Sát thủ ngọt ngào

Ảnh: solen-feyissa-unsplash

Hôm rồi đi cà phê, tôi đang lúi húi bấm điện thoại thì người bạn khó chịu: “Đi cà phê không lo nói chuyện, thư giãn mà điện thoại miết”. Trước giờ tôi rất dị ứng với thói này mà bây giờ lại dính!

Thế là ngồi điểm lại:

Mình còn nhớ bao nhiêu số điện thoại?

Lúc rảnh, phần lớn thời gian mình làm gì? Bao lâu mình cầm điện thoại một lần?

Trong một ngày, trừ công việc, mình có đọc cái gì dài hơn 1,000 chữ không?

Đi ăn, uống cà phê với bạn bè, có khi nào mình không thèm ngó tới cái điện thoại không?

Thời gian lâu nhất mình không vào mạng mà không thấy bứt rứt?

Tự trả lời xong mà giật mình không ngờ có ngày mình “xuống cấp” đến vậy.

Và tôi chỉ là một trong hầu hết chúng ta.

Có khi nào bạn thấy: “Ủa, sao gần đây mình hay quên quá”, “Sao mình khó dứt điểm công việc trong ngày?”, “Sao lâu rồi mình không học thêm được cái gì mới?”… Và rồi bạn tự trả lời: “Chắc do tuổi tác”. Chưa chắc đâu, một trong những thủ phạm chính có thể là mạng xã hội (social media) như Facebook, TikTok, Instagram, Zalo…

Gọi mạng xã hội là sát thủ ngọt ngào vì nó quá quyến rũ, quá hấp dẫn. Nó dìm chúng ta vào thế giới “fast food” đầy âm thanh và màu sắc một cách nhẹ nhàng để rồi “chết chìm” mà không hay biết.  Mới đây, tỉ phú Elon Musk có nói trên Twitter: “Phải chăng TikTok hay social media nói chung đang hủy diệt nền văn minh?”. Hủy diệt nền văn minh hay không thì chưa biết nhưng làm giảm sự tập trung là điều chắc chắn.

TẠI SAO?

Khi hoàn thành hoặc đạt được một điều nào đó, não sẽ tự động tiết ra dopamine (hormone gây cảm giác hưng phấn, sung sướng). Vì thế, mỗi khi có người bấm like, thả tim cho chúng ta hoặc mỗi khi chúng ta xem xong một video clip nào “vui vui, hay hay” thì não sẽ lại tiết ra dopamine. Mỗi video clip trên Reels, YouTube Shorts và TikTok thường chỉ dưới một phút, nên một ngày chúng ta xem bèo bèo cũng vài chục clip, nhận được vài chục like. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta được “sung sướng” vài chục lần mỗi ngày. Dần dà, dopamine trở thành “thuốc phiện”, thiếu nó ta thấy bứt rứt. Chúng ta sẽ ngày càng trông chờ like hơn, muốn tìm xem thêm nhiều clip “vui vui, hay hay” hơn để được thỏa mãn sự “sung sướng” đó.

Thời gian trong một ngày có hạn, nên để có thể được “sung sướng” nhiều lần hơn chúng ta sẽ có khuynh hướng TẬP TRUNG VÀO NHỮNG GÌ THẬT NGẮN (xem clip ngắn; đọc, viết status ngắn…). Vì thế, sự tập trung của chúng ta ngày càng giảm là điều tất yếu.

Ảnh: camilo-jimenez-unsplash

TẬP TRUNG KÉM THÌ SAO?

Muốn có kiến thức cần phải có nguồn thông tin tốt, tập trung suy nghĩ, chắt lọc thông tin, đào sâu tìm hiểu để thẩm thấu. Vì thế, sức tập trung yếu KHÓ THỂ HỌC THÊM, MỞ MANG KIẾN THỨC.

Cạnh đó, dù mỗi clip thường chỉ dưới một phút, nhưng số lượng clip thì… vô tận, nên tưởng chỉ giải trí vài phút nhưng có thể kéo hàng giờ như chơi. Mà theo Hiệp hội tâm thần Mỹ, sử dụng thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính bảng…) quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến não, TĂNG SỰ LO LẮNG, TĂNG KHUYNH HƯỚNG TỰ SÁT.

Theo CounterCurrents.org, lượng thông tin mỗi người tiếp nhận năm 2021 gấp năm lần năm 1986. Với lượng thông tin ngồn ngộn đổ vào như vậy, dễ hiểu tại sao chúng ta KHÓ THỂ TẬP TRUNG VÀO MỘT VIỆC ĐỦ LÂU vì chúng ta bị luôn bị “quấy rầy” bởi quá nhiều thông tin ập đến bằng nhiều hình thức khác nhau.

Mà với sự tập trung trong thời gian quá ngắn, thông tin tiếp nhận vào chỉ mới nằm ở vùng trí nhớ tạm thời mà không có thời gian để “tiêu hóa” biến thành kiến thức để cất vào vùng trí nhớ dài hạn. Trong khi đó, các thông tin khác vẫn cứ dồn dập nhồi vào, bộ nhớ của con người có hạn, đương nhiên sẽ tự động xoá những thông tin trước đó để chừa chỗ cho thông tin đến sau. Đó cũng là lý do dẫn đến việc HAY QUÊN.

NHỮNG CON SỐ GIẬT MÌNH

Để ý thử xem, cách đây 20, 30 năm, độ dài trung bình một phim chiếu rạp từ 150-180 phút, một bài phóng sự trên báo khoảng 2,000-2,200 từ. Nhưng bây giờ, phần lớn phim chỉ khoảng 90-100 phút, phóng sự chỉ 1,200 -1,500 từ.

Theo thống kê, có đến 6/10 người đọc báo chỉ lướt qua tựa bài (năm 2014). Thế hệ Millennial (đầu thập niên 1980 đến giữa 1990) cầm điện thoại khoảng… 150 lần/ngày, tức là trung bình 10 phút cầm điện thoại một lần (năm 2016). Trung bình mỗi lần truy cập, một người sẽ dành 11 phút “lướt” 26 clip TikTok, 15 giây/clip. Và 26 là con số hoàn hảo để TikTok có thể thu thập nhiều dữ liệu từ người dùng. Thời gian trung bình sử dụng TikTok của người dùng Mỹ khoảng 29 tiếng/tháng, Facebook 16 tiếng và Instagram 8 tiếng (năm 2022).

Khi ai đó thiếu tập trung, trí nhớ kém, ta thường hay mắng “đồ não cá vàng” vì khoa học cho biết, sự tập trung của cá vàng chỉ kéo dài… 9 giây. Nhưng khoan, theo Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học Mỹ, sự tập trung của con người đã giảm từ 12 giây (năm 2000) xuống còn… 8 giây (năm 2013), tức là còn thua con cá vàng tới một giây (chính vì điều này mà hầu hết các nhãn hàng trong vòng 8 giây phải làm sao nêu được thông điệp chính đến người xem).

Từ 2013 đến nay đã gần 10 năm, với sự phát triển vùn vụt của TikTok, Reels… sự tập trung của con người hẳn còn phải thấp hơn nữa. Vì vậy, chúng ta đừng vội “dương dương tự đắc” rằng mình “ngon” hơn cá vàng. Biết đâu bọn cá vàng cũng mắng nhau: “Đồ… não người” đấy.

Ảnh: robin-worrall-unsplash

LÀM SAO ĐỂ CẢI THIỆN?

Theo nghiên cứu, để não giữ sự tập trung cần hai điều: Dẹp mọi thứ làm bạn “phân tâm” (bằng cách chuyển điện thoại qua chế độ rung, tắt thông báo) và không làm cùng lúc nhiều việc (không lướt TikTok, Facebook khi đang làm việc). Trừ khi chẳng đặng đừng, lúc ăn, hoặc ngồi cà phê với bạn bè, không nên xem điện thoại. Lúc rảnh, thay vì đọc điện thoại, ta đọc sách. Mỗi khi có hẹn cà phê với bạn, tôi thường ra sớm hơn một chút, ngồi đọc sách (hay vẽ linh tinh gì đó).

Mỗi chuyến du lịch ngắn ngày, tôi mang một cuốn sách và phải thanh toán nó xong (đọc trong lúc chờ tàu, xe). Cách này giết thời gian rất hiệu quả. Hiện tại, tôi đang ráng trở lại thói quen đọc ít nhất 20-30 phút/ngày (lúc nghỉ trưa, trước khi đi ngủ). Ngoài ra theo khoa học, uống nước, nhai kẹo cao su, tập thể dục, thiền cũng là những cách hiệu quả để gia tăng sự tập trung.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: