Hai chữ “C” cám dỗ

Ảnh: Casey Chae/Unsplash

Có những loại thực phẩm, thức uống thơm ngon vang rền thế giới và luôn cùng lúc ồ ạt xuất hiện vào mùa Giáng sinh, chẳng hạn như Chocolate và Champagne. Không biết khi kết hợp hai thứ này cùng lúc thì niềm vui có cao hơn hay không?

CHOCOLATE

Lâu nay, người sành điệu ẩm thực và lại có máu du hành thế gian đều nói rằng chocolate Bỉ là ngon nhất. Nhưng cũng có nhiều người bảo rằng chocolate Thụy Sĩ mới hoàn hảo nhất. Mẫu số chung của những thương hiệu chocolate thơm ngon lừng danh thế giới và bán rất chạy, từ Favargé, Lindt, Nestlé (trước đây là nhãn Cailler) đến Suchard, Teuscher, Tobler… đều là sản xuất ở Thụy Sĩ. Một dấu chứng đảm bảo chất lượng hoàn hảo luôn in trên các hộp là “Swiss Made”. Đất nước rất khiêm tốn về diện tích và dân số này lại là một đất nước sản xuất và xuất khẩu chocolate hàng đầu thế giới và người dân đất nước này cũng thuộc tốp những người tiêu thụ chocolate nhiều nhất thế giới với trung bình 11.6kg đầu người mỗi năm. Một con số không thể tưởng tượng nổi với đại đa số người Việt chúng ta!

Ảnh: Helena Yankovska/Unsplash

Trong khi có nhiều nhãn chocolat Thụy Sĩ được bày bán ở nhiều nước trên thế giới, mặt hàng hiếm khi vắng trong các cửa hàng duty-free ở những sân bay quốc tế khắp mọi nơi thì cũng có vài nhãn bạn chỉ có thể mua được khi đi du lịch Thụy Sĩ. Tọa lạc trong khu phố cổ của thành phố Zurich bên bờ sông Limat là một cửa hàng rất ư là mini nhưng đó là một cửa hàng chocolat nổi tiếng: Max Chocolatier.

Tất cả chocolat bày bán ở đây đều được làm ra bởi ba nghệ nhân, gọi là “chocolatier”. Những hộp chocolat nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng giá bán đến vài chục francs Thụy Sĩ trong cửa hàng này là chuyện bình thường. Hàng năm, cứ vào mùa Mùa Giáng sinh và Phục sinh thì lại xuất hiện đủ kiểu chocolat hình ông già Noel, cây thông, trứng, thỏ… Tha hồ mà ngắm và chọn mua.

Ảnh: Thula Na/Unsplash

Chocolate và Champagne

Người sành ăn uống cũng khẳng định trong vô vàn loại vang sủi của các nước thì chỉ có vang sủi sản xuất tại vùng Champagne bên Pháp là “hảo hảo” nhất. Mà cũng chỉ có những chai vang sủi làm ra tại đây mới được in từ “Champagne” lên chai. Có đến hơn 2,000 loại chai Champagne khác nhau để tùy điều kiện tài chính và khẩu vị mà người tiêu dùng sành điệu chọn mua. Vấn đề là vào mùa Giáng sinh, một câu hỏi vẫn thường xuất hiện: Có ai “dám ăn Trái Cấm Vườn Địa Đàng” không? Nói cách khác là có nên kết hợp cùng lúc khui hai thứ đầy cám dỗ là Champagne và chocolate hay không, dù là chocolate sữa, chocolate đen 70% cocoa hay chocolate có chút cognac, cointrau, whisky bên trong? Hai thứ cám dỗ cộng chung có thể gây sốc mạnh đấy!

Chúng ta biết đến Trái Cấm như một quả táo nhưng trong Sách Sáng Thế của bộ Kinh thánh Cựu ước thì từ “ponum” chỉ có nghĩa là “trái” mà thôi, không có táo chi cả và từ chính xác diễn tả trái táo lại là “malum”. Theo một số văn bản tiếng Slave cho rằng Trái Cấm trên thực tế là quả nho. Trong nhiều nhà thờ có hình ảnh giải thích về cảnh tổ tiên loài người trái lệnh Thiên Chúa nên mắc tội nguyên thủy là một chùm nho – ví dụ những hình ảnh được chạm khắc trong nhà thờ của Vézelay ở Bourgogne, trong Thánh đường Saint-Sernin của Toulouse, trong tu viện Sainte-Geneviève của Paris, tại nhà thờ Girona ở Tây Ban Nha hoặc trong nhà thờ Notre-Dame-du-Port tại Clermont Ferrand (Pháp).

Riêng tại vùng Champagne ở Pháp thì vang sủi bọt còn được gọi là “rượu của quỷ” (le vin du diable) vì làm nổ nút chai liên tục. Mặc dù đã được sử dụng để rửa tội cho vị vua đầu tiên của Pháp là Clovis tại vùng Champagne, có lẽ rượu vang Champagne thật sự là Trái Cấm tượng trưng cho sự thèm muốn mê hoặc mà không đạt được vào thời kỳ này tại Pháp.

Qua đến thế kỷ 17, một tu sĩ dòng Benedict, Dom Pierre Pérignon, ngẫu nhiên khống chế được “rượu của ác quỷ” và được lưu truyền như là người phát minh rượu vang sủi Champagne huyền thoại ngày nay. Đó là giây phút âm thanh nút chai Champagne bật nổ đã thức tỉnh tất cả giác quan chúng ta. Giọt vang được rót ra trong ly pha lê, óng ánh màu vàng, trong vắt và sủi bọt li ti, hương thơm kích thích khứu giác của bạn. Thật ra đó chỉ là lúc khởi đầu của thú thưởng thức Champagne thôi, còn về sau thì càng uống thì càng thấm thía sự tinh tế và sự cân bằng của dòng rượu vang quý phái này.

Ảnh: Thalia Ruiz/Unsplash

Theo truyền thống người Pháp, chúng ta không thể thưởng thức cùng lúc Champagne với chocolate. Vị đắng của chocolate và vị chua của Champagne đối lập với nhau, sự kết hợp với nhau giống như là vớ phải Trái Cấm. Nhưng cần phân biệt Champagne ngày xưa với Champagne ngày nay. Hồi xa xưa, người Pháp “hảo ngọt” hơn nên Champagne có vị ngọt, uống nó khi thưởng thức chocolate không có chi là “trái cấm”. Nhưng rồi theo dòng thời gian, do có những loại thực phẩm xa xỉ và cám dỗ khác và cái ngọt bình thường không còn là nhu cầu bắt buộc nữa, nên Champagne cũng dần bớt ngọt đi rất nhiều, “quan điểm” Trái Cấm xuất hiện là vậy.

Nói thế thôi chứ cũng có ít người cưỡng được khi trước mắt là ly Champagne và đĩa nhỏ đựng các viên chocolate vừa đắng vừa ngọt thật thơm. Cho nên các nhà sản xuất Champagne lẫn chocolat đã tự xoay sở để có sản phẩm hài hòa cho cả hai chữ “C” mà không vi phạm Trái cấm! Nếu bạn chọn một chai Champagne có sử dụng nguồn nho Pinot noir nhiều hơn nho Chardonnay thì việc uống Champagne sẽ càng… đã miệng hơn vì nho Pinot Noir không chua lắm mà lại có hương và vị khá mạnh. Bên cạnh đó, một chai Champagne demi-sec cũng sẽ rất hợp khi dùng marrons glacés (hạt dẻ ngào đường, sy-rô, một loại tráng miệng rất phổ biến ở Pháp và Ý).

Ảnh: Ergita Sela/Unsplash

Ngày nay, việc uống Champagne và dùng chocolate là chuyện có thể, chẳng qua là biết chọn mua chai nào và chocolate nào để không phạm phải Trái Cấm! Ông Philippe Tuấn, một người sành sỏi vang Pháp nay làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố du lịch Chiang Mai, Thái Lan, tâm tình rằng:

“Để có được một sự kết hợp chất lượng, bạn phải lựa chọn sản phẩm tốt, đó là căn bản. Sau đó, mọi thứ phụ thuộc vào hàm lượng cacao của món chocolate. Với chocolate ngọt với 50% cacao thì nên chọn một loại Champagne rosé với hương vị của Pinot noir. Đây là một kết hợp đặc biệt, như mật ngọt của tuần trăng. Nhưng muốn có một hôn nhân hạnh phúc ngọt ngào giữa Champagne và chocolate thì gần như là mơ mộng hão huyền. Trải nghiệm của tôi là như vậy”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: