Cãi cọ nhau về mua sắm, sắp xếp đồ nội thất; nơi treo giấy vệ sinh, máy rửa chén, trật tự muỗng nĩa… là những vấn đề nhỏ nhưng lắm lúc rất đau đầu đối với gần như tất cả cặp vợ chồng…
Cưới và sống chung với người mình yêu là điều tuyệt vời. Bên nhau có nghĩa là luôn có những buổi xem chung trên Netflix một bộ phim cùng yêu thích và không bao giờ sợ phải một mình đối phó với một tình huống nan giải mà không có đồng minh! Nhưng cuộc sống hôn nhân cũng đi kèm nhiều cơn sóng ngầm. Sự khó chịu tăng dần khi cuộc sống chung kéo dài và những tật xấu “mãn tính” của nhau dần lộ diện. Có thể là vợ bạn không có đủ khả năng để gấp gọn chiếc khăn vừa tắm; và chồng bạn có những vụng về, cẩu thả giống như một “đứa trẻ không bao giờ lớn”. Cũng có thể là người này không bao giờ hiểu được sự riêng tư bất khả xâm phạm của người kia khi cái gì cũng xía vào.
Tệ nhất là không có gì bạn làm mà qua mắt được đôi mắt tinh quái của đối phương! Kết quả của tất cả những “thói hư tật xấu” này là xung đột xảy ra trong gia đình, thậm chí dẫn đến những cuộc cãi vã tồi tệ nhất (hoặc lố bịch nhất). Chúng không phải cá biệt mà thường xuyên, đặc biệt là khi có “hơi”… tiền! Nghiêm trọng nhất là xung đột dẫn đến từ “chiến tranh lạnh” đến “chiến tranh nóng” và cảnh chiến sự có thể xảy ra là bát đĩa bay vèo vèo! Đáng nói hơn nữa là đôi khi “nội chiến” bắt đầu từ những điều rất nhỏ nhặt.
The Washington Post đã thuật một số trường hợp, chẳng hạn câu chuyện của Amy Radon và chồng cùng hai đứa con vừa chuyển đến London và cần trang bị đồ đạc cho nơi ở mới của họ. Một chiếc xe tải chở hàng đến và dỡ xuống một thùng gỗ sồi đựng những chai Guinness mà người chồng không nói với vợ nhưng nghĩ rằng nó sẽ là một chiếc “bàn phụ” xinh xắn cạnh chiếc ghế dài trong phòng khách. Nhưng tiếc thay nó rất nặng mùi rượu mốc và mùi sơn mài nên chỉ sau vài ngày đã bốc mùi khắp nhà. Người chồng chuyển nó ra sân sau nhưng người vợ cương quyết muốn “thoát hoàn toàn” khỏi nó. Kết quả là một cuộc cãi vã. Nhưng chưa phải là cuộc cãi vã lớn nhất. Vụ việc gây ồn ào nhất là việc người chồng thường xuyên quên đóng ngăn kéo hay tủ bếp phía trên đầu, dẫn đến rơi đổ đồ đạc khiến người vợ mất nhiều thời gian dọn dẹp.
Bà Kathy Napierala, 62 tuổi, Silver Spring, Maryland cho biết cuộc tranh cãi lớn đầu tiên của bà và người chồng hiện tại liên quan đến việc nên mở hay đóng cánh cửa sổ cao ngang đầu gối trong căn hộ tầng chín của họ tại một chung cư. “Là một người không thích rủi ro vô lý, tôi lo ngại rằng một trong hai chúng tôi có thể vấp ngã và ngã ra ngoài. Nhưng chồng tôi nói lo lắng thế là “tào lao” và cánh cửa nên được mở thường xuyên để tận hưởng gió mát. Dị biệt leo thang nhanh chóng và biến thành lời qua tiếng lại. May mắn là dù cửa sổ có mở hay đóng trong thời gian dài, cả hai chúng tôi vẫn… còn sống! Nhưng cuối cùng tôi đã thắng” – Napierala kể.
Vấn đề của Abbott, 36 tuổi sống ở Washington DC, lại nằm ở món thịt xông khói! Làm thế nào một món ăn tuyệt vời ngọt ngào, giòn tan trong miệng như thế lại có thể gây ra rất nhiều rắc rối? Tất cả bắt nguồn từ nước mỡ chảy ra từ thịt.
“Khi nấu thịt xông khói, tôi thường chắt mỡ cho vào lọ và để dùng lại nếu cần. Nhưng chồng tôi thích để thịt trên… 10 chiếc khăn giấy cho thấm mỡ vào rồi cuộn lại vất vào sọt rác. Một ngày nọ, anh thấy tôi đổ mỡ vào lọ và la toáng lên. Trong đầu tôi nảy ra suy nghĩ: Nếu chúng ta không thể đồng ý về những điều đơn giản như thế, làm sao chúng ta có thể tiến xa trong cuộc sống gia đình và có tương lai nào cho mối quan hệ? Kết quả là một cuộc đại chiến, kết thúc bằng việc tôi lấy lọ mỡ lưu giữ và ném nó vào thùng rác. May mắn là sau đó chúng tôi đã nói chuyện thẳng thắn với nhau, đi đến cốt lõi của vấn đề và tiếp tục tiến về phía trước với mối quan hệ ngày càng bền chặt. Tôi vẫn làm thịt xông khói, và Adam vẫn dọn dẹp theo cách của mình khi anh đứng bếp” – Abbott cười nói.
Còn đối với Lessie Sargent, 46 tuổi sống ở Massachussetts thì cuộc tranh cãi lặp đi lặp lại ồn ào nhất và khó chịu nhất lại liên quan việc… tắt đèn. “Cứ mỗi khi tôi rời căn phòng mình đang làm việc, chồng tôi bước vào tắt hết điện dù biết tôi sẽ quay lại phòng sau đó. Đối với tôi, ánh sáng xung quanh giúp ích cho sức khỏe (đặc biệt là vào những ngày nhiều mây, tối ám) và tôi đã nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần cho đến khi nó nổ ra một cuộc tranh cãi về cùng một vấn đề cũ. Rất mệt mỏi!”.
Bà Catherine, 65 tuổi sống ở Fredericksburg, Virginia lại có một câu chuyện khác cũng khá kịch tính mà nguyên nhân là chén bát. Bà nói: “Hai người, hai bồn rửa và không có máy rửa bát. Cả hai chúng tôi đều làm việc toàn thời gian, thường phải làm thêm giờ và làm ở xa. Không ai trong chúng tôi thích rửa bát đĩa. Vì vậy, công bằng mà nói, bát đĩa của anh ấy để vào một bồn rửa và của tôi ở một bồn rửa khác. Của ai người ấy lo. Hồn ai nấy giữ. Nếu một trong hai chúng tôi không rửa bát đĩa của mình trong nhiều ngày thì không có vấn đề gì nhưng khi bình đựng nước trái cây anh ấy uống đến ly cuối cùng và đặt cái bình vào bồn rửa của tôi thì vấn đề xảy ra. Tôi trả lại và cứ thế, cái bình đi từ bồn rửa này sang bồn rửa khác. Sau nhiều tuần, nấm mốc đen xuất hiện đầy trong bình và thế là chiến tranh bùng nổ”.
Cuộc nội chiến gia đình của Bernard, 68 tuổi sống tại thành phố New York lại đến từ máy rửa bát và ai là người làm vệ sinh nó nhiều hơn (cả hai đều nhận phần về mình) cũng như thời điểm và cách thức nó được dọn sạch. Bà kể lại: “Tôi thực sự bị sốc khi chúng tôi dành cả một buổi để nhà tư vấn đáng tuổi con mình đả thông về một thứ tầm thường như máy rửa bát! Nhưng may mắn là chúng tôi ra về với một thỏa thuận rất công bằng về cách làm cho cả hai hạnh phúc hơn trong tương lai. Nhà tư vấn khuyên: Đừng quá quan tâm đến việc rửa bát để có thêm nhiều thời gian hơn với con cái nhưng nhớ rửa bát cùng nhau khi bọn trẻ đã đi ngủ”.
Cuộc chiến ngôn từ của Megan, 38 tuổi ở Colorado lại khởi nguyên từ máy giặt. Chị kể lại: “Vợ chồng tôi có bất đồng quan trọng nhất về việc nên gọi mảnh vải hình vuông nhỏ mà bạn dùng để giặt khi tắm là gì. Tôi (giống như một người bình thường khác) gọi nó là khăn lau, bởi vì đó là khăn tôi dùng để lau mình! Chồng tôi khăng khăng gọi nó là giẻ lau, chỉ vì nó nhỏ hơn khăn mặt. Đối với tôi, gọi nó là “giẻ lau” gợi lên cảm giác bẩn thỉu. Tôi không muốn dùng giẻ lau khi tắm mà muốn dùng khăn lau! Bất đồng nhỏ này tồn tại đến tận nay!”.
Chuyện nhỏ thành chuyện lớn của Rowan Bienes-Allen, 25 tuổi sống ở New Orleans, là chiếc máy hút bụi. Anh nói: “Vợ tôi gọi máy hút bụi là máy quét nhà và bảo tôi dùng nó quét sàn nhà. Tôi nhắc cô ấy nhiều lần nó là máy hút bụi, và chức năng chỉ là hút bụi chứ không thể quét sàn nhà. Và thế là xảy ra tranh cãi!”. Kaiser 33 tuổi sống ở Salem, Ohio lại có cuộc đụng độ về giấy vệ sinh nên treo ở đâu, trong khi bà Donna A., 60 tuổi sống ở Silver Spring, Maryland, vấn đề nằm ở nắp bồn cầu. “Bồn cầu có nắp là để đóng lại, nhưng bạn trai tôi không chịu đóng nắp bồn cầu. Tôi phản ứng bằng cách tôi chỉ dùng phòng vệ sinh dành cho khách (chứ không phải phòng vệ sinh dành cho gia đình). Và điều này khiến ông ấy nổi điên vì tức” – bà nói.