Khi bạn lên máy bay không cần “boarding pass”

Minh họa: Brianna R./Unsplash

Đại dịch chưa hết và việc giãn cách tiếp tục được áp dụng đang đẩy nhanh sự thay đổi trong thủ tục “check-in” tại loạt phi trường Mỹ. Kỹ thuật nhận dạng mặt bắt đầu được một số hãng hàng không Mỹ áp dụng mạnh.

Nhiều phi trường Mỹ đang được tự động hóa bằng ứng dụng sinh trắc học. Ngày nay gần như chẳng ai lạ gì với sinh trắc học (biometrics), kỹ thuật nhận biết những đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân chẳng hạn dấu vân tay hoặc mống mắt. Tận dụng thời gian gián đoạn do đại dịch, nhiều sân bay, hãng hàng không, công ty công nghệ và các cơ quan chính phủ như Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông (TSA) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã đầu tư nghiên cứu ứng dụng sinh trắc học, đặc biệt công nghệ nhận dạng mặt, với độ chính xác ít nhất 99.5%. Ngay thời điểm này, kỹ thuật sinh trắc học đã được ứng dụng nhiều, từ việc nhận dạng khuôn mặt để mở điện thoại cho đến truy cập ứng dụng ngân hàng.

Trong cuộc khảo sát hành khách năm 2021 công bố gần đây, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết 73% hành khách sẵn sàng chia sẻ dữ liệu sinh trắc học để giúp đơn giản hóa quy trình check-in, tăng từ 46% năm 2019. New York Times (7-12-2021) cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật sinh trắc học tại các phi trường thế giới đang được mở rộng toàn cầu và hành khách có thể cảm nhận rõ điều đó vào năm 2022 – theo Jeff Lennon, Phó chủ tịch chiến lược kinh doanh của Vision-Box, công ty vận hành công nghệ sinh trắc học tại hơn 100 phi trường thế giới, trong đó có Phi trường Quốc tế John F. Kennedy ở New York.

Minh họa: mana5280/Unsplash

Tháng Mười Một 2021, Delta Air Lines đã khởi động chương trình nhận dạng kỹ thuật số cho các thành viên TSA-PreCheck tại Phi trường Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, với công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp thực hiện nhanh mọi thủ tục, từ kiểm tra hành lý, kiểm tra an ninh đến lên máy bay (nội địa). Hành khách sẽ nhận thẻ hành lý và cứ đúng giờ thì xếp hàng vào máy bay, chẳng cần thẻ lên máy bay (boarding pass) nữa. Số ghế sẽ xuất hiện trên màn hình nhận dạng khuôn mặt sau khi quét. Delta đã thử nghiệm công nghệ này từ năm 2018 và có kế hoạch áp dụng cho trung tâm của họ tại Detroit vào cuối năm nay.

Cần biết, hiện chỉ khoảng 44% dân số Hoa Kỳ có passport. Do đó, công ty sinh trắc học SITA đã thử nghiệm một hệ thống vào đầu năm nay cho United Airlines tại Phi trường Quốc tế San Francisco, với việc vừa sử dụng bằng lái xe vừa passport. United Airlines cho biết, thử nghiệm cho kết quả “đẹp như ý”, nhờ tỉ lệ người có “Real ID” ngày càng nhiều. Cần nói thêm, việc dùng “Real ID” để đi máy bay là qui định bắt buộc cho tất cả hành khách nội địa Mỹ từ ngày 3 Tháng Năm 2023.

Nếu như trước đây hành khách thuộc thành viên “Global Entry” đến Phi trường Quốc tế Chicago O’Hare thì phải quét passport và dấu vân tay; bây giờ, họ chỉ cần đến kiosk để được chụp ảnh mặt. Thiết bị sẽ in ra một bản sao trong đó có tên mình cũng như các chi tiết trên passport và như thế là xong. Tất cả chưa đầy một phút. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ứng dụng công nghệ nhận dạng mặt cho thành viên Global Entry từ năm 2018. Trong 76 phi trường và địa điểm thông quan dành cho thành viên Global Entry, 42 phi trường hiện sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt. Nói rộng hơn CBP đang áp dụng công nghệ nhận dạng mặt, gọi là Simplified Arrival, cho những hành khách nhập cảnh Mỹ tại gần 200 phi trường và 12 hải cảng. Họ cũng dùng Simplified Arrival tại Anzalduas International Bridge gần McAllen, Texas.

Theo các nhà cung cấp công nghệ, việc lên máy bay sử dụng sinh trắc học mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Vision-Box, công ty vận hành dịch vụ lên máy bay bằng sinh trắc học tại Phi trường J. F. Kennedy-New York, cho biết kỹ thuật này có thể giúp cho lên máy bay 400 người trong 20 phút, bằng một nửa thời gian so với cách thông thường. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, ba hãng hàng không khổng lồ đã thử nghiệm việc lên máy bay bằng ứng dụng sinh trắc học trên các chuyến bay quốc tế. American Airlines áp dụng sinh trắc học tại bốn cổng, trong đó có Phi trường Ronald Reagan và Chicago O’Hare.

American Airlines đang thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt để vào các phòng chờ Admirals Club tại Phi trường Dallas Fort Worth. Trong khi đó, United Airlines ứng dụng công nghệ sinh trắc học trên các chuyến bay quốc tế rời Hoa Kỳ từ các phi trường Houston, Washington Dulles, San Francisco và Chicago O’Hare. Phát ngôn viên United Airlines cho biết hành khách của hơn 250 chuyến bay đi quốc tế mỗi tuần đã lên máy bay bằng ứng dụng sinh trắc học; và họ có kế hoạch mở rộng thêm tại nhiều phi trường khác vào năm 2022. Phần mình, Delta cho phép hành khách quốc tế lên máy bay không cần boarding pass mà chỉ cần quét mặt, tại tám sân bay, trong đó có Phi trường Minneapolis và Kennedy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: