Một trong những hướng dẫn thường xuyên của Saigon Nhỏ đối với độc giả Việt Nam bị chặn tường lửa là tải ứng dụng ProtonVPN để có thể truy cập saigonnhonews.com. Proton hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất với độ tin cậy cao nhất… Đứng sau thành công của Proton là một thanh niên châu Á chỉ mới hơn 30 tuổi…
Proton đang trở thành một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất cho những người cần truy cập internet tại những nước độc tài giám sát chặt chẽ không gian mạng như Việt Nam, Trung Quốc, Nga… Những dịch vụ nổi tiếng nhất của Proton là ProtonMail, dịch vụ email được mã hóa; và ProtonVPN – công cụ giúp vượt tường lửa. Được thành lập với mục đích làm xói mòn sức mạnh của các chế độ độc tài áp bức, Proton hiện được sử dụng rộng rãi khắp thế giới.
Các sản phẩm của Proton được mã hóa đầu cuối (end-to-end), có nghĩa khi chuyển tiếp và lưu trữ trên máy chủ của Proton, dữ liệu người dùng được xáo trộn sao cho chúng chỉ có thể được giải mã và đọc được bởi người nhận. Nhóm nghiên cứu Proton thậm chí không thể đọc được ngay cả khi họ muốn. Dĩ nhiên các cơ quan quản lý nhà nước hắc ám cũng vậy. Đó là công nghệ tương tự mà các ngân hàng sử dụng để bảo đảm những chi tiết liên quan thẻ tín dụng của bạn không thể bị đánh cắp khi bạn mua sắm trực tuyến; và cũng là cách mà các ứng dụng mạng xã hội được mã hóa như Signal và WhatsApp giúp đảm bảo nội dung tin nhắn của người sử dụng vẫn ở chế độ riêng tư.
Một trong những nơi đang tải ứng dụng Proton nhiều nhất là Nga. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối Tháng Hai, ProtonVPN đã trở thành một trong những công cụ phổ biến để người dùng internet truy cập các trang web tin tức độc lập và các nền tảng truyền thông xã hội bị chặn, trong đó có Twitter, Facebook và Instagram. ProtonVPN hiện là VPN iOS phổ biến thứ ba ở Nga, theo dữ liệu được chia sẻ với TIME bởi công ty phân tích data.ai. Trong Tháng Ba 2022, ProtonVPN được tải xuống 1.1 triệu lần tại Nga…
Proton cung cấp miễn phí cho tất cả ứng dụng của họ nhưng nếu người sử dụng cần các tính năng bổ sung thì phải trả phí từ vài đến vài chục đôla mỗi tháng. Vào thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19, Proton có khoảng 100 nhân viên trên khắp thế giới; hiện tại, họ có hơn 400, và dự kiến tăng gấp đôi trong hai năm tới. Năm 2021, Proton tung ra hai sản phẩm mới nhằm cạnh tranh với Big Tech: Proton Drive và Proton Calendar, hai ứng dụng được mã hóa end-to-end, không giống các công cụ tương đương được cung cấp bởi Apple và Google (Apple và Google cho biết họ mã hóa dữ liệu thư của người dùng khi chuyển tiếp; và mã hóa dữ liệu lịch và dữ liệu lưu trữ khi truyền và lưu trữ; tuy nhiên họ vẫn giữ khả năng tự giải mã và xử lý dữ liệu, nghĩa là dữ liệu không được mã hóa “end-to-end”; hay nói cách khác, Google và Apple nếu muốn vẫn có thể đọc được tất tần tật những gì người dùng lưu trữ và trao đổi qua mạng).
Ứng dụng lịch và ổ lưu trữ bảo mật đầu cuối của Proton là một phần của nỗ lực phối hợp nhằm xây dựng một “hệ sinh thái” tập trung vào quyền riêng tư để cạnh tranh với các dịch vụ ít riêng tư hơn từ các công ty Big Tech, vốn thu lợi nhuận rất nhiều từ việc khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng để bán quảng cáo. Người sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành Proton – Andy Yen – nói rằng, một trong những lý do khiến quyền riêng tư không thực sự tồn tại trực tuyến ngày nay là vì không có sự cạnh tranh. Tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của những đại gia như Google, Facebook… Đám “đầu nậu” thông tin này lại độc quyền trong việc kiểm soát quyền riêng tư để họ có thể bán nhằm thu vào hàng tỉ tỉ đôla. Andy Yen muốn thay đổi điều đó.
Theo bài viết của TIME (ngày 12-5-2022), Andy Yen chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ điều hành một công ty công nghệ. Trưởng thành ở Đài Loan, lấy bằng tiến sĩ vật lý phân tử (particle physics) tại Harvard, sau đó đến Thụy Sĩ để làm việc tại CERN – trung tâm nghiên cứu hạt nhân lừng danh, nơi nhà khoa học máy tính Tim Berners-Lee lần đầu tiên phác thảo World Wide Web năm 1989.
Những tưởng đi theo con đường vật lý học suốt đời, nhưng cuối cùng Andy Yen chuyển sang internet, nhấn mạnh đến khái niệm tự do thông tin. Việc chứng kiến Bắc Kinh siết chặt và khống chế tự do thông tin không chỉ ở Hoa lục mà còn ở Hong Kong khiến Andy Yen quyết định dồn vào nghiên cứu kỹ thuật phá tường lửa. “Lý do mà tôi tạo ra Proton và lý do tôi cam kết sâu sắc với sứ mệnh của mình là bởi vì có mối liên hệ trực tiếp giữa những gì chúng tôi làm và những gì tôi thấy trong việc bảo đảm rằng dân chủ và tự do có thể tồn tại trong thế kỷ 21” – Andy Yen nói.
Năm 2013, Yen bỏ học vật lý phân tử. Mùa Hè năm đó xảy ra sự kiện Edward Snowden tố giác Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) thường xuyên theo dõi hoạt động internet của hàng triệu người trên khắp thế giới, với sự hỗ trợ của các công ty công nghệ. Với Yen, rõ ràng “internet đã đi theo một hướng rất khác so với những nguyên tắc sáng lập khi nó được tạo ra tại CERN”. “Ngày nay, những gì chúng ta nghĩ đến cái gọi là internet mở và miễn phí trong thực tế lại được kiểm soát bởi một số chính phủ và một số ít hơn những gã khổng lồ công nghệ thực sự thống trị và kiểm soát mọi khía cạnh của cuộc sống. Động lực để tạo ra Proton là phải có một cách khác để công nghệ và internet phát triển (không theo hướng như vậy)”.
Yen lấy một khái niệm từ vật lý phân tử – lý thuyết nhiễu loạn – để giải thích quỹ đạo sự nghiệp của mình. Đó là một phương pháp được sử dụng để tìm lời giải gần đúng cho một bài toán lớn và phức tạp hơn, bằng cách trước tiên tìm ra câu trả lời chính xác cho một bài toán liên quan – nhưng đơn giản hơn.
Trong vòng vài ngày kể từ khi ra mắt năm 2014, máy chủ của ProtonMail đã gặp sự cố do nhu cầu của người dùng vượt quá mức mong đợi. Hóa ra có rất nhiều người muốn thoát khỏi sự khống chế kiềm kẹp trên thế giới mạng. Proton bắt đầu huy động vốn cộng đồng, yêu cầu người dùng quyên góp $100,000 để trang trải chi phí cho cơ sở hạ tầng mới. Năm ngày sau, số tiền quyên góp được nhiều gấp đôi con số trên và cuối cùng Proton nhận được khoảng $550,000 từ hơn 10,000 người ủng hộ. Khoản tài trợ ban đầu đã giúp Proton tránh trao quyền kiểm soát công ty cho các nhà đầu tư bên ngoài. Thay vào đó, cổ phần trong công ty được phân phối gần như toàn bộ cho các nhân viên.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Proton cũng thuận buồm xuôi gió. Năm ngoái, ProtonMail bị chỉ trích dữ dội sau khi họ giao dữ liệu một người dùng cho cảnh sát Pháp theo yêu cầu pháp lý. Lúc đó cảnh sát Pháp điều tra một nhóm hoạt động môi trường ở Paris và muốn tìm kiếm danh tính của một người dùng ProtonMail liên quan đến việc chiếm giữ bất hợp pháp một tài sản. Do trụ sở Proton đặt ở Thụy Sĩ nên giới chức trách Thụy Sĩ chấp thuận yêu cầu từ Pháp, có nghĩa là Proton buộc phải giao địa chỉ IP người dùng để cảnh sát Pháp có đủ bằng chứng để bắt kẻ phạm pháp.
Tuy nhiên, nhìn chung, Proton đang tạo ra một sự thay đổi lớn và ngày càng rõ rệt trên thế giới mạng. Chẳng phải tự nhiên Proton ngày càng được ủng hộ ở Washington DC, nơi nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ đang muốn kiềm chế Big Tech. Đầu Tháng Năm 2022, Proton đã công khai ủng hộ hai dự thảo luật chống độc quyền tại Quốc hội Hoa Kỳ. Dự luật nếu được thông qua sẽ ngăn chặn Apple và Google quyền ưu tiên các dịch vụ của riêng họ (chẳng hạn Google Drive hoặc iCloud) trên hệ điều hành điện thoại mà họ sở hữu (cụ thể, Android với Google và iOS với Apple). Ở một góc độ nào đó, có thể nói Andy Yen không chỉ tuyên chiến với các nhà nước độc tài mà còn đang gây hấn công khai với các đại công ty độc quyền vốn hành xử ngày càng chẳng khác gì bọn độc tài.