Tỉ phú Amazon Jeff Bezos vừa đề nghị sẽ chịu $2 tỉ chi phí nếu Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) đồng ý cho công ty Blue Origin của ông tham gia hợp đồng đưa tàu đổ bộ có người lên Mặt trăng.
Bị loại nhưng không lùi bước
Vào Tháng Tư năm nay, NASA cho biết công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã thắng hợp đồng $2.9 tỉ. Ngoài Blue Origin bị loại còn có nhà thầu quốc phòng Dynetics trụ sở tại Alabama. Công ty trúng thầu sẽ xây dựng hệ thống tàu du hành và hạ cánh để đưa các phi hành gia Mỹ lên trở lại bề mặt Mặt trăng, sớm nhất là năm 2024. Khi công bố gói thầu được chọn, bà Kathy Lueders, giám đốc chương trình Thám hiểm con người của NASA thừa nhận ngân sách hiện có của cơ quan không cho phép chọn hai công ty. “NASA chỉ có thể trao hợp đồng cho một công ty vì chỉ được chuẩn chi $850 triệu trong số $3.3 tỷ cần có cho kế hoạch chinh phục lại Mặt trăng” – bà nói.
Bà cũng trích dẫn hồ sơ đã được xác minh về thành công của SpaceX trong các chuyến bay lên quĩ đạo. Chi phí cũng là yếu tố: Giá thầu của SpaceX thấp nhất so với các đối thủ khác. Tàu Starship của SpaceX được xem là có “thiết kế thuận lợi cho việc hạ cánh và dùng động cơ chạy bằng nhiên liệu methane cải tiến”. Thông báo chọn người chiến thắng của NASA cũng nêu rõ: SpaceX “chấp nhận được” về mặt kỹ thuật và “xuất sắc” về mặt quản lý.
Blue Origin “chấp nhận được” về mặt kỹ thuật nhưng quản lý chỉ đạt mức “rất tốt”. Sau khi thất bại trước SpaceX, Blue Origin đã đệ đơn phản đối lên Văn phòng kiểm toán của chính phủ (US Government Accountability Office-GAO), cáo buộc NASA “đã chọn SpaceX một cách bất công”. Dynetics cũng có đơn kiện. Chưa có phán quyết cuối cùng nhưng đa số chuyên viên của cộng đồng không gian xem là đơn kiện khó thành công. Quyết định của NASA có nghĩa là con tàu Starship hình trụ được cải tiến của SpaceX sẽ chở các phi hành gia trong sứ mệnh đầu tiên của NASA lên lại bề mặt Mặt trăng kể từ chuyến bay cuối cùng Apollo 17 vào năm 1972.
Khao khát tham gia cuộc chơi
Trong lá thư gửi cho ông Bill Nelson, quản trị viên NASA, được công bố ngày 26 Tháng Bảy, Bezos viết: “Blue Origin sẽ giúp giải quyết thiếu hụt ngân sách của bộ phận HLS (Human Landing System) bằng cách không nhận tất cả khoản thanh toán trong hai năm tài chính hiện tại và tiếp theo, khoảng $2 tỉ. Đây không phải là hoãn thanh toán mà là từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các khoản thanh toán đó, nếu hợp đồng được ký. Mục đích của chúng tôi là đẩy nhanh cuộc đua”. Để thực hiện hợp đồng, Bezos sẽ hợp tác với ba gã khổng lồ hàng không vũ trụ Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper.
Thiết kế tàu đổ bộ Mặt trăng có người của nhóm được đặt tên là “Blue Moon”, nhìn khá giống với phiên bản nâng cấp của modulus Mặt Trăng từng đưa hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin lên Mặt trăng năm 1969. Bezos nói: “Chúng tôi sẽ tạo ra hệ thống đổ bộ Mặt trăng của thế kỷ 21 lấy cảm hứng từ cấu trúc Apollo, trong đó xem sự an toàn làm ưu tiên”. Bezos cũng nhấn mạnh việc hệ thống đổ bộ của Blue Origin sẽ sử dụng nhiên liệu hydro, phù hợp với mục tiêu dài hạn của NASA là tiếp nhiên liệu cho động cơ tên lửa bằng hydro và oxy tách từ nước khai thác trên Mặt trăng.