Nghe lỏm đôi khi cũng có lợi!

Minh họa: petr-machacek-unsplash

Nhân viên và sếp có thể học được nhiều thông tin hữu ích của việc nghe lỏm (không dùng thiết bị hay cố tình) từ những cuộc trò chuyện hàng ngày xung quanh họ tại nơi làm viêc.

Nghe lỏm “lành mạnh”

Nhiều công ty đã tận dụng ưu điểm này sau khi khám phá lợi ích của việc nghe lỏm bằng cách bố trí văn phòng sao cho các nhân viên dễ dàng “vô tình” nghe thấy nhau trò chuyện. Nhưng đây cũng là một trong những điều khó khăn nhất khi làm việc tại văn phòng: Phải liên tục lắng nghe những câu chuyện của người khác, đặc biệt là khi họ cố ý nói to cho mình nghe.

Có những cuộc trò chuyện khiến bạn mất tập trung và xao nhãng nhưng đôi khi nó cũng có lợi. Nghe quá nhiều thông tin về cuộc sống hoặc dự án của người khác sẽ gây “bội thực” nếu bạn không học cách “lắng nghe mà như không nghe gì cả”, trừ khi cần thiết (tất nhiên, những người khác cũng đang lắng nghe bạn). Nếu nghe lỏm “lành tính” có ích cho điều chỉnh lại cách sống và cách làm việc thì không hẳn là điều xấu. Một số giám đốc điều hành và nhà nghiên cứu đồng ý, người lao động có thể thu được nhiều hiểu biết sâu sắc từ các cuộc trò chuyện của các đồng nghiệp xung quanh – Wall Street Journal cho biết.

“Nghe lỏm không dàn dựng” không chỉ cung cấp thông tin về những gì đang xảy ra ở công ty, mà còn giúp chúng ta hiểu được suy nghĩ, khối lượng công việc và tâm trạng của cấp dưới hay đồng nghiệp. Nó có thể giúp chúng ta biết được một số điều về những người khác trong tổ chức và rút được một số kinh nghiệm về đối thoại với đồng nghiệp. Thậm chí, một số nơi làm việc còn cố ý thiết kế không gian văn phòng mở để tạo cơ hội cho mọi người nghe lỏm lẫn nhau!

Sự tôn trọng bất ngờ đối với hành vi nghe lỏm một phần được thúc đẩy bởi việc người lao động quay trở lại văn phòng sau đại dịch. “Các nhân viên bắt đầu nhận ra họ được hưởng lợi rất nhiều từ các thông tin nghe trực tiếp hoặc nghe lỏm được khi cùng ngồi chung một căn phòng (điều không hề có khi làm việc từ xa), từ kế hoạch giải trí cuối tuần cho đến các dự án công việc sắp tới” – một nhà nghiên cứu giải thích.

Johnny Taylor, giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực (SHRM) cho biết: “Đến văn phòng chúng ta có nhiều cơ hội hơn được lắng nghe những cuộc trò chuyện thú vị”. Robert Burns, giám đốc tiếp thị của công ty tái chế đồ điện tử Sunnking ở Brockport, New York thừa nhận ông thường nghe lỏm đồng nghiệp khi họ thực hiện các cuộc gọi công việc. “Nó giúp tôi hiểu rõ hơn về cách họ nói về công ty với khách hàng hoặc nhà cung cấp, từ đó tôi tiếp thu được các bí quyết mang lại kết quả tốt và những hành vi dẫn đến thất bại. Những bí quyết nghe lỏm được tôi lại cung cấp cho các đồng nghiệp khác để họ đơn giản hoá phương pháp tiếp thị sao cho khách hàng dễ hiểu và sự giao tiếp giữa hai bên dễ dàng hơn”.

Rõ ràng nghe lỏm rất có lợi vì bạn biết mọi người đang làm gì, nghĩ gì, cả tích cực lẫn tiêu cực. Dĩ nhiên, những gì người ta nói thì thầm theo kiểu muốn che giấu chuyện riêng tư thì bạn không nên nghe hay mách lẻo với người khác. Đó là một quy luật bất thành văn thuộc phạm trù đạo đức và đời tư cá nhân.

Theo các nhà nghiên cứu, lợi ích lớn nhất của việc nghe lỏm không chỉ là nghe những gì người khác nói. Hillary Anger Elfenbein, giáo sư về hành vi tổ chức tại Đại học Washington ở St. Louis từng nghiên cứu chủ đề này, nhận định: “Việc biết ai thích nói chuyện với ai có thể giúp chúng ta dễ dàng nắm được chính xác ‘vòng bên trong’ của họ. Nắm được rồi bạn sẽ dễ tác động đúng người, đúng việc hơn”.

Trong nghiên cứu của mình, bà nhận thấy việc nhận ra chính xác ‘vòng bên trong’ này không hề dễ, nhưng nếu đã nhận ra rồi, bạn sẽ thấy “những thân tín” của nhau thường dùng các tín hiệu như ngôn ngữ cơ thể để cung cấp thông tin với nhau mà không cần lời nói. Elfenbein lưu ý: “Trong những năm gần đây, khi có ít người làm việc ở văn phòng hơn, việc nghe lỏm càng có giá trị hơn. Có ít cơ hội trò chuyện trực tiếp tại các cuộc họp toàn thể, nghe lỏm là sự bù đắp thông tin quan trọng”.

Minh họa: arlington-research-unsplash

Tạo cơ hội nghe lỏm nhưng hãy thận trọng

Brian Stromquist phụ trách thực hành công nghệ ở nơi làm việc tại công ty thiết kế và kiến trúc Gensler nhận xét: “Nhiều công ty đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của các hành vi ‘không quy ước’ tại nơi làm việc, như nghe lỏm các cuộc trò chuyện của người khác. Thậm chí họ khuyến khích nó thông qua việc thiết lập không gian văn phòng mở. Các sếp xem những trao đổi nghe lỏm được giữa các nhân viên là ‘lời khuyên không chính thức’ của cấp dưới cho cấp cao. Nghe lỏm cấp dưới còn là thước đo cách nhân viên cấp dưới đánh giá phẩm chất lãnh đạo. Một nhân viên mới chưa được dự họp cũng có thể hưởng lợi chỉ bằng việc nghe lỏm những gì người khác biết trong cuộc họp, như cách giải quyết một vấn đề hay thực hiện một dự án”.

Tất nhiên, việc chủ ý tìm cách nghe lỏm các cuộc trò chuyện riêng tư hoặc cá nhân là sai trái. Bạn chỉ nên nghe lén lành mạnh và thu thập thông tin mà không vi phạm quyền riêng tư của người khác”. Adam Struck, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Struck Capital có trụ sở tại Los Angeles, nhận định: “Các giám đốc công ty không nên tạo ra một nền văn hóa nơi mọi người cảm thấy họ bị cấp trên nghe lén tất cả những gì họ nói”. Leila Bighash, trợ lý giáo sư về truyền thông tại Đại học Arizona, từng nghiên cứu về nghe lỏm xã hội cho biết:

“Có một số người làm công việc đặc thù nào đó cần nghe lỏm để tiến bộ. Ví dụ các y tá, bác sĩ và nhân viên bệnh viện dùng nghe lỏm để nâng tay nghề và rút kinh nghiệm, tránh gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Đối với những người này, nghe lỏm tại nơi làm việc có khi là một phần không thể thiếu trong công việc. Những người làm việc trong môi trường khắc nghiệt cũng có thể hưởng lợi từ việc nghe lén để biết trước những nguy hiểm hay thách thức tiềm ẩn không được đề cập chính thức trong các cuộc họp”.

Nghe lỏm không nhất thiết là nghe các cuộc trò chuyện trực tiếp giữa người và người. Paul Leonardi, giáo sư Quản lý Công nghệ tại đại học UC Santa Barbara nhận định: “Khi nhiều người phải giữ liên lạc với các đồng nghiệp ở xa bằng kỹ thuật số, ngày càng có nhiều công ty giả lập môi trường văn phòng bằng cách cung cấp nhiều cơ hội hơn ‘nghe lỏm kỹ thuật số’ thông qua các kênh như ứng dụng nhắn tin Slack hoặc các ứng dụng nhắn tin khác có nhiều người tham gia. Cách khác là truy cập trực tuyến các tài liệu và bản trình bày của công ty hoặc nghe các cuộc gọi Zoom ghi âm”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: