Ba năm trước đây, một lần du lịch Washington D.C đúng một tuần trước đêm vui toàn cầu Giáng sinh, tôi đã tự thưởng cho mình “cuộc du ngoạn vượt không gian và thời gian” khi tham quan rất nhiều hang đá trong hầm đá của Vương cung thánh đường quốc gia Washington (Washington National Cathedral).
Bao năm qua, lời ca khúc trứ danh “Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa ra tưng bừng…” mãi vang vọng trong đêm Giáng sinh mừng Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng tổ ấm dành cho Chúa Hài đồng mãi mãi vẫn chỉ là một hang đá ở vùng đất xa xôi nào đó bên Palestine cách nay hơn 2000 năm.
So về tầm mức quan trọng trong lịch sử Kytô giáo, về kích cỡ bề thế và về nghệ thuật kiến trúc với hai tòa tháp vươn cao ở hai bên góc thì ngôi giáo đường Washington National Cathedral không thể nào bằng những Đền thờ Thánh Phê-rô ở Rome; Nhà thờ Đức bà Paris ở Paris; Nhà thờ Thánh gia thất (Sagrada Familia) xây mãi chưa xong ở Barcelona…
Thế nhưng nó cũng là một ngôi thánh đường đáng nể, lớn hạng thứ sáu trong toàn bộ công trình nhà thờ Kytô giáo toàn thế giới và lớn thứ nhì ở Mỹ với không gian chính bên trong có thể chứa 4,000 tín hữu. Và thời gian xây dựng cũng chẳng phải vài ba năm đã xong. Khởi công năm 1907 dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt và mãi 83 năm sau mới hoàn tất, khi ông George H. W. Bush là nhân vật số một trong Tòa Bạch Ốc.
Sau khi hoàn tất, được đưa vào làm nơi tôn kính Thiên Chúa, ngôi giáo đường có tên chính thức là Vương cung thánh đường Nhà thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô (Cathedral Church of St. Peter and St.Paul) nhưng không hoàn toàn theo đức tin Công giáo La Mã, cũng chẳng thuộc một giáo phái Tin Lành nào hay trực thuộc Anh giáo (Anglicanism) mà là một nhà thờ Tân giáo (tạm dịch từ Episcopal Church), với vai trò là ngôi nhà nguyện cầu của mọi người dân đồng thời là một ngôi nhà tâm linh của toàn quốc gia Mỹ.
Vì thế khách tham quan không nên ngỡ ngàng khi thấy xen giữa những bức tượng chạm rất đẹp, uy nghi mô tả các nhân vật quan trọng được nhắc đến trong Kinh Thánh ra còn có những không gian, tượng, vật dụng, nghệ phẩm nhắc nhớ đến những nhân vật nổi danh trong chiều dài lịch sử của nước Mỹ, từ Tổng thống George Washington qua Tổng thống Abraham Liconln đến Tổng thống Woodrow Wilson…; và cũng không thiếu mục sư Martin Luther King Jr.
Xét về mặt kiến trúc tổng thể và trang trí, thiết kế nội thất thì đây hoàn toàn là một giáo đường xây dựng đúng kiểu Gô-tích truyền thống Kytô giáo La Mã, theo hình cây thập giá với điểm đặc biệt là có đến hai thanh ngang. Những khối đá vôi to đen tạo nên sự vững chắc cho nhà thờ. Bên trong lòng nhà thờ, ánh sáng lan tỏa qua những khung cửa sổ tròn khảm kính màu gợi nhớ các tuyệt tác ở Rome, Paris, Zurich…
Và như rất nhiều ngôi thánh đường to lớn bên châu Âu, Washington National Cathedral cũng có một cái “crypt” (hầm mộ) rất đáng cho bạn lạc vào tìm hiểu. Dọ dẫm vài chục bậc thang dẫn sâu vào lòng đất, bước đi trong những hành lang hẹp, không khí mùa Đông lùa vào lạnh ngắt khiến bạn cảm như mình đang sống đúng những cảnh gay cấn trong các phim chuyển thể từ tiểu thuyết bán chạy Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) và Thiên thần và ác quỷ (Angels and Demons) của Dan Brown.
Rải rác trong những không gian khác nhau là vài ba ngôi mộ kiến trúc rất đẹp. Đúng mùa Giáng sinh, trong khu hầm mộ có một khoảng rộng sáng rực với rất nhiều kiểu “hang đá Bê-Lem” (nativity creche). Đây là bộ sưu tập quý giá, khoảng 700 cái, bao gồm collection riêng của bà Beula Sommer. Bà đã bỏ công sưu tầm suốt 40 năm, được 600 cái, rồi tặng cho nhà thờ vào năm 1998.
Và có cả những hang đá được cộng đồng tín hữu ở các nước trên thế giới gửi đến như quà đặc biệt mùa đón chờ Chúa giáng thế. Mỗi dân tộc với phong tục tập quán, lối sống, trang phục, thực phẩm, cảnh quan… riêng nhau đều được thể hiện rõ trên những mô hình nho nhỏ, xinh xắn diễn tả cảnh Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ và được bao quanh, săn sóc, bảo vệ, tôn kính bởi Thánh Yuse, Đức Bà Maria, ba vị chiêm tinh (quen gọi là Ba Vua) từ xa tìm đến dâng kính lên Chúa, nào là nhũ hương, mộc dược và vàng. Không thiếu mục đồng, cừu.
Tùy địa phương có sẵn vật liệu gì, hang đá sẽ được thể hiện đúng kiểu “địa phương”. Có cái rất cầu kỳ, hoa mỹ; có cái đơn sơ dễ thương. Cho nên khách tham quan dễ dàng nhận biết các hang đã xuất phát từ Ấn Độ, Congo, Hà Lan, Nhật, Trung Hoa, Kenya… Nhưng nổi nhất có lẽ là bộ hơn 100 tượng nhỏ có nguồn gốc từ Provence, miền Nam nước Pháp. Đó là “hang đá” độc đáo nhất với các tượng bằng đất sét nung và rồi được sơn phết lên…; nhìn rất quen thuộc với cách trưng bài cây thông và hang đá Noel của tín hữu Việt Nam một thời chưa xa lắm.
Trước muôn vàn hang đá lấp lánh ấy, bạn lại nhớ đến lời bài ca Giáng sinh nổi tiếng: “Trong hang Bê-lem ánh sáng tỏa ra tưng bừng, nghe trên không trung, tiếng hát Thiên thần vang lừng!”…