Năm ‘tồi tệ’ của ngành công nghệ: 100,000 nhân viên bị sa thải!

Một cánh cửa đóng, cánh cửa khác sẽ mở ra
(minh họa: Jonathan Raa/NurPhoto via Getty Images)

Hơn 100,000 công nhân tại các công ty thuộc ngành công nghệ có trụ sở ở Mỹ đã bị sa thải do sự cắt giảm việc làm hàng loạt trong năm 2023 đầy sóng gió.

Google công bố kế hoạch sa thải 12,000 người vào Tháng Giêng. Cùng tháng đó, Microsoft cho biết họ sẽ sa thải 10,000 nhân viên, và họ làm thật. Meta cũng “mài dao” thật bén, cắt giảm hàng nghìn việc làm trong bốn đợt sa thải, bắt đầu từ Tháng Mười Một năm 2022 và tiếp tục đến Tháng Năm 2023.

Megan Slabinski, chủ tịch khu vực giải pháp nhân tài toàn cầu tại công ty tuyển dụng Robert Half, nói với CNBC Make It: “Như một gáo nước lạnh dội vào mặt chúng tôi trong suốt cả năm, với việc sa thải hàng loạt các nhân viên công nghệ xảy ra gần như hàng tháng.”

Rất nhiều bài báo đã nói về tình trạng sa thải diễn ra khắp Silicon Valley, từ việc nhân viên đăng thông báo sa thải trực tiếp trên Twitter cho đến việc các CEO viết bài blog dài ngoằng để giải thích về quyết định của họ.

Tuy nhiên, lại ít ai nói về việc hàng nghìn người bị sa thải sẽ đi về đâu sau khi bị mất việc trong những đợt cắt giảm nhân sự lớn này.

Số liệu phân tính từ 365 Data Science của hơn 1,100 hồ sơ trên LinkedIn của các nhân viên công nghệ bị sa thải từ Tháng Mười Một năm 2022 đến Tháng Giêng năm 2023.

Vậy, họ đã đi về đâu?

Một số nhân viên bị sa thải đã ngay lập tức tìm được việc làm mới tại các công ty software và công ty internet có quy mô nhỏ hơn hoặc tiếp tục sự nghiệp của họ ngoài lĩnh vực công nghệ. Một số chuyển sang lĩnh vực tư vấn, chăm sóc sức khỏe, tài chính và các ngành khác với mong muốn tuyển dụng những nhân tài hàng đầu.

Những người khác dựa vào các gói trợ cấp thôi việc, tiền tiết kiệm hoặc một nguồn thu nhập khác, đang tạm nghỉ ngơi để hồi phục sau căng thẳng và cú sốc khi bị sa thải, và tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới trong các ngành phi công nghệ.

Bobby McNeil mới làm việc tại Amazon Web Services (AWS), một công ty con của Amazon, được hơn một năm thì nhận được tin rằng mình sẽ bị sa thải vào Tháng Giêng. McNeil, 39 tuổi, là trưởng nhóm kỹ thuật cấp cao của AWS, cho biết: “Thật như mơ khi được làm việc tại một công ty công nghệ hàng đầu. Quãng thời gian làm việc của tôi ở AWS là vô cùng quý báu. Mặc dù trước đây tôi đã từng bị sa thải tại các công ty công nghệ khác, nhưng vẫn thật sốc khi bị cho nghỉ việc một lần nữa.”

Người đàn ông 39 tuổi này nhớ lại việc lướt qua LinkedIn và choáng váng khi nhìn thấy rất nhiều bài đăng từ các nhân viên công nghệ khác trong ngành, những người cũng trong tình cảnh như mình.

McNeil nghĩ công việc tại các công ty công nghệ có thể cạnh tranh hơn do tình trạng sa thải hàng loạt, nên sau vài tuần liên lạc và gửi hàng tá đơn ứng tuyển, anh đã giành được nhận làm đối tác thu hút nhân tài tại một công ty Fortune 500. 

McNeil từ chối nêu tên và ngành nghề của người sếp mới, để thoải mái nói về tình hình công việc của mình: “Nếu trải nghiệm này dạy cho tôi điều gì, thì đó là việc dễ dàng sử dụng những kỹ năng bạn có khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ và tận dụng để có được một công việc tốt hơn nữa tại một công ty phi công nghệ, cho dù đó là trong ngành tài chính, y tế, làm cho tư nhân hay cho chính phủ,” anh nói. “Những kỹ năng có thể chuyển đổi mà bạn có được khi làm việc trong ngành công nghệ cũng thực sự có giá trị trong các lĩnh vực khác.”

Bị sa thải vài lần trong suốt sự nghiệp của mình cũng đã cho McNeil thấy tầm quan trọng của việc loại bỏ giá trị bản thân khỏi công việc. “Thật tốt khi tìm thấy giá trị trong những gì bạn làm, làm việc chăm chỉ và việc trở thành một nhân viên tận tụy cũng là một điều quan trọng, nhưng bản thân bạn không nên bị ràng buộc bởi những gì bạn làm suốt 40 giờ một tuần,” McNeil nói. “Bạn có thể tìm thấy giá trị của chính mình trong các khía cạnh khác của cuộc sống, cho dù đó là qua những sở thích cá nhân hay việc theo đuổi công việc kinh doanh.”

Quầy giới thiệu dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services tại một hội chợ quốc tế ở Bắc Kinh, Tháng Chín 2021 (ảnh: VCG/Getty Images)

Một câu chuyện khác, khi lần đầu tiên Melissa Zlatow đọc email thông báo rằng cô nằm trong danh sách những nhân viên bị sa thải đợt đầu tiên của Meta vào Tháng Mười Một năm 2022, cô không tin, đó là sự thật.

Zlatow, người từng là nhà nghiên cứu và chiến lược gia UX chính tại Meta trong bảy năm, cho biết: “Tôi xem email lúc 5 giờ sáng khi đang đi nghỉ ở Los Angeles và nghĩ: ‘Thiệt không vậy trời’. Có nhầm lẫn gì không ta!’”.

Theo bản năng, cô liên lạc với những đồng nghiệp khác trên Facebook cũng nằm trong danh sách bị thôi việc, trong đó có nhiều giám đốc và phó chủ tịch năng lực cao, có ảnh hưởng tốt, và biết rằng, đó là sự thật.

“Tôi đã trải qua giai đoạn đau buồn, kéo dài cả tuần khi theo dõi tin tức, nhưng việc tìm kiếm những người cũng bị sa thải và làm việc cùng nhau để giải quyết những vấn đề như trợ cấp thôi việc và bảo hiểm y tế là lý do chính cho thấy tôi có khả năng tiếp tục công việc một cách nhanh chóng và vẫn có đủ sức khỏe sau thời gian bị sa thải,” Zlatow kể.

Và chính điều này cho cô một ý tưởng: Điều gì sẽ xảy ra nếu những nhân viên công nghệ bị sa thải có một không gian an toàn để kết nối, trút giận, chia sẻ công việc và làm việc với nhau?

Vài tuần sau khi mất việc tại Meta, Zlatow đã xây dựng một “vườn ươm doanh nghiệp” để kết nối những nhân viên công nghệ bị sa thải với các công ty khởi nghiệp, huấn luyện viên nghề nghiệp, đào tạo quản lý và các nguồn lực khác.

Cô nói: “Một trong những điều xảy ra sau khi bị sa thải là đột nhiên có một lượng lớn những người có trí tuệ thông minh và có nhiều thời gian trong tay. Đối với tôi, điều thực sự quan trọng là tập hợp những người quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề cụ thể và thực hiện các cuộc gặp mặt giới công nghệ cũng như các buổi họp nhóm để động não.”

Du khách chụp ảnh trước biển hiệu Meta (Facebook) trước trụ sở chính tại Menlo Park ở California. (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images/ Getty Images)

Zlatow cũng bắt đầu tham dự và phát biểu tại các hội nghị và hội thảo công nghệ về thiết kế UX, trí tuệ nhân tạo và những bài học kinh nghiệm khác trong sự nghiệp của mình, để cố vấn và truyền cảm hứng cho các chuyên gia trẻ. Cô cho biết: “Việc giúp đỡ người khác đã giúp tôi thoát khỏi lối mòn của mình.”

Việc bị sa thải cũng đã làm phong phú thêm cuộc sống cá nhân của Zlatow. Cô chuyển từ San Jose đến Chicago vào Tháng Bảy, trở thành một thợ lặn trong các hang động dưới nước được chứng nhận và đang trong quá trình lấy bằng dù lượn.

Zlatow quyết định nghỉ phép một năm trước khi chuyển sang làm một công việc toàn thời gian khác vì nhận ra rằng đây là một đặc quyền mà không phải ai cũng có được.

Sau khi bị sa thải, Zlatow nói chuyện với cố vấn tài chính của mình để xác định xem cô có thể không làm việc toàn thời gian trong bao lâu. Cô muốn tập trung chăm sóc sức khỏe và thử những việc mà cô “sẽ không thể tận hưởng công việc khi làm trong một công ty quá bận rộn”.

Năm 2023 đầy sóng gió khiến Zlatow phải đánh giá lại chương tiếp theo trong sự nghiệp của mình, dù có liên quan đến công nghệ hay không.

“Đó là lời nhắc nhở hữu ích rằng làm việc trong lĩnh vực công nghệ không phải là tất cả đối với tôi,” Zlatow nói. “Tiêu chuẩn vàng đã thay đổi: Năm năm trước, làm việc tại một công ty về kỹ thuật học có tên tuổi là một lý tưởng để khao khát, nhưng việc bị sa thải đã cho tôi và những người khác thấy rằng bạn có khả năng tạo ra những tác động tuyệt vời khác cho đến thế giới này, theo nhiều cách khác nhau.”

Vì vậy hãy tin rằng, cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: