Mùa lễ hội sắp đến, lại có nhiều dịp để mọi người họp mặt, ăn uống. Nếu bạn phải “chủ xị” một bữa tiệc, trong khi công việc vẫn “đăng đăng đê đê,” làm sao để bớt căng thẳng đây?
Theo các chuyên gia tư vấn về nghi thức xã giao, bạn không phải lo lắng, vì có nhiều cách để tở chức tiệc tùng mà bạn vẫn… khỏe re. Một số “điều phải làm” mà bạn có thể bỏ qua, cùng với các mẹo khác để khiến việc tiếp khách bớt áp lực và thú vị hơn.
-Không cần nấu mọi thứ ở nhà
Thực tế, những người là chủ tiệc giỏi không tự mình làm mọi thứ. Họ thường chỉ làm một, hai “món đặc sản” của mình, còn lại họ đặt món ăn bên ngoài hoặc nhận sự góp phần từ những vị khách đề nghị. Cho nên, nếu khách hỏi họ có thể mang gì đến buổi họp mặt, bạn ngại ngần gì mà không “say yes.”
Lời khuyên là bạn nên đưa ra cho họ các lựa chọn thay vì chỉ định một thứ cụ thể. Ví dụ, bạn có thể hỏi xem họ có muốn mang theo món ăn kèm, món tráng miệng hay đồ uống không. Bạn cũng có thể mua các món khai vị, món chính, món ăn kèm hoặc món tráng miệng làm sẵn từ một cửa hàng, tiệm bánh hoặc nơi bán đồ ăn nhẹ địa phương quen thuộc.
-Dùng chén dĩa ‘xài một lần’
Không còn là điều bắt buộc bạn phải tiếp khách bằng bộ chén dĩa sứ theo bộ. Bạn hoàn toàn có thể dùng các dĩa đựng khác nhau, trong đó có thể là những món quà bạn được tặng. Các chén dĩa đủ loại trên bàn tiệc gợi nên những kỷ niệm và là chủ đề tuyệt vời để bắt đầu cuộc trò chuyện. Nếu bạn sống một mình và không đủ chén dĩa, hãy nhờ khách đem hộ một số thứ mà bạn thiếu. mà nếu thiếu cũng chẳng sao, vì đã có chén dĩa xài một lần, nhẹ nhàng, giản tiện. Chén dĩa không quan trọng. Chính các chuyên gia về xã giao chia sẻ là họ thà dùng bữa dọn bằng chén dĩa giấy với chủ nhà dễ thương, thoải mái hơn là dùng những bộ pha lê lấp lánh, trang trọng mà chủ nhà phải chuẩn bị mất thời gian và sau đó là phải dọn rửa, rồi cất lại.
-Không cần bàn ăn lớn
Không nhất thiết phải là một bàn tiệc mà mọi người được xếp chỗ ngồi cố định khiến bạn phải cần một bàn ăn lớn cho đủ chỗ.
Hãy tổ chức một bữa buffet tự phục vụ. Khách của bạn có thể muốn ngồi hay đứng thoải mái và nói chuyện với những người họ lâu không gặp.
-Nhà bừa bộn tí, có sao đâu!
Một trong những điều gây căng thẳng nhất cho chủ tiệc là phải chuẩn bị cho nhà cửa “như li như lau” trước khi khách tới. Mặc dù việc dọn dẹp trước khi khách đến là một ý tưởng đúng đắn, nhưng bạn sẽ cảm thấy “đuối toàn tập” nếu cố gắng dọn dẹp từng inch trong nhà và không còn sức lực cho việc chuẩn bị món ăn hay tiếp khách nữa. Trước tiên, hãy tập trung vào những khu vực mà khách sẽ dành nhiều thời gian nhất và có khả năng nhìn thấy nhiều nhất. Dọn bớt đồ vật, nhưng tốt hơn hết là nên cọ rửa sạch sẽ nhà vệ sinh dành cho khách.
Nếu bạn thường tổ chức một bữa tiệc và cảm thấy năm nay đã có quá nhiều cuộc họp mặt, bạn có thể nói rằng bạn không thể, miễn là bạn cho mọi người biết trước vài tuần để kịp cho có người khác “lãnh.”
Jodi RR Smith, chủ sở hữu của Mannersmith Etiquette Consulting được thành lập vào năm 1996, chuyên tư vấn, giáo dục và đào tạo các quy tắc, nghi thức ứng xử, kết luận: Ý tưởng rằng có những việc bạn phải làm khi mời khách đến đã lỗi thời. Hãy dành chút thời gian trước khi tổ chức buổi họp mặt tiếp theo và nghĩ về cách bạn muốn nó diễn ra. Bởi vì mặc dù bạn không thể kiểm soát mọi thứ với tư cách là người chủ trì, nhưng bạn có thể kiểm soát rất nhiều những gì xảy ra trong không gian của riêng bạn.
(theo Huffpost)