Trở lại Mặt Trăng

Phi hành đoàn của phi vụ Artemis II thám hiểm Mặt Trăng của NASA: (từ trái qua: Christina Koch, Victor Victor Glover, Reid Wiseman (Mỹ), Jeremy Hansen (Canada). Ảnh Josh Valcarcel/NASA

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration – NASA) vừa họp báo giới thiệu bốn phi hành gia sẽ thực hiện phi vụ Artemis II, trở lại Mặt Trăng, sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn kể từ ngày phi thuyền thực hiện chuyến đổ bộ Mặt Trăng cuối cùng vào năm 1972.

Trong nửa thế kỷ qua, con người chỉ loanh quanh trên các quỹ đạo gần Trái Đất, nhưng nay NASA bắt đầu thực hiện chương trình vũ trụ nhiều giai đoạn có tên là Artemis, nhắm mục tiêu đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng, lập căn cứ khoa học ở đó, chuẩn bị đưa con người tới Sao Hỏa và tìm câu trả lời cho câu hỏi về sự hình thành hệ mặt trời.

Nửa thế kỷ trước, trong chương trình Apollo, có 24 phi hành gia đã bay tới Mặt Trăng và một nửa trong số đó, 12 người, đã bước đi trên bề mặt của thiên thể này; tất cả họ đều là đàn ông và là người Mỹ da trắng. 

Theo cuộc họp báo tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, Texas chiều ngày Thứ Hai 3 Tháng Tư 2023, lần này, đoàn phi hành gia thăm Mặt Trăng có sự đa dạng đáng kể. Trong bốn phi hành gia thực hiện phi vụ Artemis II có ba người Mỹ là Christina Koch, Victor Glover và Reid Wiseman, một người Canada là Jeremy Hansen – thành viên của Cơ quan Vũ trụ Canada; trong số họ có một phụ nữ là bà Christina Koch có một người da màu là ông Victor Glover. 

Bà Koch sẽ là người phụ nữ đầu tiên vượt ra ngoài quỹ đạo thấp của Trái Đất còn ông Hansen là người Canada đầu tiên đi xa như vậy.

Phi vụ này là một bước quan trọng trong chương trình Artemis của NASA nhằm đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng để khám phá những vùng lạnh giá gần cực nam của thiên thể. Băng nước được tìm thấy trong các hố sâu tối tăm ở đó có thể cung cấp nước và khí oxy cho các phi hành gia tương lai cũng như nhiên liệu cho các sứ mệnh tiến sâu hơn vào không gian.

Nhưng bốn phi hành gia trong phi vụ Artemis II sẽ không đáp xuống mặt trăng. Thay vì vậy họ sẽ thực hiện hành trình kéo dài 10 ngày quanh mặt trăng, điểm xa nhất cách nửa bên kia của Mặt Trăng khoảng 6,400 dặm, sau đó quay trở lại Trái Đất. Nếu không có gì thay đổi, phi vụ Artemis II sẽ được thực hiện vào cuối năm tới nhằm thử nghiệm các thiết bị và cách thức mà NASA đang sử dụng cho các cuộc thám hiểm không gian có người điều khiển, đặt nền tảng cho hoạt động đổ bộ Mặt Trăng có thể sẽ được SpaceX thực hiện vào năm 2025.

Như tên của nhiệm vụ đã chỉ ra, Artemis II là phi vụ thứ hai trong chương trình Artemis của NASA. Phi vụ Artemis I đã thực hiện vào Tháng Mười Một năm ngoái, thử nghiệm phóng vào không gian tàu đổ bộ Orion chở theo những hình nộm gắn cảm biến thay cho phi hành gia thực, và thử nghiệm hỏa tiễn mới của NASA có tên Space Launch System. Tàu vũ trụ Orion đã dành hai tuần bay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng trước khi quay trở lại Trái Đất và rơi xuống Thái Bình Dương.

Hỏa tiễn khổng lồ của NASA (SLS) mang theo tàu vũ trụ Orion đang được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida ngày 16 Tháng Mười Một năm ngoái trong phi vụ thử nghiệm Artemis I. Tàu Orion sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng nhiều lần rồi quay về Trái Đất sau 12 ngày đêm. Ảnh NASA/Joel Kowsky

Phi vụ Artemis II trở lại lộ trình của Artemis I nhưng do các phi hành gia thực điều khiển, có nhiệm vụ kiểm tra các hệ thống hỗ trợ sự sống của tàu vũ trụ Orion trước khi NASA thực hiện bước tiếp theo, phức tạp hơn, gọi là Artemis III, đưa hai phi hành gia đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng ở gần cực Nam của thiên thể này. Phi vụ Artemis III sẽ sử dụng phi thuyền Starship – một phi thuyền khổng lồ do hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk phát triển. Vụ phóng thử phi thuyền Starship vào không gian sẽ được thực hiện trong vài tuần tới. 

Hiện NASA tính toán chuyến đổ bộ đầu tiên xuống Mặt Trăng sau nửa thế kỷ sẽ diễn ra vào cuối năm 2025 nhưng các nhà khoa học dự đoán phi vụ sẽ hoãn đến năm 2026 hoặc sau đó nữa.

Hỏa tiễn khổng lồ Falcon 9 của công ty SpaceX chuẩn bị phóng hôm 26 Tháng Hai 2023 đưa tàu vũ trụ Endeavor với bốn phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.Ảnh Joe Raedle/Getty Images

Phải mất nửa thế kỷ NASA mới tính tới chuyện quay lại Mặt Trăng – một quãng thời gian dài và chứng kiến nhiều tiến bộ khoa học nổi bật. Có nhiều nguyên nhân giải thích sự trì hoãn đó.

Báo The New York Times cho rằng, trong thập niên 1960, cuộc chạy đua chinh phục không gian vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô đã thúc đẩy sự đầu tư và nỗ lực của cả hai nước, dẫn tới thành công rực rỡ của chương trình Apollo. Nhưng sau khi chiến thắng cuộc đua, niềm hứng thú đối với việc khám phá Mặt Trăng của công chúng, giới chính trị Mỹ và cả NASA, đã phai nhạt dần. 

Hiện nay, Mỹ phải cạnh tranh với một đối thủ mới là Trung Quốc – nước cũng đang cố gắng đưa các phi hành gia của họ tới Mặt Trăng trong những năm tới.

Cuộc khám phá không gian, thăm viếng Mặt Trăng không còn là công việc của các chính phủ mà tư nhân đã tham gia ngày càng mạnh. Nếu thực hiện thành công việc đưa hai phi hành gia đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng rồi đưa họ trở về Trái Đất an toàn trong phi vụ Artemis III nói trên, công ty SpaceX của ông Musk sẽ có những cơ hội kinh doanh hết sức quan trọng trong lĩnh vực mới là du lịch Mặt Trăng bằng phi thuyền Starship.

Yusaku Maezawa, một tỷ phú Nhật Bản đã “mua tour” trên tàu Starship bay vòng quanh Mặt Trăng theo đúng lộ trình mà phi vụ Artemis II sẽ thực hiện. Ông Dennis Tito, một kỹ sư và doanh nhân người Mỹ, “du khách vũ trụ” đầu tiên đến thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS năm 2001, đã mua tour cho ông cùng vợ là bà Akiko trên tàu Starship bay vòng quanh Mặt Trăng… Đây chỉ là hai trong khá nhiều trường hợp tỷ phú có ý định đi du lịch ngoài không gian.

Tờ NYT nhận định điều không tránh khỏi là dấu chân của các “du khách vũ trụ” sẽ ngang dọc trên bề mặt Mặt Trăng trong một tương lai không xa nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: