Hãy làm điều mình thích trước khi về hưu, đừng để quá muộn!

Hãy tận hưởng cuộc sống, làm điều mình thích, đừng chờ! (minh họa: Unsplash)

Nghỉ hưu mà vẫn còn khỏe mạnh để thực hiện những gì chưa làm được khi còn phải vất vả với cơm áo gạo tiền, thì thật là hạnh phúc. Nhưng bạn cũng phải chuẩn bị “kế hoạch B” cho những bất trắc xảy đến với mình hay người bạn đời. Hãy nhớ, không bao giờ quá sớm!

Từ câu chuyện của vợ chồng Yoder

 Một tai nạn bất ngờ trong những ngày đầu nghỉ hưu là một lời nhắc nhở đau đớn: Nghỉ hưu không phải lúc nào cũng dễ dàng như bạn tưởng. Năm đầu tiên nghỉ hưu thường là khó khăn nhất nhưng nó cũng có thể báo hiệu bạn sẽ phải sống thế nào trong những năm tới, cả về tiền bạc, tâm lý và sức khoẻ. Stephen Kreider Yoder, 65 tuổi, biên tập viên lâu năm của tờ Wall Street Journal, đã cùng vợ, Karen Kreider Yoder, 66 tuổi, nghỉ hưu vào năm ngoái.

Trong cuốn sổ ghi chép “Người mới về hưu”, họ ghi lại tất cả những trải nghiệm nghỉ hưu đáng nhớ. Khi được hỏi “Bạn có bao giờ ước mình có thể làm lại hai giây của cuộc đời chưa?”. Karen trả lời là có. Bà kể lại: Tôi đi dạo với Steve trên một vỉa hè ở thủ đô Tunis của đất nước Tunisia vào mùa Xuân năm nay trước khi bay về nước trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau nghỉ hưu và trố mắt nhìn kiến trúc thuộc địa Pháp, những ngôi nhà, những bức tượng, những viên gạch tinh xảo thì bất ngờ, tôi ngã lăn trên mặt đất. Một cơn đau nhói ở cánh tay trái của tôi.

Rõ ràng, tôi đã dùng tay để đỡ cú vấp ngã. Hệ quả là vai tôi bị gãy. Một trách móc lóe lên: Tại sao ta lại nhìn lên trong lúc đi bộ? Tại sao ta không nhấc chân lên cao hơn khi bước? Sau cùng, tai nạn có làm hỏng kế hoạch mùa Hè của chúng tôi? Một giờ sau, trong khi đợi bác sĩ trong phòng khám của bệnh viện Tunis, tôi tự hỏi: Cú ngã có phải là một hồi chuông cảnh tỉnh của tuổi già hay không? Vợ chồng tôi đều đồng ý như thế.

Steve và tôi thỉnh thoảng lại nói chuyện về suy sụp thể chất theo tuổi tác và có lẽ chúng tôi nên chuẩn bị cho kế hoạch dự phòng.

Nhưng cả hai đều gạt những suy nghĩ tiêu cực như thế sang một bên. Bác sĩ đến với những hình ảnh X-quang và xin lỗi công bố chẩn đoán, một vết nứt gần xương cánh tay. Trên máy bay vào sáng hôm sau, tay tôi phải đeo dây nhưng chúng tôi vẫn xem lại kế hoạch du lịch mùa Hè đã định của mình, đặc biệt là hai vợ chồng sẽ đạp xe trên đảo Hokkaido của Nhật Bản, nơi Steve lớn lên.

Về nhà, tôi ngồi nhìn chằm chằm vào tất cả những việc mà với cánh tay băng bó, tôi không thể đụng vào, từ soạn lại những bức ảnh thời thơ ấu của các con, đến chương trình dạy kèm và chơi đùa với một đứa trẻ hàng xóm mới biết đi.

Đến Tháng Sáu, vết gãy đã lành và vật lý trị liệu tốt đẹp. Nhưng bác sĩ điều trị cảnh báo: “Đây chỉ mới là một trục trặc nhỏ trong cuộc sống hưu trí của bà”. Nhỏ nhưng tác động đối với một người hưu trí lại rất lớn. Chúng tôi không còn động lực ngay trong những tháng đầu nghỉ hưu. Không còn được đạp xe chung, không còn một tháng du lịch ở Bắc Phi và một chuyến thăm cha mẹ của Steve ở Iowa. Câu hỏi đầu tiên sau khi hồi phục là chúng tôi có nên thực hiện kế hoạch chuyến đi Hokkaido, hay dời nó sang năm sau, thậm chí huỷ bỏ nó.

Tệ hơn là chúng tôi tự hỏi còn những rủi ro nào khác đang chờ đợi, và liệu chúng tôi có nên giảm bớt tham vọng đi đây đó của mình hoặc thực hiện chúng càng sớm càng tốt trước khi quá già. Steve nói: “Tôi cảm thấy như mình bị lừa trong những năm đầu tiên được hưởng thú an nhàn sau khi đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền để hưởng thụ. Những năm Vàng nghỉ hưu của hai vợ chồng kết thúc quá sớm”.

Sung sướng nhất là không phải lo nghĩ gì về tài chính khi đã về vườn. (minh họa: Unsplash)

Đến những thực tế phải sẵn sàng chấp nhận

Nhiều người về hưu khá lúng túng khi phải đối mặt với những thách thức về thể chất khiến họ không thể làm tất cả những gì họ đã hình dung trong lúc còn làm việc. Chúng ta đều có người thân gặp vấn đề ít nhiều về sức khoẻ. Hai vợ chồng cùng lên kế hoạch cho những năm tháng nghỉ hưu an nhàn để rồi người này phải chăm sóc người kia đến hết đời!

Nhiều người nghỉ hưu thấy cuộc sống bị “đánh cướp” bởi “khủng hoảng sức khỏe” của vợ hay chồng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Có không ít người “vỡ mộng nghỉ hưu” chỉ vì một bi kịch “không mời mà đến” dù họ có tiền và sức khoẻ. Một số người sắp nghỉ hưu phải chịu cái chết bất ngờ của vợ hay chồng. Có lúc, chuẩn bị xong cho cuộc hành trình có đôi, họ hoá thành độc thân chỉ trong thời gian ngắn.

Chúng ta có ba giai đoạn nghỉ hưu: Giai đoạn đầu là những năm còn đi lại bình thường, giai đoạn hai là những năm đi chậm và giai đoạn cuối là những năm không còn đi lại được nữa.

Rob, 69 tuổi ở Ohio đã nghỉ hưu cách nay bốn năm, góp ý về ba giai đoạn.

1.Trước tiên, bạn có năm đến 10 năm thuận lợi để làm những việc định làm khi không còn làm việc, dĩ nhiên là với sức khỏe tốt như hiện có.

2.Sau đó, có khả năng sự cố nào đó sẽ xảy ra với một hoặc cả hai vợ chồng (đau hông, bệnh tim, đau đầu gối, ung thư, mất trí nhớ) khiến khả năng vận động chậm lại và cũng ngại ngần khi phải di chuyển.

3.Qua hai giai đoạn đó, bạn sẽ bước giai đoạn suy giảm mạnh, cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần đều đi xuống gần đáy.

Vì vậy, chúng ta cần tận hưởng từng giai đoạn, lên kế hoạch trước cho giai đoạn tiếp theo và bảo đảm có đủ sự hỗ trợ. Nhưng không phải cứ muốn là được. Phản xạ chậm chạp của tuổi già khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm đảo lộn, thậm chí giết chết kế hoạch hưu trí.

Cứ tiêu tiền đi!

Bà Janice, 76 tuổi, cho biết chẩn đoán bệnh Parkinson của người chồng đã làm thế giới sụp đổ trước mắt, buộc bà phải từ bỏ giấc mơ nghỉ hưu để chăm sóc chồng. Bà kêu gọi những người bạn già hãy đi du lịch ngay bây giờ, chứ đừng chờ đến nghỉ hưu. “Cứ tiêu tiền đi vì sức khỏe có thể không cho phép bạn làm điều đó sau này”.

Một phụ nữ đã bỏ một công việc thu nhập tốt trong 38 năm để dành thời gian còn lại thực hiện những gì mơ ước, thay vì chỉ kiếm tiền. Bà nói: “Không chắc vợ chồng tôi còn bao nhiêu năm để sống. Cả hai chúng tôi đều may mắn có được sức khỏe tốt để hy vọng có thể đi đây đi đó trong nhiều năm nữa.

Cứ lên đường thôi, ngày mai đã có ngày mai lo. (minh họa: Simon English/Unsplash)

Ví dụ, khoác ba lô bắt xe buýt đến nơi nào đó và có một chuyến đi xuyên quốc gia bằng xe đạp. Khi không đi du lịch, chúng tôi sẽ làm tình nguyện trong các lĩnh vực cần đến sức khỏe và khả năng di chuyển, chẳng hạn như cứu trợ thiên tai và xóa mù chữ cho tù nhân”.

Tuy nhiên, nhìn lại trường hợp Karen sẽ thấy không có kế hoạch nào là an toàn 100% mà cần có “kế hoạch B” dự phòng. Tới đây sẽ xuất hiện lời khuyên trong Kinh thánh: “Đừng lo lắng về ngày mai.”

“Ngày mai để ngày mai lo. Mỗi ngày đã có đủ rắc rối của riêng nó”. Vợ chồng Ed, 87 tuổi và Lib, 96 tuổi ở South Carolina đưa ra lời khuyên: “Hãy đi du lịch khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh. Cuộc sống luôn ném những rào cản vào bạn khi bạn già đi”.

Ken, 78 tuổi, ở Long Island, New York, khuyên: “Hãy tận hưởng thời gian nghỉ hưu và đừng quá lo xa những điều vụn vặt. Tôi đã làm việc quá lâu và vợ tôi nói thế là đủ rồi.” Nhưng thật không may, trước khi Ken nghỉ hưu, vợ ông qua đời vì bệnh ung thư.

Dale và Patty, 72 và 77 tuổi, ở Tennessee kể câu chuyện của họ: “Sau nhiều năm mơ một chuyến du ngoạn 80 ngày trên Vành đai Thái Bình Dương, chúng tôi phải thay đổi kế hoạch nghỉ hưu khi Patty được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ thể Lewy. Nhưng chúng tôi còn chút an ủi là ngôi nhà đã thanh toán hết nợ nần. Thực tế mới và cũng là thách thức của tôi hiện nay là chăm sóc tốt cho vợ. Lời khuyên của tôi là hãy sắp xếp ngôi nhà của bạn ngay từ bây giờ để người già có thể sống an toàn hơn, không bị trơn trượt, vấp ngã. Và càng tránh leo bậc thang càng tốt”.

Người về hưu cũng nên tập lập “ngân sách” cho thời gian, giống như lập ngân sách cho tiền bạc và vạch ra những gì vẫn có thể làm trong những năm bắt đầu đi chậm lại. Ngân sách cho thời gian phải điều chỉnh thường xuyên, đặc biệt nếu một trong hai người đột nhiên cần sự chăm sóc của người kia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: