Một nghiên cứu mới cho thấy chúng ta có thể huấn luyện bộ não của mình để xem trọng nỗ lực (efford) hơn là kết quả đạt được.
Kinh nghiệm cá nhân
Richard Sima, tác giả bài viết trên Washington Post, kể: “Là vận động viên leo núi, tôi luôn phải đấu tranh chống lại lực hấp dẫn trong khi leo lên các bức tường và vói tay bám vào các điểm giữ vững chắc như đá. Nhưng cánh tay của tôi lúc nào cũng mỏi, tay nắm có thể bị tuột vì mồ hôi; và đôi khi, thần kinh của tôi tự hỏi, liệu tôi có nên chọn những vách núi dễ hơn không hay cứ cố làm mấy chuyện khó như thế này.”
Anh cho rằng, cố gắng làm những điều khó khăn là tốt, nhưng nỗ lực về thể chất và tinh thần đôi khi tạo ra cảm giác tồi tệ. “Chúng ta thích tìm kiếm những thách thức mà không cần bất kỳ phần thưởng nào, anh viết tiếp. “Tôi chấp nhận trả hội viên phí hàng tháng để có trải nghiệm trượt và ngã trong phòng tập leo núi. Những người khác còn đi xa hơn. Họ leo lên các ngọn núi thực sự, chạy marathon hoặc thậm chí chạy siêu việt dã. Nhiều người dành thời gian giải trí để luyện tập trí óc trên các câu đố ô chữ, lập chiến lược trong các trò chơi trên bàn hoặc chơi trò chơi điện tử.”
Xu hướng làm những việc khó khăn, dù cảm thấy mệt nhọc, là điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “Nghịch lý Nỗ lực” (Effort Paradox).
Con người thích lười biếng
Bộ não của chúng ta liên tục tiến hành các phân tích giữa phí tổn và lợi ích về các lựa chọn và hành động. Khi chúng ta làm việc chăm chỉ, vỏ não trước nằm gần phía trước não sẽ theo dõi những nỗ lực của chúng ta, và hoạt động thần kinh của nó dường như có liên quan đến cảm giác tồi tệ của sự gắng sức. Những tín hiệu gắng sức sẽ giúp não đánh giá xem có đáng để tiếp tục hay làm điều gì đó dễ hơn không.
Trong lịch sử, khoa học thần kinh nhận thức và kinh tế học hành vi đều tập trung vào khái niệm: Nỗ lực là một việc rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Khi được lựa chọn hai nhiệm vụ liên quan đến nhận thức, mọi người đều thích làm nhiệm vụ dễ dàng hơn và sẵn sàng nhận ít phần thưởng hơn để tránh phải gắng sức nhiều. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta sẵn sàng chấp nhận nỗi đau thể xác để tránh những nhiệm vụ đòi hỏi cao về nhận thức.
Và không chỉ con người thích lười biếng, cái mà các nhà khoa học gọi là “law of least effort” (định luật ít nỗ lực nhất) cũng được áp dụng cả cho động vật. Chuột luôn tránh những phần thử thách thể chất của mê cung và những nhiệm vụ đòi hỏi cao về nhận thức.
Khi bộ não thích thử thách
Nỗ lực về tinh thần cũng tạo ra một số thiệt hại về thể chất và ngược lại, nhưng vẫn được nhiều người vui vẻ chấp nhận. Khi hệ thống thần kinh giao cảm “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight-or-flight) được kích hoạt, đồng tử giãn ra và tim sẽ đập mạnh hơn.
Một lý do rõ ràng để chúng ta nỗ lực là vì thành quả cuối cùng nó mang lại, có thể là cúp vô địch, kỷ lục cá nhân hoặc tiền thưởng cuối năm. Nói chung, trong thế giới thực, bạn càng làm việc chăm chỉ càng nhận được nhiều phần thưởng. Ảnh chụp thần kinh cho thấy ventral striatum, một vùng não đóng vai trò thiết yếu trong việc xử lý kết quả khen thưởng, được kích hoạt mạnh mẽ hơn khi chúng ta đạt được thành công bằng nỗ lực cao hơn.
Nhưng tại sao chúng ta đánh giá cao nỗ lực dù cảm thấy mệt mỏi khi thực hiện nó? Tại sao những người leo núi và những người tìm kiếm cảm giác mạnh ngoài trời khác lại vẫn luôn tìm kiếm niềm vui, ngay cả khi việc gắng sức đã khủng khiếp lắm rồi? Các nhà nghiên cứu cho rằng câu trả lời có thể nằm ở nỗ lực. Họ nhận thấy chính nỗ lực xứng đáng, chứ không phải kết quả, thúc đẩy mọi người tìm kiếm những nhiệm vụ khó khăn hơn sau đó, ngay cả khi họ không nhận được thêm phần thưởng gì.
Học cách tận hưởng
Những nhà nghiên cứu thực hiện các cuộc thí nghiệm. Trong thí nghiệm đầu tiên, 121 người được trang bị điện cực theo dõi hoạt động tim mạch như thước đo vật lý để đánh giá mức độ hoạt động của bộ não đối với một nhiệm vụ trí nhớ tiêu chuẩn. Trong khi nhóm 1 được khen thưởng dựa trên mức độ nỗ lực, nhóm 2 được thưởng một số tiền ngẫu nhiên bất kể nỗ lực ra sao.
Tiếp theo, những người tham gia phải hoàn thành một thử thách nhận thức khác là giải các bài toán và được phép chọn mức độ khó. Họ được thông báo sẽ không được trả tiền cho phần thử nghiệm này. Kết quả cho thấy, dù thiếu phần thưởng, những người tham gia được khen thưởng trước đó cho nỗ lực của họ vẫn quyết định giải các bài toán khó hơn so với những người tham gia nhận được phần thưởng ngẫu nhiên.
Cuộc thử nghiệm thứ hai được thực hiện trực tuyến với gần 1,500 người tham gia cũng cho kết quả tương tự. Nghiên cứu kết luận: “Chúng ta có thể học cách tận hưởng cuộc hành trình, bất kể điểm đến là gì và mọi nỗ lực bản thân sẽ được đền đáp”.
Nghiên cứu mới chỉ là điểm khởi đầu, tìm ra cách dùng trí óc rèn luyện để bản thân chịu nỗ lực nhiều hơn nữa. Nói thế không có nghĩa là bạn phải luôn hoạt động hết công suất trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, vì làm việc quá sức sẽ dẫn đến kiệt sức và chấn thương, không tốt cho sức khỏe. Nhưng nỗ lực vẫn là một kỹ năng hữu ích để bạn đạt được những mục tiêu đầy thách thức mà mình mong muốn.