Sau khi ông Trump tái đắc cử, ngành công nghiệp xe hơi đối mặt với những thuận lợi, khó khăn gì? Hãng nào “lên hương,” hãng nào “tiêu điều?”
Dù ông Trump chưa chính thức đặt chân trở lại vào Tòa Bạch Ốc, nhưng ngành công nghệ xe hơi đã có những thay đổi đáng kể, trước tiên là trên sàn chứng khoán.
Đầu tiên phải kể đến Tesla. Ngay sau vụ ám sát Donald Trump bất thành diễn ra vào 13 Tháng Bảy, giám đốc điều hành Tesla Elon Musk liền cam kết ủng hộ $45 triệu/tháng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên bị ám sát hụt. Cuộc đặt cược lớn vào phi vụ tranh cử tổng thống của Elon Musk đã được đền đáp một cách ngoạn mục. Cổ phiếu của hãng xe này tăng 12% trong phiên giao dịch cùng ngày có kết quả bầu cử.
Kết phiên 8 Tháng Mười Một, cổ phiếu Tesla tăng 8.2%, giao dịch ở mức $321.22/cổ phiếu, đẩy giá trị vốn hóa hãng xe điện của CEO Elon Musk lần đầu tiên vượt mốc $1,000 tỷ sau hơn hai năm.
Khi ra tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ toàn bộ số tiền trong luật giảm lạm phát của chính quyền Biden, bao gồm ngân sách hỗ trợ sản xuất xe điện. Và như thế, ngay khi ông Trump nhậm chức, nhiều khả năng các khoản tín dụng thuế, ưu đãi giá đất cho nhà máy pin và khai thác mỏ sẽ bị dừng lại.
Tesla là một nhà sản xuất xe hơi có đủ tiềm lực kinh tế để “gồng” khoản thuế và nhà đất sau khi bị cắt ưu đãi. Trong khi các thương hiệu như GM, Polestar, BMW hay Ford sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sản xuất xe điện. Và khi không được trợ cấp, có thể họ sẽ phải quay về sản xuất động cơ đốt trong. Lúc ấy, Tesla sẽ tha hồ “tung hoành” mà không, hoặc có ít đối thủ cạnh tranh.
Ông Trump thắng cử, gặp bất lợi nhất có lẽ là các hãng xe Trung Quốc. Cổ phiếu giao dịch của các hãng xe Trung Quốc như Li Auto: giảm 3.3%, Nio giảm 5.3%, hay BYD giảm 4.5%. Tại Âu châu, cổ phiếu giao dịch BMW và Mercedes-Benz cũng giảm khoảng 6.5%, Porsche 4.9% trong khi Volkswagen giảm 4.3%.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng tuyên bố sẽ đánh thuế từ 25 lên 75% đối với toàn bộ hãng xe sản xuất tại Mexico nhập khẩu vào Mỹ nếu quốc gia này không giảm tình trạng di cư đến Hoa Kỳ; đồng thời áp thuế 100-200% lên xe hơi nhập khẩu từ các quốc gia khác, nếu có ý định bán tại Mỹ mà không xây nhà máy.
Việc áp dụng mức thuế này chẳng phải mới. Tổng Thống Biden từng nâng mức thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, giúp ngành công nghiệp nội địa Mỹ tăng trưởng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Mỹ áp dụng biện pháp cứng rắn lên Mexico, thị trường xuất khẩu 2.5 triệu xe hơi sang Mỹ từ các nhà máy sản xuất xe điện do Trung Quốc xây dựng. Nhưng sắp tới việc áp dụng thuế đối với xe nhập từ Mexico, buộc các hãng phải đưa ra lựa chọn, hoặc là “bỏ của chạy lấy người,” hoặc là xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Không chỉ hãng xe Trung Quốc, những nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, Đại Hàn, hay Âu châu cũng sẽ có một tương lai u ám, nếu không chịu xây nhà máy ở Mỹ. Tuy BMW, Honda đều có các nhà máy đặt tại Mỹ, nhưng nhà máy ở Mexico lại là nguồn cung chính cho các thương hiệu này, mang về khoản lợi khổng lồ do chênh lệch chi phí sản xuất, cũng như phí nhân công rẻ mạt.
Honda, hãng xe hơi nổi tiếng của Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch cho con đường gập gềnh phía trước. Ông Shinjji Aoyama, Phó Chủ Tịch Honda Motor cho biết để né thuế quan của Mỹ, nhiều khả năng Honda sẽ chuyển nhà máy khỏi Mexico, lựa chọn một điểm mới là một tiểu bang “đèo heo hút gió” nào ở Mỹ. Các hãng xe hơi khác cũng phải làm như thế, nếu không muốn “sống dở chết dở.”