Sau hai năm đầy thử thách và khó khăn vì đại dịch lan tràn, nhiều máy bay của rất nhiều hãng phải bất động trong các sân đỗ, ven đường băng, thậm chí trong sa mạc, nay ngành vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đang dần hồi phục. Ở bầu trời châu Á, Singapore Airlines mạnh mẽ tiên phong khôi phục mạng lưới đường bay và đang sẵn sàng chương trình tái tuyển dụng nhân sự phi hành!
Bây giờ, đầu năm mới 2022, dù bạn ở Bắc Mỹ (Vancouver, Seattle, Los Angeles hay tận New York City bên Bờ Đông), hoặc ở Paris, Melbourne, Sydney… đều có thể lên máy bay của Singapore Airlines (ký hiệu SQ) để về Việt Nam. Trong số hãng hàng không quốc tế tái khôi phục các chuyến bay thương mại đến và đi từ Việt Nam, hiện chỉ có SQ là có tần suất bay cao nhất. Gần cuối Tháng Một 2022, ông Mark Lee, Tổng điều hành Singapore Airlines tại thị trường Việt Nam, cho biết hãng SQ bắt đầu khai thác lại năm chuyến/tuần Singapore-Sài Gòn và ba chuyến/tuần Singapore-Hà Nội, bằng hai loại máy bay chở khách tốt nhất hiện nay là Airbus 350-900 và Boeing 787-10.
SINGAPORE AIRLINES, HẠNG NHẤT VỀ TIẾP VIÊN PHI HÀNH
Đã ba lần tham quan cơ sở huấn luyện, đào tạo tiếp viên của Singapore Airlines, trong phức hợp rộng lớn gần Phi trường quốc tế Changi, tôi không ngạc nhiên khi mỗi năm lại biết tin hãng hàng không này lại có thêm nhiều vinh danh, đoạt nhiều giải của các tổ chức chuyên ngành vận chuyển hàng không, chẳng hạn như bốn lần đoạt giải Skytrax Hàng không của Năm (Airline of the Year – các năm 2004, 2007, 2008, 2018); Tiếp viên xuất sắc nhất (best cabin crew)…
Mới hồi năm 2021, tổ chức đánh giá hàng không Skytrax cũng đã trao cho Singapore Airlines các giải Hãng Hàng không xuất sắc nhất châu Á; Tiếp viên phi hành xuất sắc nhất; Hạng nhất trong các hãng xuất sắc thế giới; Ghế Hạng nhất xuất sắc nhất thế giới và Phục vụ ăn uống hạng Phổ thông xuất sắc nhất. “Singapore Girl” nổi tiếng đến mức một tượng sáp về họ đã có mặt trong Viện bảo tàng Madame Tussaud’s ở London từ năm 1994.
Trong không gian rộng lớn của cơ sở huấn luyện của Singpapore Airlines (SIA) gần Phi trường quốc tế Changi, một nữ giám đốc giải thích cho chúng tôi vài “bí mật” góp phần làm cho các tiếp viên của hãng hàng không năm sao này trở nên nổi tiếng và được quý mến. Với tên gọi quen thuộc đến mức trở thành “thương hiệu” – “the Singapore Girls” (SG), những tiếp viên Singapore Airlines có đồng phục (từ giữa thập niên 1970 đến nay) là chiếc áo váy dài Kebaya, do nhà thiết kế thời trang Pháp Pierre Balmain vẽ kiểu năm 1968. Màu áo của các kebaya phân định thứ bậc thâm niên và kinh nghiệm bay của từng cô SG. Màu xanh dương là tiếp viên thường làm việc ở khu vực vé phổ thông nhưng cũng có thể phụ trách khu vực thương gia nếu có thâm niên 18 tháng trở lên; màu xanh lá cây là trưởng một nhóm; màu đỏ là sếp nhóm tiếp viên khu vực thương gia; và màu tím là sếp phi đoàn tiếp viên trên máy bay.
Một chi tiết đáng kể ít người biết là chất liệu để may kebaya là loại vải đặc biệt không thấm nước, để có thể tiện dùng trong trường hợp tiếp viên phải bơi trong biển cứu hành khách thoát nhanh khỏi máy bay bị nạn. Có thể bạn thắc mắc rằng thiết kế váy dài đến gần cổ chân khiến khó xoay trở thì làm sao các SG có thể giúp hành khách thoát hiểm nhanh? Thực ra váy kebaya có một đường cắt ở giữa phía trước, và người mặc có thể nhanh chóng tách váy, xắn ngắn lên, cài thắt nút và trong tích tắc biến nó thành chiếc quần “short”.
Cao, thanh mảnh, bước thoăn thoắt nhưng nhẹ nhàng, các cô tiếp viên SG cũng phải có sức mạnh để khi cần thì đẩy được cánh cửa thoát hiểm khẩn cấp nặng không dưới 28kg! Rồi còn phải biết bơi và có sức bền để bơi được an toàn ít nhất 50m… Các cô còn rèn trí nhớ tốt để biết sử dụng chính xác loại thuốc cấp cứu và thiết bị cứu nạn khẩn cấp có sẵn trên các xuồng cấp cứu.
Trong chuyến bay êm, các SG luôn có nụ cười trên môi, tóc được búi tó phía sau thật gọn, không được có sợi nào lòa xòa trước trán… Và để có khuôn mặt rạng rỡ sau nhiều giờ bay và nhiều ngày bay trong cabin thiếu độ ẩm, các cô phải biết cách trang điểm thật khéo mà không “vượt rào” quy định của hãng về màu son hoặc màu mascara…. Tất cả điều này đều phải học, thực hành với tư vấn và hướng dẫn từ các chuyên gia về dưỡng da, trang điểm… Ngoài ra, có thể kể thêm một số quy định chung: Tiếp viên nam luôn cạo râu sạch sẽ; móng tay của tất cả tiếp viên nam-nữ không được dài quá 2 mm; tóc phải được cắt mỗi ba tuần; tóc nữ chỉ được phép để theo năm kiểu: The Pixie (ngắn gọn, ép sát đầu), the Bob (ngắn), the Bun (búi), the French Twist (búi lọn); và the French Plait (bím). Không tiếp viên nào được phép ngồi ăn hoặc uống nơi công cộng khi đang mặc đồng phục hãng bay…
Trong thời gian 14 tuần được huấn luyện trở thành Singapore Girl, các cô còn được học biết về các loại vang, Champagne, các loại ly sử dụng phù hợp với từng loại vang, từng loại rượu mạnh như whisky, cognac. Cũng không thiếu hướng dẫn về cách cầm chai Champagne để khi rót ra ly, khách có thể đọc được rõ nhãn chai Champagne hảo hạng ấy, từ Charles Heidsieck đến Krug. Và cứ sau mỗi hai năm, các SG lại trở vào trung tâm thực tập lại những bài học tưởng chừng đã thuộc lòng.