Nếu Apple trúng đạn Trung Quốc, các công ty công nghệ khác như thế nào?

Một cửa hàng Apple tại Thượng Hải (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Rất ít công ty được an toàn nếu Apple “trúng đạn” trả đũa của Trung Quốc (TQ). Apple đang trở thành lá bài lớn nhất trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.

Apple có thể là “vua công nghệ” nếu tính theo giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán, nhưng trong cuộc chiến chưa có dấu hiệu giảm tốc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, công ty khổng lồ này đang trở thành lá bài mà cả hai bên đều khai thác. Dù vẫn là công ty đại chúng lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường, Apple đã chứng kiến giá trị bị suy giảm đáng kể trong tuần này khi có các dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của hãng tại TQ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tin xấu mới nhất là chính phủ TQ bắt đầu cấm nhân viên dùng iPhone và các thiết bị mang nhãn hiệu nước ngoài tại các cơ quan chính phủ trung ương. Ngày 8 Tháng Chín, Bloomberg đưa tin thêm, lệnh cấm này cũng có thể được mở rộng sang các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức được chính phủ hỗ trợ tài chính. Một lượng rất lớn người lao động trong nền kinh tế chịu sự chỉ huy của nhà nước với tổng dân số hơn 1.4 tỷ người sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nếu quy mô được mở rộng.

Theo Cục Thống kê Quốc gia TQ, năm 2021 có khoảng 56.3 triệu công nhân viên được “các đơn vị nhà nước” tuyển dụng. Với mức lương trung bình cao hơn mức lương trung bình thành thị toàn quốc khoảng 8%, thành phần lao động đông đảo này là đối tượng hấp dẫn của các thiết bị cao cấp do Apple sản xuất. Apple hiện xuất xưởng khoảng 230 triệu chiếc iPhone trên toàn cầu mỗi năm, 56 triệu là con số lớn nếu để mất, đặc biệt là trong một thị trường điện thoại thông minh đã quá tải với khả năng tăng trưởng thấp.

Trong nhà máy lắp ráp sản phẩm Apple của Foxconn tại thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Khi Apple mất khách hàng, kẻ được lợi trước hết là gã khổng lồ công nghệ TQ Huawei Technologies. Hãng này vừa cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh mới được cho là có tốc độ tương đương 5G, bất chấp lệnh cấm của Mỹ đối với loại chip tiên tiến cần thiết để sản xuất nó. Đợt đầu tiên đã bán hết trong chỉ vài giờ và Huawei tiếp tục nhận được nhiều đơn đặt hàng trước. Có tên Mate 60 Pro, smartphone mới của Huawei có mặt tại các cửa hàng trước lễ ra mắt dòng iPhone 2023 của Apple tại một sự kiện vào tuần tới được xem là “chiến thuật đón đầu có tính toán”.

Tin xấu từ TQ đã kéo giá cổ phiếu của Apple xuống gần 7% trong hai ngày sau đó, khiến công ty thiệt hại khoảng $194 tỷ giá trị (dù chưa biết quy mô của lệnh cấm iPhone sẽ như thế nào). Các nhà quan sát tin rằng chính phủ TQ sẽ tránh gây tổn hại quá lớn cho công ty sử dụng lao động địa phương sản xuất iPhone trong thời điểm tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng. Chỉ riêng một thành phố của TQ đã có hơn một triệu công nhân lắp ráp các sản phẩm của Apple hoặc làm các công việc liên quan.

Giá cổ phiếu của Apple tăng đến 46% trước khi có tin xấu. Theo FactSet, cổ phiếu Apple đã vượt mục tiêu giá trung bình của Wall Street lần đầu tiên sau 18 tháng, ngay trước khi kết quả quý mới nhất được công ty công bố vào đầu Tháng Tám. Lệnh cấm mới của Trung Quốc đang tạo ra thêm một số thách thức mà Apple đang phải đối mặt tại quốc gia hiện là thị trường lớn thứ ba của hãng, chiếm 19% tổng doanh thu của công ty trong năm tài chính từ Tháng Sáu 2022 đến Tháng Sáu 2023. Doanh số bán của Apple tại TQ đại lục tạo ra tỷ suất lợi nhuận trước thuế cao hơn 12% so với tổng lợi nhuận của công ty trong năm tài chính trước.

Năm ngoái, các hạn chế của Covid-19 và tình trạng bất ổn xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất các mẫu iPhone Pro ở TQ, dẫn đến việc giao hàng bị chậm ngay đúng thời điểm bán quan trọng nhất trong năm. Để ứng phó, Apple cố gắng đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách chuyển bớt sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, TQ vẫn là trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất của công ty và iPhone vẫn là mảng kinh doanh lớn nhất của Apple, chiếm đến 52% doanh thu. Điều trớ trêu là với tất cả những đóng góp như trên cho cả hai quốc gia, Apple lại trở thành mục tiêu tấn công tương đối dễ trong cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung, thậm chí trở thành “lá bài mặc cả” của cả hai bên.

Trong khi Hoa Kỳ đã ban hành các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc vận chuyển chip tiên tiến và công nghệ đến TQ, TQ đáp trả bằng cách áp đặt các hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ, như công ty sản xuất chip nhớ Micron. TQ cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt khác đối với các công ty Mỹ, chẳng hạn từ chối cấp phép cho các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn, phá vỡ kế hoạch tăng trưởng của ba công ty bán dẫn lớn của Mỹ: Qualcomm, Intel và Applied Materials.

Ném một hòn đá vào Apple cũng tạo ra những gợn sóng lớn trên “cái ao công nghệ” vì Apple là một trong những nhà mua chip lớn nhất thế giới để dùng cho các thiết bị của mình. Những hạn chế mới từ TQ đã kéo Chỉ số bán dẫn (Semiconductor Index) PHLX xuống 2% vào ngày 8 Tháng Chín vì các công ty như Qorvo và Skyworks cung cấp chip tần số vô tuyến chính sử dụng trong iPhone và có nhà máy sản xuất chip ở TQ đều có cổ phiếu bị giảm hơn 7%. Các công ty sản xuất máy tính cá nhân của Mỹ như HP và Dell có cơ sở sản xuất lớn ở TQ cũng chứng kiến cổ phiếu giảm hơn 2%. Nếu Apple không tránh được làn đạn giữa Mỹ và TQ thì không công ty công nghệ nào có thể thoát được – Wall Street Journal nhận định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: