Đo lường tình yêu – sứ mạng bất khả thi!

Minh họa: Unsplash
Share:

Với không ít người, cái gọi là “ngôn ngữ tình yêu” chỉ là những lời nói hoặc hành vi sáo rỗng chẳng mảy may có ý nghĩa. Nhưng với nhiều người khác, đặc biệt giới nữ, yêu là phải thể hiện bằng ngôn ngữ đặc biệt của nó. Và với giới nghiên cứu, có rất ít “bằng chứng” cho thấy ngôn ngữ tình yêu tồn tại!

Minh họa: Unsplash

Ngôn ngữ tình yêu (love languages) – khái niệm được đặt ra bởi mục sư Baptist Gary Chapman hơn 30 năm trước – đã và vẫn đang gây bão tranh cãi trên khắp thế giới. Đó là chủ đề thường được đề cập khi các cặp tình nhân “đi đến” (“go to”) trong những buổi hẹn hò đầu tiên; và đối với những người đang yêu hoặc “đang tìm hiểu”. Ngôn ngữ tình yêu được cho là giúp mang lại những hiểu biết sâu sắc, có ý nghĩa và đáng tin cậy về cách thức mà các mối quan hệ duy trì. Đưa ngôn ngữ tình yêu vào hành động cụ thể được cho là làm tăng hạnh phúc cho mối quan hệ. Khái niệm rõ ràng là có sức hấp dẫn.

Theo ghi nhận mới nhất, quyển sách năm 1992 của Gary Chapman – The Five Love Languages: The Secret to Love that Lasts – đã được bán khắp thế giới với 20 triệu bản và được dịch ra 49 thứ tiếng.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, theo Gery Karantzas, Phó Giáo sư về Tâm lý Xã hội/Khoa học về Các mối quan hệ tại Đại học Deakin, có rất ít bằng chứng cho thấy ngôn ngữ tình yêu là “một thứ gì đó”, hoặc nhờ ngôn ngữ tình yêu mà các mối quan hệ tình cảm được cải thiện hay trở nên tốt đẹp hơn lên.

Với Gary Chapman, thế giới tình yêu có năm ngôn ngữ mà mỗi ngôn ngữ tình yêu đều đóng vai trò xúc tác mang tình yêu đến cho nhau. Mặn nồng hơn, lãng mạn hơn, thú vị hơn… Với vai trò mục sư Baptist, trong nhiều năm, Gary Chapman đã tư vấn cho nhiều cặp và chính nhờ những quan sát của ông mà ý tưởng về ngôn ngữ tình yêu ra đời. Ông tin rằng ngôn ngữ tình yêu là một cách trực quan và đơn giản để giúp các cặp tình nhân điều chỉnh sự thể hiện tình yêu của họ sao cho hoa tình của họ nở rộ. Không chỉ tư vấn riêng lẻ, ông còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo dành cho các cặp vợ chồng. Thế cho nên, tên tuổi Gary Chapman nổi như cồn…

Minh họa: Unsplash

Năm ngôn ngữ tình yêu, theo Gary Chapman, là:

-Hành động cụ thể (“Acts of service” – yêu thì không nói suông; phải làm gì đó để cho “người ta” thấy)

-“Đụng chạm” trực tiếp (“Physical touch” – thể hiện tình yêu bằng vuốt ve, ôm ấp, hôn môi, vuốt tóc…)

-Thời gian (“Quality time” – yêu thì phải dành thời gian cho nhau và dành cho nhau sự quan tâm trọn vẹn)

-Tặng quà (“Gifts” – yêu phải tặng quà và quà tặng phải thể hiện “tấm lòng”, sự chu đáo, nỗ lực và/hoặc giá trị món quà)

-Nói sao cho mát tai (“Words of affirmation” – yêu là phải tán tỉnh, phải khen nhau, bày tỏ sự thích thú thứ gì đó liên quan người tình…).

Chapman khuyên mọi người nên sử dụng “trọn bộ” năm ngôn ngữ tình yêu nhưng trong thực tế, hầu hết mọi người có xu hướng dùng chủ yếu một ngôn ngữ tình yêu. Theo quan sát Chapman, người ta hài lòng và thấy hạnh phúc hơn trong mối quan hệ khi hai bên cảm thấy phù hợp với loại ngôn ngữ tình yêu chung của họ; và tất nhiên ít hài lòng hơn khi hai bên không chia sẻ cùng một ngôn ngữ tình yêu. Có nghĩa, nếu em thích loại ngôn ngữ một; trong khi anh chỉ khoái loại ngôn ngữ hai – đại loại vậy – thì cuộc tình này nên chia tay từ đây.

Một khía cạnh quan trọng khác của khái niệm ngôn ngữ tình yêu là các mối quan hệ có khả năng mang lại sự thỏa mãn lớn nhất khi một người có thể hiểu ngôn ngữ tình yêu của đối tượng và hành động theo cách “nói chuyện” (“speaks to”) với ngôn ngữ của đối tượng. Về bản chất, đó chẳng qua là điều chỉnh những gì mà đối tượng mình muốn. Nói cách khác, đáp ứng nhu cầu và những mong muốn khiến một người cảm thấy được thấu hiểu, đánh giá cao và được quan tâm thì dễ dàng mang lại tình yêu cho nhau.

Minh họa: Unsplash

Tuy nhiên, xét theo góc độ khoa học, bất chấp sự phổ biến của lý thuyết ngôn ngữ tình yêu, chỉ có một số nghiên cứu được thực hiện và ghi nhận trong 30 năm qua, mà phần lớn những nghiên cứu này lại chẳng có kết luận cụ thể gì cả, chẳng soi rọi ánh sáng gì cả, mặc dù nhiều nghiên cứu nghiêng về phía phủ nhận lý thuyết ngôn ngữ tình yêu hơn là tán thành.

Hẳn không ít người biết đến Love Language QuizTM. Đó là bảng câu hỏi trực tuyến mà mọi người theo đó trả lời để tự tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của mình. Dù đến nay có hàng triệu người đã mò vào tham khảo Love Language QuizTM (theo 5lovelanguages.com) nhưng đến nay vẫn không có công trình tổng kết ghi nhận nào được ấn hành để chứng minh độ tin cậy và giá trị của thước đo tình yêu trên.

Một số nhà nghiên cứu phát triển phiên bản khảo sát ngôn ngữ tình yêu riêng, nhưng những gì người ta phát hiện cũng không đáp ứng yêu cầu ngưỡng thống kê để có thể cho thấy cuộc khảo sát chứa “đủ bộ” năm ngôn ngữ tình yêu của Gary Chapman. Thậm chí những khảo sát này không ủng hộ ý kiến cho rằng trên đời này có năm ngôn ngữ tình yêu. Một nghiên cứu định tính lại cho thấy có thể có sáu ngôn ngữ tình yêu.

Về lý thuyết cho rằng những cặp tình nhân hoặc vợ chồng có ngôn ngữ tình yêu “ăn khớp” sẽ dễ có hạnh phúc với nhau hơn những cặp không có – nói theo kiểu dễ hiểu phổ biến là “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” – trong thực tế, bằng chứng cũng không thật sự rõ ràng. Dù vậy, một nghiên cứu gần đây cho biết, những cặp có ngôn ngữ tình yêu phù hợp sẽ đạt được mối quan hệ tốt và có được sự thỏa mãn tình dục cao hơn so với những cặp có ngôn ngữ tình yêu trật chìa trật khớp.

Cuối cùng, điều có thể kết luận là, vấn đề này thuộc về tâm lý con người mà tâm lý thì không “đo” được, không “định lượng” được, khó  “định tính” được. Tâm lý của một người có khi hôm nay khác ngày mai, huống hồ tâm lý tình yêu chung chung. Nội việc như thế là “hiểu nhau”, hiểu bao nhiêu, hiểu mức độ nào… đã có thể khiến thiên hạ cãi nhau từ sáng đến tối, từ hôm nay đến ngày mai, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: