Dân châu Á và thịt hộp spam

Dù không được chuộng lắm ở thị trường Mỹ và phương Tây nói chung nhưng spam vẫn là một trong những loại thực phẩm đóng hộp được dân châu Á khoái nhất. Mới đây, theo CNN 27-12-2020, hãng chế biến thực phẩm OmniFoods (Hong Kong) còn tung ra “spam chay”.

Theo Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), trung bình, người Hàn Quốc ăn 31,2 kg (69 lb) thịt lợn mỗi năm, trong khi Trung Quốc đại lục ăn 24,4 kg, cao hơn mức trung bình quốc tế là 11,1 kg. Cùng lúc, người châu Á cũng thích ăn chay. Đó là lý do OmniFoods tung ra sản phẩm spam chay. Sau khi bán sản phẩm “thịt lợn băm” cho cả người tiêu dùng và chuỗi Starbucks ở Trung Quốc, OmniFoods bắt đầu đưa ra “giải pháp thay thế dựa trên thực vật cho spam”. Theo nghiên cứu thị trường gần đây, châu Á-Thái Bình Dương chiếm khoảng 39% doanh số spam, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong số những quốc gia tiêu thụ hàng đầu. Một số người thậm chí ăn spam năm lần một ngày!

Lần đầu tiên được sản xuất vào năm 1937 bởi Hormel Foods, hãng chế biến thực phẩm đóng hộp tại Minnesota, spam thoạt đầu là “sáng kiến” tận dụng thịt lợn vai thừa. Spam chứa sáu thành phần: thịt lợn, muối, nước, tinh bột khoai tây, đường và natri nitrat để giúp bảo quản. Do đóng hộp tiện vận chuyển và có thể bảo quản lâu, spam ban đầu là thức ăn phổ biến dành cho lính. Đến năm 1941, hơn 100 triệu pound spam đã được vận chuyển ra nước ngoài để cung cấp cho quân đội đồng minh trong Thế chiến thứ hai, và một lượng lớn cũng được bán cho các quốc gia chịu hậu quả cuộc chiến.

Trong hồi ký, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev viết rằng “nếu không có spam, chúng tôi sẽ không thể nuôi quân đội”; trong khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher nhớ lại việc phục vụ spam và salad cho bạn bè vào Giáng sinh năm 1943, cùng với “một trong những hộp trái cây rất quý mà chúng tôi để dành từ những ngày trước chiến tranh”. Thậm chí nhiều năm sau, khi sống ở số 10 Downing Street (dinh thủ tướng), Thatcher vẫn mua spam mỗi khi đi siêu thị.

Sau chiến tranh, phần lớn công chúng Anh bắt đầu bày tỏ sự “thù ghét” spam, món thịt hộp mang theo ký ức thời khốn khó. Ở Mỹ cũng tương tự. Nhiều cựu chiến binh và người nghèo từng sống lây lất với hộp spam giờ cũng ghét nó. Thật ra từ hồi thời chiến, chẳng hiểu sao đã có không ít người không thích spam. Chủ tịch công ty Jay Hormel từng kể với một người phỏng vấn vào năm 1945 rằng ông vẫn còn giữ một tập tài liệu trong văn phòng, trong đó có một sấp thư “lên án” spam do binh sĩ khắp thế giới gửi về.

Trong một lá thư năm 1966 gửi chủ tịch Hormel HH Corey, Dwight Eisenhower, cựu chỉ huy tối cao lực lượng Đồng minh trong Thế chiến II, đã ca ngợi sự đóng góp của công ty vào thời chiến nhưng cũng thừa nhận “có vài nhận xét không đẹp về spam đã được thốt ra”. Ngày nay, ở Mỹ, theo CNN, việc nhắc đến thịt hộp vẫn tiếp tục gây cảm giác “ghê rợn” hơn là chảy nước miếng. Nhà văn Sherina Ong của Philippines kể lại vào năm 2014, khi còn sinh viên tại một đại học Mỹ, “bất kỳ đề cập nào về spam đều gặp phải sự nhăn nhó và phản ứng khó chịu: ‘eo ơi, sao lại ăn thứ ấy?!'”.

Tuy nhiên, spam tại thị trường châu Á và spam đối với người châu Á nói chung không đến mức bị “ruồng rẫy” như vậy. Dân châu Á nói chung, nếu không “rất khoái”, thì cũng chẳng ghét bỏ gì spam. Ở Hàn Quốc, spam được ăn cùng kim chi và cơm; thậm chí ăn chung với món thịt hầm (Budae Jjigae). Spam còn được tặng làm quà trong dịp Chuseok, lễ hội thu hoạch hàng năm. Tại Nhật, các món có spam gồm “po-oku tamago” (spam và trứng chiên); hoặc “spam musubi” (spam chiên ăn với cơm). Khi spam lần đầu tiên đến châu Á-Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, nó lập tức được đón nhận. Sản phẩm đóng hộp này mang một nét đặc trưng nhất định, nhờ vào mối liên hệ của nó với Mỹ. Thấy spam là “thấy Mỹ” – như cách người châu Á thường nói.

Trên thực tế, mức tiêu thụ spam đang tăng toàn cầu. Theo Hormel, năm 2019, spam đã chứng kiến “năm thứ 5 liên tiếp đạt doanh thu kỷ lục”, mang lại 584 triệu USD. Và không chỉ người châu Á ăn nó. Spam Hormel được bán tại hơn 40 thị trường, trong khi đối thủ cạnh tranh của nó, với thương hiệu Tulip, có mặt trên 100.

“Chúng tôi đã chứng kiến doanh số bán thịt hộp trên toàn thế giới tăng hơn 30% vào năm 2020” – theo Kent Riis, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh quốc tế của Công ty thực phẩm Crown (Đan Mạch), công ty sở hữu thương hiệu Tulip. Tại Mỹ, Hormel cho biết có sự gia tăng doanh số trong năm nay, có thể là do đại dịch. Với một hộp 12 ounce có giá trung bình dưới 3 USD, spam là thực phẩm “chống suy thoái kinh tế” và thứ mà mọi người thường sử dụng như một loại protein rẻ tiền trong giai đoạn khó khăn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: