Công nghệ và dòng chảy không ngừng của sáng kiến

Minh họa: Yuyeung Lau/Unsplash
Share:

Đã 14 năm trôi qua từ khi Richard Florida xuất bản cuốn The Rise of the Creative Class dự báo xu hướng các nhân viên văn phòng ngồi làm việc với laptop trong các tiệm cà phê hay câu lạc bộ thay vì trong văn phòng. Nay, lực lượng nhân viên “ngoài văn phòng” ngày càng đông đảo khi công nghệ giúp họ làm việc dễ dàng hơn tại những không gian phi truyền thống. Hình thức làm việc này cũng không còn dành riêng cho một thiểu số rành công nghệ mà ai cũng có thể làm được nếu có trong tay những công cụ cần thiết. Những sáng kiến không ngừng đã giúp cho nhiều lĩnh vực công nghệ phát triển và tồn tại.

Từ những sáng kiến giúp cho các cộng đồng nghèo

Các siêu đô thị đông dân có xu hướng nhỏ dần nơi cư trú để đáp ứng nhu cầu của người nghèo ít tiền. Song hành với nó là những nhôi nhà nhỏ nhếch nhác nằm tại những khu ổ chuột ngoại ô, hang ổ của tội phạm và tệ nạn. Nói về khu ổ chuột có lẽ phải nhắc đến điển hình “Kibera Slum” tại thủ đô Nairobi của Kenya. Theo báo cáo “Innovation and the City” của Trung tâm tương lai đô thị (Center for an Urban Future) thì chỉ nội việc lập bản đồ cho khu ổ chuột 170,000 dân này cũng đã mất rất nhiều thời gian.

Một phần là người dân không thích hợp tác với chính quyền. Nhưng muốn cung cấp các dịch vụ xã hội mà dân nghèo cần thì trước hết phải có bản đồ đường sá trước đã. Dự án bản đồ Map Kibera là nỗ lực của 13 người trẻ đi tiên phong gọi là “đại sứ”. Họ sử dụng công nghệ GPS và thu hút được sự chú ý của cư dân địa phương. Bản đồ không chỉ là những con đường và giao lộ mà còn nêu rõ cả những nhu cầu thiết yếu mà các cư dân khu ổ chuột đang cần. Chính quyền sẽ dễ làm việc hơn khi có trong tay tấm bản đồ chi tiết này.

Họ có thể can thiệp và trợ giúp kịp thời. Theo số liệu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Indonesia là nước có 30% dân số thu nhập chưa dưới $2/ngày và rác thải tồn đọng do không đủ người thu gom là một trong những vấn nạn lớn nhất của nước này. Chương trình Garbage Clinical Insurance do một bác sĩ địa phương khởi xướng ở thành phố Malang đã giải quyết được một lúc hai vấn đề. Nó cho phép những người thu gom và tái chế rác được mua bảo hiểm với giá $1/tháng vì vậy số người chấp nhận làm những công việc liên quan đến rác đã tăng rõ rệt.

Tại thành phố Valencia của Tây Ban Nha, một chương trình tiết kiệm nước đã được miền Tây nước Mỹ sao chép lại lúc xảy ra khan hiếm nước do hạn hán. Sau khi lắp đặt các đồng hồ nước thông minh, chính quyền thành phố đã tiết kiệm hơn 5.2 triệu mét khối nước vào năm 2015, chiếm 5% lượng nước tiêu thụ của thành phố. Trong khi đó, tại thành phố Gwangju của Hàn Quốc, dân chúng được khuyến khích dùng “thẻ xanh carbon” (carbon green card) để theo dõi việc dùng điện. Hơn 300,000 người đăng ký tham gia. Điểm thưởng càng nhiều nếu lượng điện, gas tiêu thụ càng ít. Bằng cách này, họ đã chung tay cứu hành tinh và không làm giàu cho các công ty tàn phá nó.

Minh họa: Xu Haiwei/Unsplash

Tại thành phố Chicago, tổ chức công dân Civic User Testing Group (CUTGroup) thành lập vào năm 2013 chuyên đánh giá các ứng dụng và trang web của chính quyền địa phương. Họ đã giúp cải tiến 27 ứng dụng mới của cơ quan vận chuyển công cộng Chicago Transit Authority giúp cho việc đi lại của được thông suốt hơn và nhanh hơn. Thành phố Barcelona của Tây Ban Nha thì có một chương trình chuyên “cứu” các doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm tại những điểm du lịch không phải đóng cửa vì chúng chính là bộ mặt của thành phố.

Trong năm năm, nhờ chương trình, đã có 1,000 cửa hàng sang tay thành công cho chủ khác và 1,000 người lao động không mất việc mà không cần biện pháp giảm thuế hay trợ cấp của chính phủ. Tại thành phố Albuquerque thuộc tiểu bang New Mexico (Mỹ) cũng có chương trình tương tự khi những người tìm việc được giới thiệu đến đúng nơi “việc cần người” để họ không phải huấn luyện lại. Chương trình TalentABQ có 31 điểm đăng ký Skill Up Center trên mạng internet. Tính đến nay đã có hơn 150 doanh nghiệp tham gia chương trình và hơn 1,000 người được tuyển dụng. “Đây là cơ hội rất tốt cho những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học muốn tìm đúng công việc được đào tạo chuyên môn” – phát ngôn viên của TalentABQ nói.

Về mặt an ninh xã hội, tại thành phố Lansing ở tiểu bang Michigan có chương trình dành riêng cho các cựu tù muốn làm ăn chân chính; tại San Francisco có chương trình cảnh giới trộm cắp dành cho các cộng đồng nhập cư; và tại New York City có chương trình giới thiệu nơi cư trú cho người vô gia cư. Tất cả nhằm kết nối các cộng đồng với những người cơ nhỡ hoặc có quá khứ không hay, mà không cần đến sự trợ giúp tài chính của chính quyền bang hay liên bang. “Tuy nhiên, những sáng kiến như dùng chung xe hai bánh tại thành phố Mumbai của Ấn Độ không đủ để cứu những khu phố nghèo của những siêu đô thị. Nhiều học sinh sống tại những cộng đồng khó khăn nhất tại thành phố San Francisco như Mission và Bayview vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử. Họ gần như bị gạt ra ngoài lề và không được hưởng lợi lộc gì từ bùng nổ kinh tế” – một nhà nghiên cứu về cuộc sống tại các siêu đô thị nói.

Minh họa: Andrea De Santis/Unsplash

Đến chương trình đào tạo dành cho tù nhân

Tại một chiếc bàn dài như trong phòng đọc thư viện, hơn 10 người mặc đồng phục màu vàng cam chơi videogame tài chính. Ở một bàn khác, họ lật xem những tờ báo ngày, và ở một bàn khác nữa, họ đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học. Màu cam không phải là thời trang và hoạt động phong phú này không diễn ra bên trong một câu lạc bộ mà là trong trại giam County Jail 5 của thành phố San Francisco, nơi có 700 tù nhân đang thụ án. Tất cả tù nhân được đăng ký tham gia một thử nghiệm mới để tạo ra sự chuyển biến lớn trong hệ thống nhà tù Mỹ.

Dự lớp học do tổ chức Five Keys đảm trách, họ có thể lấy bằng tốt nghiệp trung học có giá trị ngang với bằng ngoài đời sau khi ra tù. Chương trình được bắt đầu từ năm 2003 và tiến triển rất tốt. Chương trình có cả bài tập yoga và lớp luyện thi vào City College of San Francisco. “Tôi đã hủy hoại cộng đồng của mình; nay, tôi muốn làm điều tốt cho nó” – Charles Ryan, 47 tuổi sống tại Hunters Point, một cựu tù nhân hiện giúp điều hành chương trình nói. Các tù nhân còn được hướng dẫn nhìn lại bản thân để tìm hướng đi trong tương lai và suy nghĩ về trách nhiệm đối với xã hội.

Họ đọc tác phẩm The Crying of Lot 49 của Thomas Pynchon và học cách phân biệt glucose, glycogen và glucagon. “Biến nhà tù thành nơi tiếp thu kiến thức và chuyển biến tư duy là làn sóng của tương lai” – cai ngục Kevin Fisher-Paulson nói. Cựu cảnh sát trưởng San Francisco, ông Ross Mirkarimi, đặt hy vọng rất nhiều vào nỗ lực của Five Keys. Ông tin là mô hình cải huấn này sẽ nhân rộng khắp tiểu bang California và toàn nước Mỹ. Nhưng sáng kiến của Five Keys chỉ là một trong nhiều sáng kiến mang tính cách mạng tại các đô thị lớn đông dân trên thế giới. Mục tiêu của chúng là để làm cho các thành phố dễ sống và an toàn hơn.

Các giải pháp khả thi đối với các vấn đề chung được đưa ra cho mọi thành phần dân số và xã hội. Đa số kinh phí do các tổ chức công dân đóng góp thay vì lấy từ ngân sách từ chính quyền thành phố, vốn rất eo hẹp. Nếu tại New York City có chương trình High Line tìm nơi cư trú cho người vô gia cư thì tại San Francisco có chương trình Uber-for-Whatever cho phép những người nghèo đi xe miễn phí.

Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama trong 8 năm đảm đương cương vị cũng có nhiều sáng kiến giải quyết những vấn nạn trầm kha của đô thị, đặc biệt là chăm sóc y tế cho hàng chục triệu người nghèo. Michael Bloomberg, một tỉ phú công nghệ làm thị trưởng New York 12 năm cũng có nhiều đóng góp cho việc tự duy trì của các thành phố trước áp lực của thay đổi khí hậu và dân số, môi trường. Trên tờ The New York Times mới đây có đăng bài viết về ông nhan đề: “Bloomberg muốn các thành phố tự mình chiến đấu với thay đổi khí hậu dù có hay không có sự ủng hộ của chính phủ”. Nhưng chiến đấu với thay đổi khí hậu chỉ là một trong nhiều khuyến nghị của các chuyên viên và tổ chức về cuộc sống đô thị.

Đến sự đột phá bất tận của các công ty công nghệ

Trong những năm trở lại đây, Google đã quan tâm hơn đến trí khôn nhân tạo (artificial intelligence-AI) và đổ tiền nhiều vào lĩnh vực này. Công ty giới thiệu Home, một loại loa thông minh, đối thủ của Echo do Amazon sản xuất. Hai sản phẩm khác của Google: Allo (một dịch vụ tin nhắn) cũng được nâng cấp AI và Pixel (smartphone) cũng trông cậy nhiều vào trợ lý ảo (virtual assistant). Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực và quảng cáo, tất cả trợ lý ảo đi kèm theo hệ điều hành như Assistant của Google, Siri của Apple, Alexa của Amazon đều chưa làm được như kỳ vọng.

Minh họa: Maximalfocus/Unsplash

Trong vô số thử nghiệm chúng không thực hiện được một số nhiệm vụ cần thiết. Ví dụ, Alexa không biết được đội bóng bầu dục nào đang thi đấu trên sân Super Bowl (cho dù Alexa quảng cáo cho Super Bowl), Assistant không thể đặt bàn ăn hay đặt thức ăn mang đến nhà, Siri không đáng tin cậy trong việc chỉ hướng đi trên bản đồ! Các công ty cung cấp trợ lý ảo rất muốn nâng cao AI để thu hút nhiều người dùng, nhưng người dùng hầu như không quan tâm đến chúng vì độ tin cậy quá thấp.

Tính đến thời điểm này hầu như không có xem xét khả năng của trợ lý ảo khi họ chọn mua sản phẩm công nghệ tiêu dùng. Wi-Fi cũng có bước nhảy vọt. Những router thế hệ mới, bắt tín hiệu tốt hơn được TP-Link, Asus, Netgear tung ra thị trường. Công nghệ không dây ngày càng nhanh hơn, thông minh hơn, chính xác hơn và làm rất tốt công việc của nó trong việc đưa tín hiệu wi-fi đến các thiết bị cơ động: Máy tính bảng, laptop, đồng hồ thông minh và điện thoại thông minh. Google và công ty mới thành lập Eero đã giúp những người ít có kiến thức về công nghệ thiết lập kết nối wi-fi.

Với hệ thống wi-fi của Eero và Google Wifi, các công ty chế tạo phần mềm thi nhau giới thiệu những ứng dụng xuất sắc giúp người dùng tự thiết lập trạm phát wi-fi ngay trong nhà họ. Nhờ wi-fi thông minh đa năng, đứng ở đâu trong nhà chúng ta cũng có thể bắt được tín hiệu wi-fi mạnh như nhau. Công nghệ thực tạo ảo (VR) vẫn còn đoạn đường dài phải di trước khi trở thành “dòng chủ lưu” và được phổ biến rộng rãi. Những công cụ VR được giới thiệu bởi các công ty HTC, Oculus (thuộc Facebook), Sony PlayStation và Google phần lớn dùng để chơi game nên số người dung bị hạn chế. Hầu như tất cả đều đắt tiền.

Tuy nhiên, tình hình đang được cải thiện nhờ những bước phát triển mới, tạo ra sự chuyển biến ý nghĩa. Trên thị trường hiện có những ứng dụng VR đáng chú ý sau: Tilt Brush, ứng dụng vẽ 3-D dùng cho thiết bị Vive của HTC; SuperHyberCube, một ứng dụng giống như Tetris với khả năng VR dành cho máy chơi game PlayStation VR. Hy vọng những ứng dụng này sẽ giúp VR được phổ biến rộng rãi hơn. Từ năm 2016 cũng chứng kiến cuộc đối đầu giữa chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật sau khi FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) đòi Apple phải cung cấp mật khẩu mở khóa iPhone của một kẻ xả súng ở San Bernardino (California) trong một vụ giết người hàng loạt.

Apple từ chối, nêu lý do là yêu cầu này sẽ làm suy yếu hệ điều hành iOS của nó khiến khách hàng dễ bị tổn thương. Sau đó FBI rút lại yêu cầu vì đã tìm ra cách bẻ khoá mà không cần đến Apple. Sau vụ này, các công ty công nghệ quan tâm hơn đến bảo mật sản phẩm hơn. Facebook, WhatsApp và Google đều dùng qui chuẩn gài mã Signal để bảo vệ tin nhắn. Dù chưa có dịch vụ gài mã tin nhắn nào hoàn hảo nhưng đã có sự tiến bộ lớn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Phát video trên công cụ di động cũng là lĩnh việc đạt được nhiều tiến bộ. “Live stream” từ bước đi dò dẫm và không đáng tin cậy, không có triển vọng đã trở thành một xu hướng không thể thiếu trong Thế kỷ 21.

Periscope của Twitter và Live của Facebook là hai ví dụ điển hình, giúp việc ghi video một sự kiện đang diễn ra trở thành dễ dàng và được nhiều người tham gia. Periscope cho biết số livevideo đã tăng khủng khiếp từng ngày. Facebook rất mãn nguyện khi có trên tám tỉ người xem video mỗi ngày trên mạng xã hội và livevideo có số comment cao gấp 10 lần các video khác. Sự phổ thông của livevideo đã biến “onlinevideo” thành sân chơi của nhiều người.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: