Trời đang trở gió, từng chùm phấn hoa bay lặng lẽ khắp lối, báo hiệu một mùa Xuân đang về trên xứ sở cờ hoa, tất cả như rạng rỡ hơn bởi sau những ngày Đông buốt giá, tuy lạnh vẫn còn từng đợt, thế nhưng cây cỏ, hoa lá như đang dần hồi sinh, thời điểm này nhiều người ngại ra ngoài vì “dị ứng với thời tiết và cả phấn hoa” nữa, vậy nhưng ngoài kia trời trong xanh hơn, gió nhẹ hơn, phía trước sân nhà và dọc các con đường trong phố nhiều loài hoa đang bung đủ sắc màu đu đưa trong nắng nhẹ.
Theo thiệp mời thì 5 giờ 30 chiều Thứ Bảy 5 Tháng Ba 2022, một buổi họp mặt các vị trước đây từng đảm nhiệm các chức vụ trong Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia sẽ được tổ chức tại Nhà hàng Nam Phương trong khu chợ Hong Kong trên đường Jimmy Cater thuộc thành phố Norcross, nơi người Việt tập trung buôn bán rất đông, vì vị thế nó rất thuận lợi, gần sân bay quốc tế và cả xa lộ liên bang. Vậy nhưng do một số quan khách ở xa lại thêm thời tiết còn se lạnh nên khai mạc không đúng giờ. Tranh thủ lúc chưa đủ người, chúng tôi đến bên anh Ngô Thanh Lâm, Cựu chủ tịch cộng đồng nhiệm kỳ 2008, đang loay hoay trang trí bên góc khán phòng. Vừa làm, anh vừa trò chuyện với chúng tôi:
Đây là buổi họp mặt các cô chú, anh chị trước đây từng đảm nhiệm những chức vụ trong Ban Chấp Hành, Ban Giám Sát, Ban Hội Đồng Đại Biểu của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia, do một nhóm thiện nguyện một thời góp công sức xây dựng cộng đồng đứng ra vận động tổ chức.
Tôi hỏi: Thế các cô chú ấy có hưởng ứng không?
Quay nhìn tôi với một nụ cười thật nhân ái và thân thiện, anh Ngô Thanh Lâm trả lời không chút do dự: Các cô chú ấy khi hay tin thì rất tán thành. Nhiều cô chú ghi danh trễ không tới dự được cũng hơi buồn nhưng vì số lượng khách mời hạn chế, đành xin thứ lỗi mong hẹn gặp lại dịp khác. Vì đây là lần đầu tiên tổ chức nên khó tránh khỏi những sai sót anh ạ.
Nhìn ra ngoài thấy đã nhá nhem tối. Bên trong Nhà hàng Nam Phương giờ cũng khá đông người. Lần theo giới thiệu của anh chị trong Ban tổ chức, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Đức Thạc, Chủ tịch đầu tiên của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia. Chức vụ này được cộng đồng bầu danh chánh ngôn thuận. Trước đây cũng đã có một Ban chấp hành lâm thời do bác sĩ Huỳnh Minh Tòng làm chủ tịch. Bấy giờ mọi người Việt tha hương sinh sống ở tiểu bang Georgia đều mong muốn có một tổ chức cộng đồng do chính người Việt điều hành và lãnh đạo, để khi cần, bà con có thể tìm đến để nhờ can thiệp và giúp đỡ.
Gặp ông Phạm Đức Thạc, người dong dỏng cao, tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, tôi vào đề ngay: Thưa ông, được biết ông là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia đầu tiên của tiểu bang Georgia.
Ông trả lời: Vâng, năm 1996 tôi được bà con hối thúc ra tranh cử để góp phần xây dựng cộng đồng. Họ biết trước năm 1975 khi còn ở Việt Nam, tôi theo học những tháng cuối cùng của ngành luật. Kiến thức học được ở nhà trường miền Nam tự do sẽ có thể giúp cho bà con trong đời sống tha hương. Thời điểm đó tôi nhận được hơn 1,200 phiếu bầu và đắc cử chức chủ tịch nhiệm kỳ 1996-1998, sau đó tái cử hai năm nữa.
Tôi hỏi ông: Trong hai nhiệm kỳ công tác của Cộng Đồng, điều gì làm ông ghi nhớ nhất?
Ông kể: Đó là lúc Hoa Kỳ tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế. Anh còn nhớ Thế Vận Hội Olympic mùa Hè Atlanta chứ. Lúc đó chính quyền sở tại muốn chúng tôi hợp sức trong công tác bảo vệ an ninh. Chính tôi cung cấp cho tiểu bang cũng như ban tổ chức danh sách một số băng nhóm tội phạm liên quan người Việt; và cơ quan an ninh nội địa đã vào cuộc để phá tan một âm mưu gây mất trật tự trước, trong và sau Olympic. Cùng thời gian này, chúng tôi cũng giúp đỡ về mặt pháp lý cho hơn 200 gia đình người Việt định cư theo diện H.O. Cá nhân tôi được tiểu bang vinh danh và cấp bằng công nhận là Công dân danh dự Georgia. Lúc này bà con Việt Nam chúng ta ở đây mới có hơn 10 ngàn người, nghe đâu bây giờ lên đến trên 60 ngàn người rồi.
-Vậy trong thời gian này ông thấy có gì khó khăn nhất?
Đang hào hứng, ông bỗng trầm tư:
-Đó là sự phân chia, bất đồng trong nội bộ Ban chấp hành. Vài tổ chức ngoại biên thò tay vào làm cho các cuộc bầu cử sau này rối tung lên, anh chị em nghi kỵ lẫn nhau, sự vụ này kéo dài cả chục năm, khiến cho anh em bên Cali quan tâm đến thế sự cũng ăn không ngon, ngủ không yên.
-Vậy những bất hòa đó giải quyết ra sao thưa ông?
Đắn đo một lát, ông Phạm Đức Thạc trả lời:
-Đành rằng nội bộ có những bất đồng, nhưng theo tôi không phải do chính kiến mà nó nảy sinh từ tính ích kỷ cá nhân. Hơn nữa, có tổ chức đứng ngoài lại muốn thao túng quyền lực và sự điều hành của Ban chấp hành do chính lá phiếu của cộng đồng ở các quận hạt thành phố bầu ra. Hậu quả là gây nên sự hục hặc không đáng có. Rồi qua những đấu tranh chính nghĩa, mọi sự cũng dần dần tốt đẹp hơn.
-Thưa ông, nghe nói tiểu bang mình sau này có tới hai Ban chấp hành cộng đồng?
-Vâng, có lúc hai Ban chấp hành song hành tồn tại nhưng bây giờ thì khác rồi. Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Tôi mong sao mọi người hãy gác bỏ mọi bất đồng để cùng chung tay xây dựng một cộng đồng vững mạnh, tạo cơ hội cho bà con mình được chung sống trong ấm no hạnh phúc.
Nhân dịp này, tôi gặp cô Lâm Hồng Vân, vợ nhà thơ Hạ Thảo Yên; chú Nguyễn Tri Quế năm nay đã 90 tuổi; chú Bảo Mai; cô Xuân Lan; chú Lê Văn Dương; chú Quang Hiền; với ông Nguyễn Minh Tuấn, người đã sống ở tiểu bang Georgia trên 20 năm, tham gia Ban chấp hành cộng đồng nhiều khóa, nay theo con cái dời về tiểu bang Florida. Khi hay tin họp mặt, ông đến dự và chia sẻ cảm nghĩ. Sau nhiều năm không gặp, nay tay bắt mặt mừng, có người vì quá lớn tuổi phải mất hồi lâu chuyện trò mới nhận ra nhau. Đúng là cựu mà không cũ.
Các cô chú khi được hỏi các vấn đề liên quan cộng đồng, đa số phần vì xúc động, phần vì tuổi tác, nên cái nhớ cái quên. Đối với lớp trẻ hiện còn giữ các chức vụ của cộng đồng hoặc hội đoàn như anh Nguyễn Cao Trung, chị Phương Ánh, Thùy Dương, Khoa Đỗ, Nguyễn Trà My… thì họ luôn hâm nóng trong tim lòng yêu nước, cố gắng kế thừa những di sản bất biến và tốt đẹp của cha ông.
Một điều rất thú vị là anh Ngô Thanh Lâm cùng cô Lý Thái, với các em Thùy Dương, Khoa Đỗ đã nghĩ ra ý tưởng “kính lão đắc thọ”. Buổi họp mặt vốn ấm áp lại càng ấm áp khi trên sân khấu có chiếc bánh kem to sặc sỡ. Các cô chú trên 80 tuổi lên sân khấu cắt bánh mừng thọ và nhận được phong bì chúc thọ từ ban tổ chức. Chú Lê Kỳ Hòa, cựu thành viên Ban Chấp Hành, dìu người vợ bị tai biến mấy năm nay ngồi vào bàn và chú đọc một bài thơ tự sáng tác ca ngợi sự tận tâm tận lực những người nỗ lực đóng góp xây dựng đời sống lành mạnh cho cộng đồng…
Bài và ảnh: Trần Phú Đa