Chơi nhạc, hát hợp xướng, đem lại hiệu quả bất ngờ!

(minh họa: Austin Pacheco/Unsplash)

“Này, qua Tết ghi danh cho mẹ học piano nghe chưa, mẹ muốn học ‘cái món’ này,” Kathy trố mắt nhìn khi nghe mẹ mình “ra lệnh” như thế.

Nhưng cô con gái cũng không quá bất ngờ, vì mẹ của cô chơi được guitar, trước khi định cư ở Mỹ có hát trong ca đoàn nhà thờ Ba Chuông, khá nhạc lý.

“Mẹ mình năm nay đã hơn 70 tuổi, còn lái xe vèo vèo, thích tự đi đây đi đó chứ không nhờ con cái,” Kathy kể. “Đặc biệt bà thích ca hát lắm, mê nghe nhạc, nhạc Việt, nhạc Mỹ, thậm chí nhạc Mexico bà cũng thích, và bảo giai điệu nghe vui. Bà nói nhờ âm nhạc, nhờ chơi được nhạc cụ, bà mới… sáng suốt và khỏe mạnh như thế.”

Người mẹ của Kathy nói không sai.

Nghiên cứu cho thấy bộ não của một người sẽ khoẻ mạnh hơn nếu họ chơi một loại nhạc cụ hoặc hát trong một dàn hợp xướng.

Một nghiên cứu mới trên tạp chí International Journal of Geriatric Psychiatry tiết lộ rằng việc sử dụng và sáng tạo âm nhạc theo bất kỳ cách nào sẽ làm tăng cường sức khỏe não bộ trong những năm sau này trong cuộc đời của mỗi người.

Bộ não của một người sẽ khoẻ mạnh hơn nếu họ chơi một loại nhạc cụ hoặc hát trong một dàn hợp xướng. (minh họa: Omar Flores/Unsplash)

Đặc biệt là chơi piano giúp cải thiện trí nhớ và chức năng điều hành của não – khả năng giải quyết các nhiệm vụ phức tạp tốt hơn – ở những người cao niên. Các nhà nghiên cứu đưa ra những phát hiện này sau khi phân tích dữ liệu được thu thập từ một thí nghiệm trực tuyến với hơn 25,000 người từ 40 tuổi trở lên tham gia, có tên là PROTECT.

“Một số thử nghiệm đã xem xét tác động của âm nhạc đối với sức khỏe não bộ. Nghiên cứu mang tên PROTECT đã mang đến cơ hội duy nhất để khám phá mối quan hệ giữa hiệu suất nhận thức và âm nhạc trong một nhóm lớn người lớn tuổi,” tác giả của phân tích này – Anne Corbett, giáo sư nghiên cứu về chứng mất trí nhớ tại University of Exeter ở Anh Quốc, cho biết.

Phân tích tiết lộ rằng những người có trải nghiệm và tiếp xúc với âm nhạc nhiều hơn trong suốt cuộc đời họ sẽ có khả năng nhận thức tốt hơn về sau trong cuộc sống. Ngoài ra, việc chơi nhạc cụ trong quá trình trưởng thành cũng củng cố những lợi ích này hơn nữa.

Sự liên kết nói trên được nhận thấy ở cả việc chơi nhạc cụ, hoặc ca hát trong một dàn hợp xướng. Các tác giả của bài báo lưu ý rằng lợi ích của việc hát theo hợp xướng cũng xuất phát từ các yếu tố xã hội, khi trở thành thành viên của một nhóm nhạc hay ca đoàn.

Corbett nói: “Tôi nghĩ niềm đam mê âm nhạc là một cách để khai thác sự nhanh nhẹn và khả năng phục hồi của não bộ, hay còn được gọi là dự trữ nhận thức.”

“Mặc dù cũng còn cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận cuối cùng về mối quan hệ này, nhưng những phát hiện trên chỉ ra rằng việc phổ biến nền giáo dục trong âm nhạc sẽ là một phần có giá trị trong các sáng kiến y tế công cộng nhằm thúc đẩy lối sống bảo vệ sức khỏe não bộ, cũng như khuyến khích người lớn tuổi chơi nhạc cụ trở lại,” Corbett nói thêm.

Một số bằng chứng quan trọng về lợi ích của các hoạt động âm nhạc theo nhóm đối với những người mắc chứng mất trí nhớ và phương pháp này còn được mở rộng như một phần của việc chăm sức khỏe khi về già dành cho người lớn tuổi để giúp họ chủ động giảm nguy cơ và tăng cường thể trạng não bộ.

Âm nhạc nhẹ nhàng, chậm rãi giúp giảm căng thẳng, hạ huyết áp và giảm bớt lo lắng. (minh họa: Derek Truninger/Unsplash)

Nhiều người lớn tuổi cũng đồng ý với những phát hiện này, theo đề xuất của nghệ sĩ Stuart Douglas, 78 tuổi, cư dân Cornwall, Anh Quốc, đã dành cả đời để chơi đàn accordion.

Douglas nói: “Tôi học chơi đàn accordion khi còn bé, lúc sống ở một làng khai thác mỏ tại Fife và tiếp tục chơi như thế khi gia nhập lực lượng cảnh sát và mãi sau này.”

Khi đã lớn tuổi, Douglas chơi đàn thường xuyên hơn, và việc chơi trong ban nhạc biểu diễn trước công chúng, cũng khiến lịch của ông luôn kín mít. Nhóm của ông thường xuyên chơi ở các quán cà phê luyện trí nhớ, nên đã thấy tác dụng của âm nhạc đối với những người bị mất trí nhớ và những người cao tuổi.

“Là các nhạc sĩ, tụi tôi không bao giờ băn khoăn gì về việc tiếp tục theo đuổi âm nhạc khi về già, vì nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho trí não của chúng ta luôn khỏe mạnh,” Douglas chia sẻ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: