“Em đẹp em có quyền”

Minh họa: icons8-team-unsplash

Các nghiên cứu đã phát hiện ra một sự thật “không thể chối cãi” là những người hấp dẫn hơn về nhan sắc và ngoại hình thường nhận được nhiều sự yêu thương hơn từ cha mẹ, đạt điểm cao hơn ở trường, kiếm được nhiều tiền hơn trong công việc và hài lòng hơn trong cuộc sống.

“Vẻ đẹp cá nhân là một lời tự giới thiệu mạnh mẽ hơn bất kỳ bài giới thiệu hoa mỹ nào”

Một nghiên cứu mới công bố trên tờ Journal of Economics and Business cho thấy các giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng có ngoại hình ưa nhìn thường nhận được bình quân hơn $1 triệu trong tổng số thu nhập hàng năm so với các đồng nghiệp kém hấp dẫn hơn.

“Ngoại hình đẹp thực sự được đền đáp” – các tác giả nghiên cứu kết luận. Một nghiên cứu khác của viện Shanghai Advanced Institute of Finance cũng phát hiện tương tự: Các nhà quản lý duyên dáng của các quỹ tương hỗ (mutual fund) thu hút được nhiều khoản đầu tư hơn và được dễ được đề bạt hơn so với các đối tác kém duyên của họ, ngay cả khi quỹ không hoạt động tốt. “Khoảng cách này có thể là do các nhà quản lý duyên dáng tự tin hơn trong công việc của mình hoặc được gây ấn tượng với khách hàng hơn” – nghiên cứu kết luận, dẫn lại từ Wall Street Journal.

Dù chúng ta thường nói “trở thành u mê trước cái đẹp chỉ có ở kẻ si tình”, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều thích làn da mịn, mái tóc dày bóng mượt và thân hình cân đối, cũng như chiều cao của nam giới và đường cong của phụ nữ. Nói cách khác, chẳng ai không thích ngắm nhìn cái đẹp cả. Ai trong chúng ta cũng say mê sự trẻ trung, sức khỏe tốt và khả năng sinh sản. Nhiều nhà khoa học cho rằng xu hướng thiện cảm hơn với những người hấp dẫn là do một thứ gọi là “hiệu ứng hào quang” (halo effect) gây choáng ngợp. Triết gia Aristotle nhận xét: “Vẻ đẹp cá nhân là một lời tự giới thiệu mạnh mẽ hơn bất kỳ bài giới thiệu hoa mỹ nào”.

Chúng ta thường xem ngoại hình đẹp là dấu hiệu của trí thông minh, đáng tin cậy và tính cách tốt, còn sự xấu xí có khi không chỉ thể hiện ở bề ngoài mà còn “lậm” cả vào trong, trong một số trường hợp. Một nghiên cứu năm 2019 trên toàn nước Mỹ được công bố trên tạp chí Psychiatry, Psychology and Law thậm chí còn nhận thấy, “những người hấp dẫn ít có khả năng bị bắt hoặc bị kết án, dù có phạm tội nhẹ”.

Tuy nhiên, có thật những người đẹp có nhiều kỹ năng tốt hơn hoặc tốt bụng hơn? Xijing Wang, nhà tâm lý học xã hội tại đại học City University of Hong Kong và các cộng sự đã cố trả lời câu hỏi này trong một bộ năm thí nghiệm với hơn 1,300 người tham gia ở Mỹ và Trung Quốc. Kết quả được xuất bản trên tạp chí Evolution and Human Behavior vào Tháng Mười Một 2022.

Minh họa: mandy-zhang-unsplash

Sau khi cho mọi người tiền, vé xổ số và yêu cầu họ chia sẻ với người khác, Wang nhận thấy những người đánh giá cao ngoại hình của họ có nhiều khả năng giữ lại nhiều hơn cho riêng mình. Những người cảm thấy mình hấp dẫn hơn cũng đồng ý rằng “Tôi đòi hỏi nhiều hơn vì tôi xứng đáng” hoặc “Tôi thấy mình có quyền được hưởng nhiều thứ hơn”. Wang giải thích: “Nhờ sức thu hút có sẵn nên những người hấp dẫn tin rằng họ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn người khác”. Tuy nhiên, cảm giác “tự cho mình quyền” chỉ rõ ràng khi những người tham gia thí nghiệm biết chắc hành động và phản hồi của họ không có ai biết. Còn khi những lựa chọn của họ bị người khác biết, họ sẽ cố che giấu tính ích kỷ.

“Nói cách khác, do lo ngại về hình ảnh hoặc danh tiếng bị hoen ố, những người hấp dẫn không muốn mọi người đánh giá mình là kẻ hám lợi!” – Wang giải thích. Phát hiện của bà đã củng cố các nghiên cứu khác cho thấy những người hấp dẫn về ngoại hình thường tự cho mình quyền được “phục vụ bản thân”.

Một bài báo năm 2014 trên tạp chí Organizational Behavior and Human Decision Processes đã phát hiện những nhân viên thấy mình đẹp sẽ tự cho mình quyền lực và địa vị cao hơn những đồng nghiệp bình thường. Và đa số cũng xem sự vượt trội về kinh tế của mình là do sự chăm chỉ và tài năng, dù thực chất là do nhan sắc đem lại. Những người thấy mình hấp dẫn có xu hướng đồng ý hơn với quan điểm: “Những người nổi trội thực sự mang lại lợi ích cho tất cả mọi người’’ hoặc “Những kẻ thất bại là do kém hấp dẫn hơn người khác”.

“Những người trúng ‘xổ số di truyền’ (sinh ra đã đẹp) sẽ nhận được rất nhiều lợi thế, và sự may mắn sẽ ảnh hưởng đến quan điểm của họ về thế giới” – Andrea Fazio, nhà kinh tế tại đại học Tor Vergata University of Rome (Ý), nhận xét.

Minh họa: dmitriy-nushtaev-unsplash

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, người khác sẽ thấy bạn đẹp hơn nếu bạn là người tốt, chứ không hẳn là do bạn có ngoại hình ưa nhìn.

Những phát hiện về lợi thế của “cái đẹp trời cho” phù hợp với một nghiên cứu chuyên sâu về cách mọi người đánh giá về sự may mắn. Cần phải công bằng khi nói rằng, trong khi những người may mắn tin cuộc sống là công bằng và số phận ban thưởng xứng đáng cho họ thì một số người kém may mắn thường đổ cho “lỗi hệ thống” và không có thiên hướng muốn nỗ lực sửa chữa.

Một nghiên cứu năm 2016 đăng trên tờ Journal of Public Economics phát hiện ra những người được giao nhiệm vụ khó trong phòng thí nghiệm có xu hướng đổ lỗi hiệu suất kém cho các yếu tố “khách quan”, chẳng hạn như sự không rõ ràng trong hướng dẫn, trong khi những người được giao nhiệm vụ dễ luôn cho rằng thành công của họ là do nỗ lực cá nhân.

Dù các nghiên cứu về tác động của cái đẹp còn ít, nhưng sẽ là sai lầm khi nói rằng những người đẹp không có lòng tốt bằng người bình thường, hoặc ngược lại. Trong ba cuộc khảo sát lớn tại Mỹ được công bố năm 2020 trên tạp chí Nonprofit and Voluntary Sector Quarterly, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người có bề ngoài hấp dẫn thường hoạt động tình nguyện hoặc quyên góp tiền nhiều hơn người khác một chút. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng nguyên nhân có thể là do những người hấp dẫn có xu hướng có mạng lưới xã hội rộng hơn nên dễ quyên góp hơn. Cũng có thể những người hấp dẫn khao khát được xã hội thừa nhận nên đã thổi phồng về những gì họ cho đi.

Ngoài ra, những người không có “tấm vé vàng di truyền” (genetic golden ticket) nên biết rằng: Hiệu ứng hào quang thật ra cũng dành cho họ. Một số nghiên cứu cho thấy các hành vi tốt thường làm tăng vẻ đẹp và sự thu hút. Ví dụ, một nghiên cứu đăng trên tờ PLOS One số Tháng Hai 2023 phát hiện rằng, “người khác sẽ nhìn thấy bạn hấp dẫn hơn khi họ biết bạn trung thực, tử tế và vị tha. Điều này chứng minh rằng sức hấp dẫn không là ‘đặc sản’ của cái đẹp bề ngoài”. Cái gì đẹp là tốt và cái gì tốt cũng sẽ sớm trở nên đẹp đẽ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: