Phương Tây không thể mất cảnh giác với xe hơi điện Trung Quốc

Xe điện của hãng BYD tại Brussels Motor Show, Bỉ, Tháng Giêng 2023 (ảnh: Zheng Huansong/Xinhua via Getty Images)

Xe hơi điện (EV) ra lò hàng loạt của Trung Quốc (TQ) là một cảnh báo cho phương Tây. Áp lực cạnh tranh và sáng tạo đã khiến EV do TQ thiết kế và sản xuất trở thành đối thủ đáng gờm.

Vọt lên dẫn đầu

TQ đã làm rung chuyển thế giới xe hơi hai lần trong năm nay. Đầu tiên, EV của họ đã làm choáng váng các đối thủ phương Tây tại cuộc triển lãm xe hơi Thượng Hải, cả về chất lượng, tính năng và giá cả. Sau đó, báo cáo trong Quý I, 2023 cho thấy Nhật Bản đã bị TQ soán ngôi “nhà xuất khẩu xe hơi lớn nhất thế giới” – Wall Street Journal cho biết.

Làm cách nào TQ có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh để dẫn đầu thị trường một mặt hàng tiêu dùng “khó nhằn” nhưng béo bở nhất thế giới vốn bị các thương hiệu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thống trị nhiều năm qua? Câu trả lời là sự kết hợp độc đáo giữa “chính sách công nghiệp”, “chủ nghĩa bảo hộ” và “khuyến khích cạnh tranh nội địa”.

Các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây hiểu nhiều về chính sách công nghiệp và chủ nghĩa bảo hộ nhưng… không nhìn thấy sức mạnh của cạnh tranh nội địa! Về chính sách công nghiệp, TQ sử dụng nguồn lực của chính phủ để giúp đỡ các ngành được ưu tiên. TQ đã thực hành chính sách công nghiệp trong nhiều thập niên qua. Dù chính sách này đang nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều ở Hoa Kỳ, nhưng khái niệm đứng sau nó vẫn còn gây tranh cãi.

Chính phủ nào xác định không đúng các công nghệ quan trọng hay các công ty hiệu năng cao và đi đúng hướng sẽ trợ cấp sai địa chỉ và lãng phí. TQ cũng gặp trường hợp này, nhưng trong trường hợp EV, chính sách công nghiệp của TQ có một số điểm sáng không thể phủ nhận.

Trung Quốc tăng cường lắp đặt hệ thống sạc cho xe điện ở khắp nơi (ảnh: Zhang Peng/LightRocket via Getty Images)

Đầu tiên, các chính phủ trên khắp thế giới xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa lâu dài đòi hỏi các biện pháp can thiệp hàng thập niên để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. TQ đã tiếp thu tốt lý thuyết này khi cho rằng trong giao thông vận tải, quá trình chuyển đổi sẽ ưu tiên EV. Năm 2009, TQ bắt đầu trợ cấp hào phóng cho người mua EV. Việc mua sắm công đối với taxi và xe buýt cũng ưu tiên EV, bộ sạc được trợ cấp và chính quyền các tỉnh huy động vốn để khai thác và tinh chế lithium cho pin EV. Năm 2020, công ty NIO (kẻ thách thức đầy tham vọng của Tesla) đã tránh được phá sản nhờ gói cứu trợ của chính phủ.

Trong khi chính sách công nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu EV, chủ nghĩa bảo hộ đảm bảo những chiếc EV đó “được sản xuất tại TQ, bởi các công ty TQ”. Để đủ điều kiện nhận trợ cấp, EV phải sản xuất trong nước. Các thương hiệu nước ngoài hội đủ điều kiện sản xuất cho thị trường TQ cũng phải dùng pin do các công ty TQ chế tạo. Tất cả đã giúp mang lại lợi thế cho các “nhà vô địch quốc gia” TQ như tập đoàn Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL, 宁德时代, Trữ Đức Thời Đại) và BYD (“Build Your Dreams”, 比亚迪股份有限公司 – Tỉ Á Địch cổ phần hữu hạn công ty) so với các công ty dẫn đầu thị trường lúc bấy giờ của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Để bán được hàng ở TQ, các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao kỹ năng của ngành công nghiệp địa phương. Gregor Sebastian, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu TQ Mercator của Đức, cho biết tập đoàn Guangzhou Automobile Group thuộc sở hữu nhà nước đã có được các công nghệ cần thiết để trở thành ông lớn sản xuất EV cũng nhờ liên doanh với Toyota, Honda để được chuyển giao công nghệ. Nhưng bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ, doanh số bán EV vẫn yếu cho đến năm 2019, khi TQ để Tesla mở một nhà máy sở hữu hoàn toàn ở Thượng Hải.

Xe điện NIO được sản xuất tại nhà máy NIO ở Đức (ảnh: Attila Volgyi/Xinhua via Getty Images)

Khi phương Tây mất cảnh giác

Trở lại năm 2011, Pony Ma (còn được gọi là Ma Huateng – Mã Hóa Đằng), người sáng lập tập đoàn Tencent, đã giải thích điều gì khiến “chủ nghĩa tư bản TQ” khác biệt với chủ nghĩa tư bản Mỹ. “Ở Mỹ, khi bạn đưa một ý tưởng ra thị trường, bạn thường có vài tháng giành được thị phần đáng kể trước khi gặp sự cạnh tranh. Ở TQ, bạn sẽ có hàng trăm đối thủ cạnh tranh chỉ trong vòng vài giờ đầu tiên khởi động. Ý tưởng không quan trọng ở đây, thực hiện mới quan trọng”.

Nhờ sự cạnh tranh và tập trung vào việc thực hiện, ngành công nghiệp EV TQ đã đi từ một dự án chính sách công nghiệp nhỏ thành một hệ sinh thái rộng lớn bao gồm các công ty tư nhân chủ yếu. “Phần lớn phát triển này thoát khỏi tầm ngắm của phương Tây khi TQ tự cô lập khỏi thế giới bằng chính sách “zero-Covid”.

Khi các giám đốc điều hành xe hơi phương Tây đến tham dự cuộc triển lãm xe hơi Thượng Hải vào Tháng Tư qua, họ bất ngờ khi nhìn thấy một rừng biển số xanh (dành cho các phương tiện sử dụng năng lượng sạch) các thương hiệu EV Trung Quốc. Tại thị trường nước này, các nhà sản xuất xe điện, giống như các công ty công nghệ, hướng đến nhu cầu thực tế của người dùng hơn là sự chỉn chu của sản phẩm.

Xe điện TQ có ít nhất hai, thường là ba màn hình hiển thị, một màn hình phù hợp để xem phim từ ghế sau, nhiều cảm biến dựa trên tia laser để hỗ trợ người lái và thậm chí cả micro để hát karaoke (Tesla đã nhanh chóng sao chép). Các nhà cung cấp TQ như CATL đã đi từ kẻ tụt hậu trở thành người dẫn đầu. Sự thống trị của TQ đối với EV hoàn toàn nằm ngoài dự đoán. Mối đe dọa đối với thị phần xe hơi phương Tây do xe điện TQ gây ra là mối đe dọa có thực mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây chưa có câu trả lời rõ ràng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: