Làm phục vụ nhà hàng ở Mỹ, tôi học được điều gì?

Minh họa: Stefan Schauberger/Unsplash

Tôi là dân tỉnh, mà tỉnh cuối cùng của bản đồ Việt Nam. Trong suy nghĩ của nhiều người tôi từng gặp, dân tỉnh chúng tôi chắc đa số làm ruộng, làm rẫy, làm vuông… nôm na là lao động tay chân. Ai mà học lên đại học là bà con chòm xóm ngưỡng mộ, tung hô lắm. Vì họ nghĩ, học đại học xong là ra ngon lành cành đào, được đi làm văn phòng máy lạnh, ngồi gõ phím nhẹ nhàng, tiền lương nhiều và vào đều đều hàng tháng. Chứ nào phải bôn ba đây đó, dãi nắng dầm sương, thức khuya dậy sớm buông hết sức lực để kiếm từng miếng cơm manh áo.

Vậy đấy, nên với những nghề lao động tay chân thì nhiều người nghĩ là thấp kém lắm. Nghề phục vụ là một trong những nghề bị hiểu lầm như vậy. Tôi từng thấy nhiều bạn đang học đại học tìm việc làm thêm ở các nhà hàng, quán xá. Dù lương không cao nhưng cũng đủ giúp các bạn trang trải chi phí sinh hoạt phần nào. Ấy thế mà, vài bạn còn bị gia đình ngăn cản, bảo là nuôi cho lớn để học lên cao, làm ông này bà nọ, tại sao lại đi làm cái nghề “thấp kém” vậy? Các bạn bị bắt ép cắm đầu vào học và không được làm gì cả. Chỉ cần học thôi, mọi thứ khác đã có gia đình lo. Lúc ấy, tôi tự ngẫm nghĩ mà thấy buồn cho các bạn sinh viên đó.

Minh họa: Jay Wennington/Unsplash

Cuộc đời đẩy đưa, tôi có cơ may qua Mỹ định cư. Người ta bảo có hai nghề chính mà hầu như người Việt nào mới qua Mỹ cũng dính vào, không nghề này cũng nghề kia. Một là nails, hai là nhà hàng. Tôi không ngoại lệ. Thời gian đầu qua, tôi suýt đi học nails theo ý của gia đình. Nhưng nghề đã không chọn tôi. Tôi đăng ký học, trường đóng cửa. Tôi ra tiệm bà con làm tiếp tân, cũng có những chuyện không như ý xảy ra để đẩy tôi về hướng khác.

Nails từ chối thì nhà hàng vẫy gọi. Với một đứa con gái chỉ biết học từ nhỏ tới lớn như tôi, việc nhà lúc nào cũng có mẹ lo, thì nghề phục vụ bàn, bưng bê đồ ăn này kia là một điều khá lạ lẫm. Để tự bươn chải, sống được trên đất Mỹ, tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dấn thân, tới đâu thì hay tới đó.

Vốn tiếng Anh của tôi so với mặt bằng chung cũng khá, nên tôi tự tin xin vào làm ở nhà hàng Nhật. Làm được một thời gian ngắn, tôi lại đổi sang nhà hàng khác. Ở mỗi nhà hàng tôi học được rất nhiều điều hay ho mà trường lớp không bao giờ dạy. Tôi gắn bó với nghề nhà hàng cũng khoảng hai năm. Và nhờ hai năm lăn lộn làm phục vụ trong những nơi đó, tôi trở thành một người tự tin hơn và có sự thông cảm sâu hơn với những người làm lao động tay chân trong cuộc sống.

Nghề nhà hàng ở đâu tôi không rõ, nhưng ở Mỹ, thì tiền lương của nhân viên phục vụ phụ thuộc phần lớn vào tip. Nhà hàng vẫn trả lương cho họ, nhưng chỉ ở mức tượng trưng. Nếu như một ngày mà không có tiền tip, tôi cá là người nhân viên phục vụ đó sẽ rất buồn và nản chí vì xem như cả ngày hôm đó, họ gần như là làm không công.

Chính vì phụ thuộc tiền tip, nên chất lượng phục vụ trong nhà hàng ở Mỹ rất được xem trọng. Vì người nhân viên phải làm những điều tốt nhất, mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, để khách tip cho mình được kha khá. Tôi từng chứng kiến những bạn đồng nghiệp tôi đã phải chịu đựng, cố gắng kiềm nén cảm xúc để mỉm cười khi nhận những yêu cầu vô lý từ khách. Nếu như được bầu chọn cho nghề nào cần sự kiên nhẫn tối đa, thì sau nghề bác sĩ, y tá, tôi sẽ bình chọn cho nghề phục vụ nhà hàng.

Vì đã trải qua những nỗi buồn khi mình hết lòng phục vụ mà không được tip xứng đáng, tôi hiểu hơn nỗi lòng của những người nhân viên ở những nhà hàng tôi ghé vào dùng bữa. Dù cho đồ ăn nhà hàng làm không ngon, mà phục vụ tốt thì tôi vẫn cố gắng duy trì mức tip tối thiểu cho người nhân viên ở đó. Vì tôi biết, đồ ăn không ngon không phải lỗi của phục vụ.

Minh họa: Sandra Seitamaa/Unsplash

Với những nhà hàng đông khách, nhân viên phải phục vụ một lúc nhiều bàn là chuyện bình thường. Và vì họ cũng là con người, cũng chỉ có hai tay, hai chân và hai mắt nên họ không thể nào mang đồ ăn ra ngay tức khắc cho cùng lúc nhiều bàn được. Biết điều đó, khi vào những quán ăn đông khách, tôi thường gọi món rõ ràng và gọn nhất có thể, cố gắng gọi một lượt, không chia lắt nhắt nhiều lần. Vì tôi biết, nếu tôi gọi lẻ tẻ, thì tôi sẽ là người phải ngồi đợi lâu để có được thức ăn, để rồi sau đó phàn nàn là phục vụ không tốt. Không! Điều đó tốt nhất là không nên xảy ra.

Tôi từng rất mệt khi nhà hàng đông khách, vừa phải phục vụ nhanh gọn, vừa phải dọn bàn nhanh chóng để đợt khách tiếp có chỗ ngồi. Có nhiều khách ăn xong, làm vương vãi đầy mặt bàn, chén dĩa muỗng mỗi thứ một nơi. Tôi đã phải mất khá nhiều thời gian để dọn dẹp. Và tôi tự hứa rằng, sau này đi ăn, tôi sẽ không để người phục vụ tôi phải bị trường hợp như tôi. Do đó, mỗi khi dùng xong bữa ở nhà hàng, tôi luôn cố gắng gom rác xung quanh bỏ gọn vào một chỗ, chồng dĩa chén lại cho gọn rồi mới rời bàn đi. Khi làm vậy, thì người phục vụ bàn của tôi sẽ dễ dàng và nhanh chóng dọn cái bàn đó. Những người vô sau chờ bàn cũng sẽ được vào ăn sớm hơn. Tất cả đều vui vẻ và thuận lợi, chỉ vì một hành động nhỏ. Tại sao lại không làm nhỉ?

Minh họa: Sam Dan Truong/Unsplash

Mặc ai chê bai và suy nghĩ nghề phục vụ nhà hàng là “thấp kém”, bản thân tôi vẫn rất tự hào vì mình từng trải qua nghề này. Vì nhờ nó, mà tôi trở thành con người như ngày hôm nay. Thời gian làm phục vụ nhà hàng cũng giống như thời gian tôi rèn luyện bản thân, suy nghĩ và góc nhìn. Và nhờ nghề nhà hàng, tôi quen biết được nhiều người, nói chuyện dạn dĩ hơn, giao tiếp tiếng Anh thoải mái hơn, biết cách sống tử tế hơn và lòng bao dung của tôi rộng hơn.

Lần tới đi ăn nhà hàng, bạn hãy tip đúng mức cho người phục vụ, đối đãi với họ thật tử tế. Và tin tôi đi, họ sẽ luôn nhớ bạn và sẽ phục vụ bạn hết mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: