17/11/1873 là ngày mà các đơn vị hành chính độc lập Buda, Pest, Óbuda và Đảo Margit (Margit-sziget) được sáp nhập để trở thành thủ đô Budapest của Vương quốc Hungary trên cơ sở Đạo luật số XXXVI., được Quốc hội Hungary thông qua vào năm 1872.
“Từ đây, chúng ta không còn là cư dân Buda, cư dân Pest, mà sẽ là cư dân Budapest”, theo lời bác sĩ, nhà báo Ágai Adolf (1836-1916), một trong những “Chàng trai tháng Ba” (a márciusi ifjak) từ năm 12 tuổi.
Sự kiện này diễn ra bảy năm sau khi nền “song quốc quân chủ” Áo – Hung ra đời, tạo tiền đề cho một thời kỳ “hòa bình và hạnh phúc” kéo dài gần nửa thế kỷ với các dân tộc trong vùng Trung Âu.
Thủ đô Budapest đã trải qua một thời kỳ phát triển hết sức năng động, để vào đầu Thế kỷ 20 đã trở thành thành phố có sức bùng nổ bậc nhất châu Âu cùng thủ đô Berlin của nước Đức thống nhất. Hàng loạt những công trình đáng kể được hoàn tất, và còn lại tới bây giờ.
Năm 1874, hệ đường sắt bánh răng được khai trương. Hai nhà ga quốc tế Nyugati và Keleti ra đời năm 1877 và 1884. Đời sống văn hóa cũng khởi sắc với Nhà hát Opera khánh thành năm 1884 trên Đại lộ chính Andrássy, tương truyền đã khiến Hoàng đế Franz Joseph phải chau mày khi tới dự lễ cắt băng khánh thành, bởi nội thất nó còn đẹp hơn của người Anh tại Vienna.
Năm 1887, lần đầu tiên ở Hungary, tàu điện xuất hiện tại Budapest trước sự trầm trồ của cư dân.
Diện mạo của đô thị tầm thế giới này thay đổi đáng kể năm này sang năm khác. Gần như từ con số không, những khu dân cư với các tòa nhà cao tầng, cửa hiệu và đường phố sầm uất được mọc lên.
Nhiều người so sánh sự phát triển nhanh chóng và kỳ diệu của Budapest với sự phát triển của các thành phố đương thời ở Mỹ, chẳng hạn, một phần của vùng Erzsébetváros được gọi là “Csikágó” để ví với Chicago của Mỹ. Đầu Thế kỷ 20, Budapest đã có hơn 700,000 cư dân.
Cần đặc biệt nhắc tới Triển lãm Thiên niên kỷ (Ezredévi Kiállítás) tổ chức năm 1896, kỷ niệm một ngàn năm chinh phục đất nước của dân tộc Hungary, đồng thời là dịp phô diễn và xiển dương những thành tựu vượt bậc của đất nước trong 20 năm trước đó.
Hàng triệu người từ mọi miền của nước Hungary lịch sử đã đổ về Budapest để chiêm ngưỡng thủ đô xinh đẹp và loạt triển lãm ấn tượng ở đó. Đô thị này rơi vào tấm ngắm của cả châu Âu trong dịp kỷ niệm lớn này.
Hàng loạt dấu ấn của thủ đô Budapest được xây dựng trước đó và vào khoảng thời gian đó, như Đại lộ chính Andrássy, tuyến đường sắt ngầm đầu tiên của lục địa (Millenniumi Földalatti Vasút), Cầu Franz Joseph (nay là Cầu Szabadság), Pháo đài Ngư phủ (Halászbástya), Lâu đài Vajdahunyad (Vajdahunyad-vár), hay Tòa nhà Quốc hội (Országház) đã được hoàn thiện một phần đều là những “công trình thế kỷ” mà tới bây giờ vẫn là niềm tự hào của người dân Hungary.
Sự phát triển hiếm có trong tiền lệ ấy của Budapest chỉ bị ngừng lại khi Thế chiến Thứ nhất 1914-1918 bùng nổ, và Vương quốc Hungary phải tham chiến cùng Đế quốc Áo trong một cuộc chiến mà người Hung không hề có “lợi lộc” gì, để rồi rơi vào thảm họa Trianon: Hơn hai phần ba diện tích đất nước và dân số lọt vào tay các quốc gia khác theo quyết định của “Bên thắng cuộc”. Nước Hung và thủ đô Budapest đi vào một thời kỳ lịch sử mới, đầy máu và nước mắt.
Kỷ niệm 150 năm thành lập, Budapest có thể tự hào là một trong những thành phố kiều diễm và thân thiện của thế giới, với những di sản văn hóa và lịch sử được UNESCO ghi nhận.
Ở vùng Trung Âu, cùng Praha và Vienna, Budapest là một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi tới tìm hiểu và trải nghiệm khu vực này. Chúc mừng Budapest, và chúc mừng tất cả những ai được sinh sống tại đây, cũng là góp phần chung tay xây dựng cho mảnh đất xinh đẹp này!