Làm gì khi công việc nhiều đến mức ‘ối Giời ơi’?

(minh họa: Dmitry Vechorko/Unsplash)

Nếu không muốn kiệt sức và bị đánh giá kết quả đạt được quá tệ, các nhân viên cần lên tiếng khi liên tục nhận công việc nhiều đến mức phải gào lên “Ối Giời ơi!”.

Chị Kathy Trần làm việc trong một văn phòng kinh doanh, không chỉ rành về kỹ năng nghề nghiệp, chị còn có kinh nghiệm giao tế trong thương trường, và giỏi trong việc xử lý giấy tờ, văn bản,… Điều này khiến các “sếp” tin tưởng và giao cho chị nhiều việc quan trọng, bởi có chị thì công việc trở nên trôi chảy. Chỉ được một thời gian dốc sức vào công việc, mới đây chị Kathy luôn trong trạng thái choáng ngợp vì khối lượng công việc quá sức. Cứ về đến nhà, là chị lại gào lên với chồng con: “Ối Giời ơi! Sao mà lắm việc thế không biết!” Nhưng khi vào sở làm, chị lại im thin thít, cắm cúi làm việc, không một tiếng kêu than, vì sợ bị “sếp” đánh giá thấp.

Trường hợp của chị Kathy không phải cá biệt. Rất nhiều nhân viên đều từng ít nhất một lần trải qua cảm giác tương tự. Thay vì cứ nhẫn nại chịu cực, hướng giải quyết phù hợp nhất là trao đổi thẳng thắn với người quản lý, nếu không, mọi thứ sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, tồn đọng và kiệt quệ.

Jenny Devonshire, người sáng lập trang sức khỏe công sở Pause2Perform gợi ý các giải pháp, giúp các nhân viên rơi vào cảnh dồn ứ công việc mà chưa tìm ra lối thoát.

Nói chuyện với đồng nghiệp

Trước khi sắp xếp một cuộc họp hoặc ngồi lại với sếp, bạn nên cân nhắc tham khảo ý kiến vài đồng nghiệp thân quen, có nhiều kinh nghiệm, xem liệu mình có đang thật sự quá tải trong công việc không. “Trong một số trường hợp, nhân viên dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn vì quá căng thẳng khi thường xuyên được giao nhiệm vụ mới, nhưng chưa chắc khối lượng công việc đã nằm ngoài khả năng quán xuyến thực tế của họ. Lúc này, trao đổi với đồng nghiệp sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan, hoặc được hỗ trợ chia nhỏ các phần việc để dễ xoay xở hơn. Tất nhiên, nếu nhận được sự đồng tình, bạn sẽ thêm mạnh dạn khi trình bày vấn đề với người quản lý,” Devonshire nói.

Chuẩn bị nội dung

Trước cuộc gặp, bạn cần biết chắc những gì muốn và cần nói. Thay vì giữ mọi thứ ở dạng suy nghĩ, hãy viết ra giấy, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng hạng mục. Như vậy, quá trình trò chuyện sẽ đi đúng hướng, giúp bạn giao tiếp ngắn gọn, súc tích. Ngoài ra, liệt kê chi tiết các dự án, nhiệm vụ mình phụ trách trong vài tháng gần đây sẽ giúp lý lẽ của chúng ta thêm phần sắc bén.

Trong trường hợp chưa đủ tự tin, bạn có thể thử “tập dợt” với một đồng nghiệp nào trước khi thực sự vào buổi trò chuyện với người quản lý. Theo Devonshire , nói suông chưa bao giờ là cách trình bày tốt, mà hãy cho người quản lý thấy với khối lượng công việc hiện tại, bạn không thể xoay xở tốt chỉ bằng quỹ thời gian đang có. Nếu là quản lý tử tế, họ sẽ nhìn nhận vấn đề và giúp bạn cân bằng việc làm và đời sống riêng.

Trước khi sắp xếp một cuộc họp hoặc ngồi lại với sếp, bạn nên cân nhắc tham khảo ý kiến vài đồng nghiệp thân quen, có nhiều kinh nghiệm, xem liệu mình có đang thật sự quá tải trong công việc không. (minh họa: Unsplash)

Đề nghị giải pháp

Chắc chắn, mọi thứ khó diễn ra đúng y chang với nguyện vọng của bạn đâu, vì vậy, bạn không thể loại trừ trường hợp sếp vẫn yêu cầu bạn hoàn thành mọi thứ, với hỗ trợ duy nhất là linh hoạt hơn về mặt thời gian. Lúc này, bạn hãy đưa ra các đề nghị về cách thực hiện công việc sẽ là phương án tối ưu. Ngoài việc giúp duy trì sự chủ động với phần việc được giao, bạn còn thể hiện được trách nhiệm và thái độ tích cực với tư cách là một nhân viên tận tụy khi chủ động đưa ra hướng giải quyết.

Một số giải pháp tiềm năng được gợi ý như:

Gia hạn deadline: Hãy yêu cầu gia hạn thời gian kết thúc công việc để tập trung vào những dự án thực sự quan trọng hay cần hoàn thành gấp, sau đó mới chuyển sang các đầu việc khác.

Yêu cầu tăng cường nhân lực: Nếu công việc được đẩy nhanh khi bạn có sự yểm trợ bởi nhóm nhân lực tăng cường hoặc sử dụng máy móc, bạn nên đưa ra yêu cầu.

Biết ‘say No”: Đừng ngại từ chối những công việc quá sức hoặc chiếm nhiều thời gian mà bạn đang phải tập trung cho những dự án quan trọng khác. Hãy gợi ý giao việc lại có các đồng nghiệp khác. Điều này không khiến bạn thành người lười biếng, thay vào đó sếp sẽ thấy bạn là người có cái nhìn đúng đắn về năng lực của bản thân. Nhiều người vì sợ làm phật ý đồng nghiệp, cấp trên nên luôn gắng gượng với công việc, dù hiểu rõ mình không đủ sức. Lời khuyên lớn nhất của Devonshire là tập nói “không” để thiết lập các ranh giới rõ ràng hơn trong tương lai.

Nào, bạn có đang trong tình cảnh như chị Kathy không? Nếu có, đừng im lặng, mà hành động ngay đi nhé!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: