Caffè Trieste, “ngôi đền cà phê” nổi tiếng mang tính biểu tượng của thành phố San Francisco ở North Beach, vừa kỷ niệm 65 năm ngày thành lập cách đây không lâu, trong tình hình quán sống sót qua đại dịch dù phải tạm thời đóng cửa một thời gian. Ngày này cũng là ngày được Hội đồng Giám sát (Board of Supervisors) San Francisco công bố là “Ngày Caffè Trieste” (Caffè Trieste Day) của thành phố… Caffè Trieste không chỉ là quán cà phê. Nó còn là một địa điểm văn hóa. Francis Ford Coppola từng ngồi tại quán này và hầu hết bản thảo kịch bản The Godfather đã được ông viết tại Caffè Trieste…

“Caffè Trieste là ngôi nhà dành cho những người theo chủ nghĩa chiết trung (eclectics), cho các nhà thơ, cho những cư dân khu vực và cho khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới” – Aaron Peskin, một Giám sát viên của San Francisco nhận định. Quán cà phê được Giovanni “papa” Giotta, một người nhập cư từ miền Bắc nước Ý, mở vào năm 1956 để đỡ nhớ hương vị cà phê của hòn đảo quê hương mình. Nằm ở góc Phố Vallejo và Đại lộ Grant ở trung tâm khu phố Ý cổ của thành phố, quán phục vụ những ly cà phê espresso và được cho là quán bar espresso lâu đời nhất Bờ Tây nước Mỹ.

Dĩ nhiên quán được cư dân Ý đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng được biết đến với các cư dân khắp thành phố cũng như khách du lịch. “Ông tôi muốn mang văn hóa cà phê Ý đến đây, vì vậy khi có cơ hội mở quán cà phê, ông lập tức lao ngay vào –  cô cháu gái Ida Pantaleo Zoubi, hiện là đồng sở hữu quán bộc bạch – Caffè Trieste chính là giấc mơ trở thành hiện thực của ông tôi”. Giovanni qua đời năm 2016 ở tuổi 96. Kể từ khi mở cửa, quán cà phê chưa bao giờ nghỉ bán quá một ngày, thậm chí cả trong mùa Giáng Sinh. Kỷ lục đó chỉ kết thúc vào ngày 16 Tháng Ba, 2020 khi sáu địa hạt của Vùng Vịnh (Bay Area), bao gồm cả San Francisco thực thi lệnh “stay-at-home”, khiến hầu hết cơ sở kinh doanh phải đóng cửa để ngăn lây lan coronavirus. Tin Caffè Trieste đóng cửa khiến cả khu phố Ý xôn xao, vì đối với họ, những ly cappuccino thơm nồng là “không thể thiếu” và Caffè Trieste giống như “phòng khách của North Beach” để họ lai vãng hàng ngày.

Gianfranco Fulvio Giotta (con trai của người sáng lập Giovanni “Papa” Giotta) chính là trái tim và linh hồn của đại gia đình đứng phía sau Caffè Trieste huyền thoại. Ông đã có nhiều thập niên thỏa thích nhâm nhi cà phê espresso và biểu diễn âm nhạc Ý nhưng không may chết sớm ở tuổi 55 (Tháng Chín, 1999). Gerard White, một doanh nhân Sacramento, người quen thân gia đình Giotta nhiều năm và làm việc tại quán cà phê lúc đó nói: “Gianfranco là một người rất yêu cuộc sống và thích chia sẻ đam mê với người khác. Hiền lành nên ông được mọi người yêu mến” – người em trai Fabio nói.

Quán nổi tiếng với các loại bánh ngọt, cà phê Ý chính thống và chương trình giải trí serenades, sân khấu opera thu nhỏ mỗi cuối tuần. Caffè Trieste còn là ngôi nhà của trào lưu văn học “Beat” từ thập niên 1950. Đạo diễn lừng lẫy Francis Ford Coppola từng ngồi ở đây để viết và hoàn thiện kịch bản bộ phim The Godfather (1972). Rob Masud, một kỹ sư âm thanh từng làm việc tại quán, nhớ lại: “Có những người từ khắp nơi trên thế giới khi thăm thú San Francisco đều đến Caffe Trieste”. Vào các ngày Thứ Bảy, Gianfranco thường cùng cha, mẹ Ida, em trai Fabio và chị gái Sonia biểu diễn một vở opera Ý ngắn tại sân khấu trong góc quán.

Gianfranco còn phát hành một CD thông qua công ty thu âm riêng của gia đình, Trieste Records trụ sở tại San Francisco. Đĩa CD có tựa ‘Senza Te’ (tiếng Anh là Without You). Ông và gia đình đã biểu diễn quanh Vùng Vịnh trong 20 năm, tại Câu lạc bộ Fugazi ở North Beach và Nhà hát Cung điện cũ (Palace Theater). Giữa thập niên 1970, Gianfranco từng hát quốc ca tại Công viên Candlestick vào Ngày Ý (Italian Day) cùng danh ca opera Joe DiMaggio. Tuy nhiên, quán cà phê vẫn là địa điểm biểu diễn chính của ông vào các đêm Thứ Bảy kể từ đầu thập niên 1970.

Caffè Trieste duy trì không khí bình dân, thân thiện, ngay cả khi nó là nơi lui tới của các biểu tượng văn hóa lớn như Lawrance Ferlinghetti, người sáng lập City Lights Books tại Columbus và Broadway. Trong quán, nét văn hóa Ý thể hiện đặc sệt. Ngoài bức tranh tường làng chài Ý, phía trên máy hát tự động là bức tường gắn ảnh các buổi hòa nhạc ở quán cà phê, trong đó có bức ảnh chụp Luciano Pavarotti vòng tay ôm Gianfranco và cha ông. Ngoài ra còn có ảnh những người nổi tiếng khác như diễn viên hài Don Novello (người nổi tiếng với vai diễn “Father Guido Sarducci”); Carol Doda (vũ nữ thoát y nổi tiếng ở North Beach, một người bạn của Gianfranco), đạo diễn Francis Ford Coppola, tài tử Vincent Price…

Sinh năm 1944 tại Rovignoi D’Istra nay là một phần của miền Nam Slovenia, Gianfranco là con trai lớn nhất của Giovanni, xuất thân từ một gia đình nghèo ở làng chài Trieste, Ý. Giovanni theo nghiệp cha, làm ngư dân từ năm sáu tuổi. Năm 1951, khi lên bảy, gia đình ông chuyển đến San Francisco. Fabio nhớ lại: “Chúng tôi từ Ý đến với hai bàn tay trắng và nhanh chóng làm việc để xây dựng Giấc mơ Mỹ”. Năm 1953, Giovanni và một đối tác thuê một cửa hàng cũ và mở quán Caffè Trieste. Phần còn lại là lịch sử.

Để hiểu đầy đủ về vị trí của Caffè Trieste trong văn hóa cà phê của San Francisco, cũng cần hiểu qua lịch sử của cà phê ở Mỹ. Cà phê đã ngoạn mục vượt qua trà để trở thành đồ uống nóng thống trị trong văn hóa Mỹ. Sự nổi lên của cà phê hòa tan vào thập niên 1950 được coi là “làn sóng thứ nhất” trong “văn hóa cà phê Mỹ”. Đó là những hạt cà phê xay sẵn bán trong các hộp kín hút chân không, uống để tỉnh táo nhưng không có bất kỳ đặc tính hay sắc thái nào. “Làn sóng thứ hai” trùng hợp với sự nổi lên của Starbucks vào đầu thập niên 1970. Dù nhiều quán cà phê (gồm cả Caffè Trieste) đã bán cà phê espresso quy mô nhỏ trong nhiều năm, nhưng Starbucks mới mang thức uống cổ điển Ý này đến với đại chúng. Tuy nhiên, phải nói rằng Caffè Trieste đã đi tiên phong trong quá trình phát triển ngành cà phê ở Mỹ từ ngày mở cửa năm 1956, trước Starbucks 15 năm (1971).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: