Làm thế nào để phát hiện các trùm lừa?

Câu trả lời là: Có lẽ không, trừ việc bạn có thể biết được một số kỹ thuật mà những kẻ có tài nói dối và lừa đảo sử dụng, khi họ đánh lừa và thu phục lòng tin cậy người khác bằng nghệ thuật mê hoặc thuộc loại “thượng thừa”!

Tháng Mười Một 2015, phóng viên John Tierney của tờ The New York Times nghe một câu chuyện mà bà không thể tin là có thật. Một nhà tư vấn 33 tuổi tên Niall Rice đã “biếu” $718,000, chia làm nhiều lần cho một thầy bói toán tại Manhattan khi bà ta hứa sẽ giúp nối lại tình xưa của anh với cô bạn gái cũ đã chia tay! Làm sao một người kiến thức đầy mình, đủ sức đưa ra lời khuyên cho kẻ khác lại có thể tin vào lời hứa viễn vông này và tự nguyện “cúng nạp” một khoản tiền lớn như vậy?

Minh họa: Max Bender/Unsplash

Ngay cả Niall Rice cũng không thể trả lời câu hỏi mà chỉ biết anh bị hút vào đối tượng “như thỏi nam châm” và tin tưởng tuyệt đối. “Nói rõ hơn là tôi bị rơi vào cái hố và không có chút thắc mắc là “tại sao phải rơi vào đó” và cũng không cảm thấy thôi thúc phải tìm cách thoát ra. Tôi gặp bà ấy nhiều lần và lần nào tôi cũng tin tưởng bà ấy như tin một vị thánh sống đến từ cõi vô hình” – Rice thuật lại với phóng viên The New York Times. Hóa ra, việc bị sa vào “cái bẫy lừa đảo” và tự nguyện làm “một chuyện khó tin” như của chàng trai si tình trên là không hề hiếm. Nhiều người trong chúng ta từng rơi vào cái bẫy như thế, ít nhất vài lần trong đời với mức độ thiệt hại khác nhau.

Hiện tượng “mắc bẫy hàng loạt” đã được bà chuyên gia tâm lý học Maria Konnikova giải thích trong cuốn sách mới The Confidence Game của bà. Theo Konnikova, những kẻ nói dối “có công phu tuyệt đỉnh” đã biết cách khai thác cảm xúc theo cách này hay cách khác. Họ là thiên tài trong lĩnh vực lừa đảo và dối trá mà hậu quả gây ra đôi khi rất nghiêm trọng, thậm chí độc ác dưới góc độ nhân đạo. Mới đây, phóng viên Olga Khazan của tờ The Atlantic đã có cuộc trò chuyện lý thú với bà Konnikova về những “nghệ sĩ nói dối” và “bậc thầy đánh lừa” mà bà từng bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu. Sau đây là trích đoạn cuộc trò chuyện của họ.

Khazan: Trong cuốn sách của mình, bà nêu ra rất nhiều dẫn chứng về những kẻ nói dối và lừa gạt, nhưng trường hợp nào là ấn tượng với bà nhất?

Konnikova: Có rất nhiều vụ nhưng có một trường hợp nổi bật và chính nó đã thôi thúc tôi nghiên cứu sâu hơn về đề tài và hệ thống nó thành sách là trường hợp của Ferdinand Waldo Demara, một “bậc thầy lừa gạt” mà tôi nói đến trong phần đầu cuốn sách. Không chỉ vì ông ta có quá nhiều lớp “vỏ bọc hoàn hảo” (ví dụ là bác sĩ phẫu thuật được đào tạo bài bản) mà khả năng của ông ta thật là phi thường khi có thể đánh lừa cả Hải quân Mỹ giao nguyên một con tàu có đầy người cho ông ta điều khiển! Tuy nhiên, không cần Demara mà ngay cả một người chưa từng tốt nghiệp trung học tôi đã gặp, cũng có thể trở thành bậc thầy lừa đảo, thậm chí thuyết phục một nhà văn viết cho mình một cuốn tự truyện toàn những chi tiết dối trá nhưng giống thật. Chính cuốn tự truyện giả này là “tấm chắn an toàn” cho y lừa gạt người khác.

Bà có đi sâu vào cuộc sống của các trùm lừa và tin những câu chuyện họ cung cấp là thật?

Tôi từng rơi vào hoàn cảnh bị đối tượng mình nghiên cứu hớp hồn, biến mình từ kẻ điều tra thành người đồng cảm, khi buổi tiếp xúc mới đi được nửa đường! Rõ ràng, tôi đã trở thành “nạn nhân” của một thiên tài nói dối. Đứng trước mặt họ, tôi không còn đóng vai kẻ chất vấn mà trở thành “người đồng cảm”. Những câu chuyện giúp đỡ người khác ông ta kể ra quá hay đến nỗi khiến tôi băn khoăn tự hỏi “ông ấy đâu có xấu như thế!”. Từ tự trách mình đến ân hận và nghi ngờ công việc mình đang làm là khoảng cách rất nhỏ. Đến lúc đó tôi mới hiểu rằng mình không nên tiếp xúc với những nghệ sĩ lừa đảo mà chỉ nên tiếp xúc các nạn nhân. Ít ra thì khả năng họ nói dối hay “nói dối tốt đến mức không thể bị phát hiện” là rất thấp.

Các bậc thầy lừa đảo có biết gì về bà khi bà tiếp xúc với họ?

Có nhiều, nhiều đến bất ngờ, nhưng không chỉ những gì họ nói ra mà cả cách họ trình bày vấn đề. Họ biết khá rõ về tôi, thậm chí đến mức chi tiết. Tôi đi phỏng vấn họ nhưng họ biết nhiều về công việc báo chí của tôi hơn tôi tưởng, từ tác phẩm xuất bản đầu tay đến những bài viết trên báo. Rõ ràng, họ thực sự đã tìm hiểu kỹ về tôi trước khi đồng ý gặp tôi.

Sau đó, họ nói tôi là người có “tư cách, sâu sắc” và họ xin lỗi về những việc xấu đã làm. Đại loại họ nói “tôi không muốn làm mất tiền của bà ấy mà chỉ muốn giúp đỡ nhưng không may, chuyện tệ hại xảy ra là ngoài dự đoán”. Họ hối lỗi nhiều đến nỗi trên sổ ghi chép nghiệp vụ, tôi chỉ viết những điều tốt đẹp về họ. Thình lình tôi nhận ra “những bản chất tích cực” trong một kẻ từng làm người khác mất cả trăm ngàn Mỹ kim! Đây thật là một trải nghiệm tệ hại của một nhà điều tra mà tôi không cho phép mình sa đà vào lần nữa. Tôi quên rằng các nghệ sĩ lừa đảo chỉ thật sự hạnh phúc khi đánh lừa được kẻ khác. Họ lừa không từ một ai. Khi mủi lòng trước họ là bạn đã “trao linh hồn cho quỉ”.

Trong sách bà nói rõ, muốn là trùm lừa thành công thì phải có ba yếu tố. Tại sao?

Yếu tố đầu tiên là “ba trong một”: Bị tâm thần ở dạng nào đó, tê liệt cảm xúc và không có sự cảm thông, thương hại. Não của chúng ta khác nhau về quá trính kích thích cảm xúc nhưng chúng ta không chú ý đến nó. Rất khó để người bình thường hiểu được những gì đang xảy ra trong đầu kẻ lừa đảo. Bạn chỉ hiểu khi bạn rơi vào tình huống tâm thần như họ. Lúc đó thì đã muộn.

Yếu tố thứ hai là sự ngạo mạn. Các “bậc thầy lừa đảo” luôn xem cái tôi của họ lớn đến nỗi họ nghĩ là “mình đáng được hưởng cái gì đó tương xứng với đẳng cấp của mình” thay vì lấn cấn trước thiệt hại và thương tổn gậy ra cho người khác. Họ không có bằng Ph.D nhưng luôn tin rằng mình thông minh hơn những Ph.D thực sự! Vì vậy họ rất thoải mái khi nói dối về bằng cấp.

Yếu tố thứ ba là sự xảo quyệt và khả năng dụ dỗ người khác và làm cho nạn nhân tự nguyện tham gia trò lừa đảo của mình. Những người bình thường ít khi gài bẫy kẻ khác để thủ lợi cho bản thân vì trong thâm tâm bao giờ cũng vang lên giọng nói “có tội!” (nếu lỡ gài bẫy rồi thì sự ân hận và hối tiếc sẽ đến sau đó), trong khi đó, các trùm lừa thì không. Họ tận dụng mọi cơ hội để săn mồi. Lý do là họ không có lòng trắc ẩn trong quan hệ người-người. Họ không nghĩ mình đang làm sai mà là “luôn luôn đúng”. Kẻ lừa đảo có tài tạo ra những câu chuyện, tình huống và sự kiện hoàn hảo để thu phục tuyệt đối lòng tin của đối tượng trước khi chiếm đoạt những tiền bạc của họ.

Tại sao chúng ta dễ bị lừa hơn khi bị cô lập và cô đơn?

Dễ tổn thương về cảm xúc là nguyên nhân để chúng ta dễ trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo. Khi chúng ta buồn rầu hay suy sụp, chúng ta dễ bị tổn thương hơn. Thế giới lúc đó “không còn như cũ nữa” và kẻ lừa đảo xuất hiện đúng lúc như một “cứu tinh”. Bạn muốn có các kết nối mới để thoát khỏi tình trạng bế tắc, và trùm lừa là một trong những kẻ cung cấp tốt nhất cho bạn nhu cầu này. Đồng thời họ cũng là những bậc thầy về “tận dụng cơ hội”. Nói vậy để thấy, nếu bạn mất việc làm bạn sẽ không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn dễ bị dụ dỗ về tình cảm.

Chúng ta có thể vạch mặt trùm lừa nhờ những biểu cảm hay “dấu hiệu” tự tố cáo của họ? Tại sao việc phát hiện mình đang bị lừa là một trong những trở ngại lớn nhất của con người?

Theo tôi thì nhận biết được kẻ ngồi trước mặt có lừa mình hay không là điều rất khó. Con người chúng ta không được tiến hoá để làm tốt việc này. Thậm chí con người được lập trình để “dễ tin người khác hơn là nghi ngờ”. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi nghe lời khen dù biết đó là lời nói dối hoặc phần trăm nói dối cao. Khi có ai nói “hôm nay bạn đẹp quá!”, trong thâm tâm chúng ta sẽ thay bằng câu nói “trông bạn quá mệt mỏi như thiếu ngủ đêm qua” nhưng chúng ta vẫn thích nghe “lời dối trá có cánh”.

Trong cuộc đời, có rất nhiều lúc chúng ta cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc với những lời dối trá như thế. Cách tốt nhất để tránh bị lừa là nên theo dõi báo chí và cảnh giác với những phương cách lừa đảo mới mà các nạn nhân đã lên tiếng. Đừng tin vào những hứa hẹn viễn vông và những khoản tiền “trên trời rơi xuống”. Cần nhớ là “không ai cho không bạn cái gì cả”. Tuy nhiên, trên thực tế, bất chấp cả ngàn bài học cảnh giác, các “nghệ sĩ lừa đảo” vẫn có đất dụng võ, dù họ dùng các chiêu thức cũ hay chiêu thức mới để đánh động vào trái tim và lòng tham con người. Bán hàng đa cấp và “huy động vốn Ponzi” là hai ví dụ.

Đối tượng nào dễ bị lừa nhất và phương pháp nào phát hiện kẻ lừa đảo tốt nhất?

Ai cũng có thể bị lừa, và chẳng có phương pháp nào tốt nhất để phát hiện những kẻ lừa đảo. Ngay cả Cơ quan An ninh Vận chuyển Mỹ (TSA) cũng bị bọn lừa qua mặt. Cơ quan này đã bỏ ra hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm để đào tạo đội ngũ nhân viên có khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể. Có vẻ TSA đang tự đánh lừa mình khi tin rằng chúng ta có thể “đọc” được chuyển động hình thể hoặc biểu hiện trên mặt để đoán ra dấu hiệu tội phạm. Nhưng bọn trùm lừa không bao giờ để lộ ra những dấu hiệu như thế!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: