máy TensorFlow. Đến năm 2016, Pichai cam kết biến Google thành “Công ty AI đầu tiên trên thế giới”.

Năm tiếp theo, Google phát hành các “transformer”, thành phần quan trọng của kiến trúc phần mềm giúp tạo ra cơn sốt AI hiện nay. Công ty tiếp tục tung ra công nghệ tiên tiến nhất để thúc đẩy AI phát triển toàn diện, triển khai một số đột phá về cách AI hiểu ngôn ngữ để cải thiện chất lượng tìm kiếm của Google.

Google đã công bố các nguyên tắc AI riêng của mình vào năm 2018, sau khi vấp phải sự phản đối của nhân viên đối với Dự án Maven (Project Maven), hợp đồng cung cấp tầm nhìn máy tính cho máy bay không người lái của Ngũ Giác Đài và phản ứng dữ dội của người tiêu dùng đối với bản demo của Duplex, một hệ thống AI có thể gọi đến các nhà hàng và đặt chỗ trước mà không tiết lộ nó là một bot.

Khoảng một năm trở lại đây, do không thấy một đột phá sớm nào, nhiều nhà nghiên cứu AI hàng đầu của Google đã bỏ việc để thành lập các công ty khởi nghiệp chuyên nghiên cứu các mô hình ngôn ngữ lớn. Character.AI, Cohere, Adept, Inflection.AI, Inworld AI và các công ty khởi nghiệp khác tìm cách sử dụng các mô hình tương tự như của Neeva do cựu giám đốc Google Sridhar Ramaswamy điều hành để phát triển chatbot.

Noam Shazeer, người sáng lập Character.AI từng giúp phát minh ra máy biến áp và kiến trúc máy học cốt lõi, cho biết: “Character.AI cho phép mọi người tạo chatbot dựa trên mô tả ngắn về người thật hoặc nhân vật tưởng tượng với mức độ tương tác tăng hơn 30%”.

AI đang thay đổi diện mạo internet với khả năng soán ngôi Google (Minh họa: Unsplash)

Ngay sau khi OpenAI phát hành ChatGPT, những người có ảnh hưởng công nghệ bắt đầu dự đoán AI sẽ đánh dấu sự sụp đổ của bộ máy tìm kiếm Google. ChatGPT đưa ra các câu trả lời đơn giản, trực tiếp và dễ hiểu. Nó không bắt người tìm kiếm phải sàng lọc các dòng liên kết màu xanh.

Bên cạnh đó, sau một phần tư thế kỷ, giao diện tìm kiếm của Google đã trở nên quá cồng kềnh với các quảng cáo trong khi các nhà tiếp thị tìm cách đánh lừa bộ máy tìm kiếm. “Nhờ vị trí độc quyền, bộ máy tìm kiếm lừng lẫy một thời của Google đã biến thành địa ngục tràn ngập thư rác” – chuyên viên công nghệ Can Duruk viết trong bản tin Margins cá nhân. Trên ứng dụng ẩn danh Blind, các chuyên viên công nghệ đăng hàng chục câu hỏi về việc liệu gã khổng lồ Google có thể cạnh tranh được những đàn em như OpenAI không.

Các kỹ sư AI còn chí cốt với Google cũng chia sẻ sự thất vọng của họ. Trong nhiều năm, họ đã gửi lên ban lãnh đạo các kiến nghị kết hợp chức năng chatbot vào bộ máy tìm kiếm, xem đó là bước tiến hóa cần thiết. Nhưng họ cũng hiểu rằng Google có những lý do chính đáng để không vội vàng thay đổi sản phẩm tìm kiếm của mình. Một phần do chatbot cho ra câu trả lời trực tiếp nên Google có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu câu trả lời bị phát hiện là có hại hoặc đạo văn.

Chatbot như OpenAI thường xuyên mắc lỗi thực tế và sẽ cho ra câu trả lời hơi khác tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi. ChatGPT phân tích lượng thông tin khổng lồ “học” được để tự “viết” văn bản sao cho tự nhiên nhất (Ví dụ yêu cầu “viết lời bài hát theo phong cách rapper Eminem). ChatGPT đang được khai thác theo nhiều cách, bất chấp độ chính xác và thông tin sai lệch. Các chuyên gia dự đoán bước phát triển tiếp theo của AI sẽ là các công cụ hướng tới công chúng nhiều hơn; các chatbot phù hợp với nhu cầu của các tập đoàn lớn; các ứng dụng quân sự, y tế và các robot thực hiện nhiều công việc khác nhau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: