Làm thế nào để theo dõi chuyến bay?

Ảnh: Flightradar24

Việc theo dõi chuyến bay của ai đó, từ người thân đến người lạ, chẳng là chuyện khó khăn gì ở kỷ nguyên thông tin hiện nay. Có rất nhiều ứng dụng giúp theo dõi chuyến bay của một trùm ma túy khi đương sự đang được dẫn độ từ nước này sang nước khác, của bà Chủ tịch Quốc hội Hoa Kỳ Nancy Pelosi; của ca sĩ Taylor Swift…, tất cả chỉ cần số hiệu máy bay…

Thứ Ba 2 Tháng Tám 2022, hàng triệu người đã dùng ứng dụng Flightradar24, một trong những trang web theo dõi chuyến bay lớn nhất thế giới, để theo dõi chuyến bay kéo dài bảy giờ của bà Nancy Pelosi từ Kuala Lumpur đến Đài Bắc. Nhiều người đã dí mắt vào màn hình gần như không rời để “đếm ngược” và canh giờ bà Nancy Pelosi hạ cánh.

Ian Petchenik, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Flightradar24, cho biết trang web họ được “quan tâm chưa từng có” với số lượng người theo dõi kỷ lục khi biểu tượng nhỏ màu đỏ đại diện cho chiếc Boeing C-40C của bà Nancy Pelosi, số hiệu SPAR19, bay vòng quanh Philippines để tránh các căn cứ Trung Quốc ở Biển Đông, rồi sau đó vọt qua eo biển Luzon, nơi có ba hạm đội hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, và băng qua các dãy núi Đài Loan, trước khi hạ cánh xuống Đài Bắc. Tổng cộng, khoảng 2.92 triệu người đã theo dõi liên tục hoặc từng phần chuyến bay vài tiếng đồng hồ của bà Nancy Pelosi, gấp ba lần số view trên CNN vào khung giờ vàng.

FlightRadar24 được sử dụng để giám sát-theo dõi bầu trời Ukraine (ảnh: Igor Golovniov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Cuối năm ngoái, Flightradar24 từng được chú ý khi khoảng 550,000 người theo dõi chuyến bay của nhà lãnh đạo đối lập Nga, Alexei Navalny, khi ông được chở trở về Moscow để đối mặt án tù. Hàng nghìn người khác cũng từng theo dõi một chiếc Global Hawk của Không quân Mỹ khi nó bay vòng quanh Ukraine giữa lúc cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra, trước khi phóng ra Hắc Hải.

Trước đó, nhiều người cũng sử dụng trang web này để theo dõi cuộc di tản hỗn loạn của quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Dữ liệu theo dõi chuyến bay hầu như không có độ trễ nên Flightradar24 mang lại cảm giác rất thật. Giả dụ năm 1972 có Flightradar24, người ta có thể theo dõi chuyến bay của Tổng thống Richard Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao…

Các công cụ theo dõi chuyến bay dựa trên một công nghệ giám sát tiêu chuẩn mở được gọi là phát sóng giám sát phụ thuộc tự động (automatic dependent surveillance-broadcast, ADS-B), cho phép máy bay truyền vị trí và các thông tin khác cho bất kỳ ai có máy thu (receiver). Bất kỳ ai cũng có thể thiết lập bộ thu ADS-B (ADS-B receiver ) bằng bộ dụng cụ rẻ tiền. Điều này đã giúp Flightradar24 biến mình từ một hệ thống với vài máy thu ở Thụy Điển, khi trang web được thành lập năm 2007, thành một mạng lưới khổng lồ với hơn 30,000 máy thu trên khắp thế giới, mà nhiều trong số đó do các tình nguyện viên điều hành.

Các máy thu có phạm vi vài trăm dặm, thường luôn phát sóng tốt, trừ những địa hình đồi núi. Để “gom tín hiệu” và đo được tương đối chính xác khoảng cách, Flightradar24 tham chiếu chéo các máy thu trên mặt đất với dữ liệu từ các nguồn khác, bao gồm cả vệ tinh và dữ liệu từ Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA).

Việc đăng ký sử dụng dữ liệu của chính phủ Mỹ đi kèm một điều kiện bắt buộc: Những người theo dõi phải đồng ý tuân theo các quy tắc FAA việc cho phép chủ sở hữu máy bay yêu cầu xóa thông tin của họ khỏi các trang web công khai. Điều đó có nghĩa Flightradar24 phải hiển thị ẩn danh một số chuyến bay. Tuy nhiên, chính bởi hạn chế trên nên đã xuất hiện một công cụ theo dõi chuyến bay không bị kiểm duyệt: ADS-B Exchange.

Trang web này được thành lập năm 2016 từ sở thích cá nhân của Dan Streufert, một chuyên gia IT. Sở dĩ ADS-B Exchange không bị hạn chế như Flightradar24 vì ADS-B Exchange không đăng ký xin FAA cung cấp dữ liệu. Thay vào đó, nó dựa vào dữ liệu lấy từ một mạng lưới khoảng 9,000 máy thu ADS-B trên khắp thế giới do những người đam mê hàng không và tình nguyện viên điều hành.

ADS-B Exchange cho phép người dùng quan sát các chuyến bay mà một số nhân vật quyền lực muốn được giữ bí mật. Tờ The Guardian cho biết, một lần, Dan Streufert nhận được lá thư từ một luật sư châu Âu, yêu cầu ADS-B Exchange ngưng theo dõi các chuyến bay của thân chủ mình.

Sau khi tra cứu dữ liệu chuyến bay, Streufert mới biết rằng, hóa ra nhân vật đó là người từng làm việc cho cố Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi. Đương sự bị cáo buộc gây tội ác chiến tranh và giết người. Streufert đoán rằng ai đó đã sử dụng dữ liệu của ADS-B Exchange để dò ra việc nhân vật trên đang chuyển vùng từ Venezuela đến Libya bằng máy bay riêng và dĩ nhiên đương sự không vui vì điều đó bị lộ…

Phương pháp tiếp cận dữ liệu mở của ADS-B Exchange cũng cho phép các nhà báo công dân tiết lộ việc đi máy bay vô tội vạ của những người giàu có và nổi tiếng ở Mỹ. Năm nay, một lập trình viên 19 tuổi tên Jack Sweeney đã tạo ra một “bot” có chức năng tweet đường bay của Elon Musk.

Musk đã “deal” với Sweeney $5,000 để gỡ bỏ nguồn cấp dữ liệu nhưng cậu thanh niên từ chối. Dữ liệu ADS-B Exchange cũng gây chú ý thời gian qua khi một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường sử dụng nó để ước tính lượng khí thải carbon do các ngôi sao Drake, Kylie Jenner, Travis Scott và Taylor Swift sử dụng máy bay riêng để bay những đường bay cực ngắn, tạo ra nguồn khí thải khổng lồ.

Thường xuyên chia sẻ dữ liệu với các nhà điều tra tai nạn hàng không, ADS-B Exchange cũng có nhiều hợp đồng với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, dù Ngũ Giác Đài chẳng bao giờ nói họ dùng dữ liệu ADS-B Exchange để làm gì. Cần nói thêm, trên kho ứng dụng của điện thoại di động, có rất nhiều app dùng để theo dõi chuyến bay (FlightAware chẳng hạn). Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng app theo dõi chuyến bay là rất hữu ích, đặc biệt khi bạn có người thân đang đi xa và muốn biết người thân mình khi nào hạ cánh xuống một phi trường nào đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: