Coi chừng mất mạng vì sai sót của bác sĩ

Minh họa: Hush Naidoo/Unsplash

Chẩn đoán sai bệnh là sai sót phổ biến hơn kê toa thuốc sai và phẫu thuật sai vị trí. Đó là phát hiện mới nhất trong một báo cáo y học về một vấn nạn đôi khi để lại những hậu quả không thể đảo lộn được, kể cả cái chết. Thường thì chẩn đoán sai ban đầu là sợi dây dẫn đến một loạt chẩn đoán sai khác.

Những gì công bố chỉ là phần nổi của tảng băng

Ví dụ trường hợp của bà Karen Holliman, một chuyên viên tài chính. Khi đến hơn 50 bác sĩ tại Durham, bang North Carolina, bà mới biết triệu chứng mệt mỏi và đau lưng kịch phát là do ung thư ngực. Chụp MRI năm 2011 nghi ung thư nhưng sau đó, bác sĩ nội tiết khẳng định không phải ung thư và cho bà bổ sung thuốc viên hormone. Đến Tháng Mười Hai 2014, bà chính thức được báo là bị ung thư giai đoạn bốn và chỉ còn sống tối đa là ba năm thay vì 10 năm nếu bệnh của bà không bị chẩn đoán sai.

Trước khi “tai nạn không hề mong đợi” xảy ra với chính mình, bác sĩ Itzhak Brook, chuyên viên về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Trường Y Đại học Georgetown chưa bao giờ quan tâm nhiều đến những cảnh báo về tình trạng phổ biến của việc chẩn đoán sai bệnh. Cảm thấy có vấn đề ở cổ họng, Brook đến khám tại một bệnh viện ở bang Maryland. Các bác sĩ đều khẳng định ông chỉ bị trào ngược acid (acid reflux) chứ không phải ung thư. Nhưng chẩn đoán lại sau đó bởi một bác sĩ “có nghề” cho thấy cổ họng của ông đã có một khối u nhỏ bằng hạt đậu xanh.

Bác sĩ này đã dùng một phương pháp đơn giản mà các chuyên viên đầu cổ đều biết, nhưng họ ít khi sử dụng để tầm soát ung thư cho các bệnh nhân của họ. Họ nghĩ phương pháp này là không cần thiết. Vì chẩn đoán đúng bị trễ mất bảy tháng (“thời gian vàng” của các bệnh nhân ung thư), nên Brook phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ hộp thoại (voice box), ảnh hưởng đến độ trong và âm lượng giọng nói của ông. “Ca phẫu thuật là không cần thiết nếu ung thư được phát hiện sớm. Nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người khác là còn sống” – Brook, hiện 72 tuổi, nói về một “tai nạn” đã xảy ra từ năm 2010 tại một hội nghị quốc tế thảo luận về nạn chẩn bệnh sai tổ chức ở Baltimore.

Minh họa: Natanael Melchor/Unsplash

“Là một bác sĩ có 40 năm kinh nghiệm, tôi thực sự bị sốc trước các chẩn đoán sai của mình và đồng nghiệp” – ông tâm sự. Theo các chuyên viên về an toàn của bệnh nhân thì những trường hợp như Brook không hề hiếm, nếu không nói là phổ biến. Những số liệu điều tra đáng tin cậy cho thấy chẩn đoán sai, sót hay chậm chiếm đến 10-20% số ca chẩn đoán, vượt xa nạn cho thuốc sai hay phẫu thuật sai vị trí, sai cơ phận. Điều đáng nói hơn là hai trường hợp sau được chú ý nhiều hơn là chẩn đoán sai. Chính vì vậy mà một số nghiên cứu mới đã tìm cách thay đổi tâm lý này bằng cách đưa ra các số liệu khoa học thuyết phục về mức độ và tác hại tiềm ẩn của chẩn đoán sai.

Ví dụ một báo cáo năm 2013 do cơ quan liên bang Agency for Healthcare Research and Quality chi tiền đã phát hiện có khoảng 28% trong 583 ca chẩn đoán sai được báo cáo bởi các bác sĩ, với hậu quả dẫn đến chết người hay tàn tật vĩnh viễn. Một phân tích sâu hơn do tạp san BMJ Quality & Safety công bố vào năm ngoái cho thấy những ca chẩn đoán sai tại phòng cấp cứu là nguyên nhân của hơn 40,000 cái chết, bằng số bệnh nhân chết vì ung thư vú mỗi năm.

Một nghiên cứu mới trên 190 ca chẩn đoán sai tại cụm bệnh viện VA ở Texas cho thấy có nhiều ca bệnh thông thường như viêm phổi hay viêm đường tiểu cũng bị chẩn đoán sai (87% số ca chẩn đoàn sai đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho bệnh nhân, thậm chí tử vong). “Chẩn đoán sai bệnh có thể xảy ra với bất cứ bác sĩ nào, tại bất cứ thời điểm nào nếu họ chủ quan và khinh suất – Tiến sĩ David Newman-Toker, chuyên nghiên cứu về chẩn đoán sai thuộc nhóm tổ chức hội nghị quốc tế bàn về vấn đề này nói – Chẩn đoán sai rất phổ biến và nhiều hơn bất cứ sai sót nào khác trong y học. Những gì chúng ta biết chỉ là phần nổi của tảng băng”.

Một vấn nạn cũ nhưng vẫn mới

Vấn đề chẩn đoán sai không hề mới. Năm 2001, công trình nghiên cứu “Medical Practice Study” của Đại học Harvard phát hiện rằng chẩn đoán sai chiếm đến 14% số ca gây ra “phản ứng điều trị khác với dự tính” và 75% ca chẩn đoán sai là do sự lơ là của bác sĩ khi họ không xem kỹ các kết quả xét nghiệm và những biểu hiện bệnh khác.
Vấn đề này chỉ được nêu lên hai lần trong báo cáo hàng năm của Viện Y học Mỹ, một sai sót mà các chuyên viên an toàn bệnh nhân đổ lỗi cho ba lý do: những khó khăn trong việc đánh giá mức độ tác hại của chẩn đoán sai, thiếu giải pháp khả thi để ngăn chặn nó và nhiều rào cản cho những ai muốn công khai hóa sai sót.

Vài năm trở lại đây, có một loạt yếu tố mới đã làm tăng sự quan tâm đến một vấn đề bị xem nhẹ từ lâu này. Trong cuốn How Doctors Think phát hành năm 2007 và bán rất chạy, chuyên gia ung thư Jerome Groopman tại thành phố Boston đã cố mổ xẻ quá trình tư duy và thao tác dẫn đến chẩn đoán sai của các bác sĩ, kể cả những người có bề dày nghề nghiệp. Sau ông, nhiều người có vai vế trong y học đã mở cuộc vận động để đánh động giới y học về sự nguy hiểm của chẩn đoán sai.

Theo họ, trong số yếu tố dẫn đến chẩn đoán sai có: các phương thức ngày càng phức tạp trong khám chữa bệnh, sự phân tán của hệ thống chăm sóc y tế, áp lực thời gian đối với bác sĩ và việc quá trông cậy vào các xét nghiệm tốn kém thay vì cảm nhận bằng mắt và tiếp cận với bệnh nhân theo cách chẩn đoán cũ. Bé Rory Staunton, 12 tuổi – phải cấp cứu nhưng được một bệnh viện ở New York cho về nhà vì chẩn đoán sai là viêm hệ thống tiêu hóa – cuối cùng đã chết oan ức tại nhà. Xìcăngđan này đã làm dấy lên cuộc vận động đòi các bác sĩ phải thể hiện tính nhân bản hơn trong việc khám chữa bệnh thay vì quá trông cậy vào các số liệu xét nghiệm khô cứng và máy móc. Các hệ thống máy tính lưu trữ như Watson and Isabel của hãng IBM được cho là giúp việc chẩn bệnh được chính xác hơn nhưng không phải ai cũng đồng ý như thế.

Sai sót khó ngăn ngừa nhất trong các sai sót y khoa

Không như trường hợp kê toa thuốc sai và phẫu thuật sai vị trí, chẩn đoán sai rất khó ngăn ngừa. “Thậm chí có những sai sót phải mất vài năm mới lộ diện” – Graber đang làm việc tại trung tâm nghiên cứu RTI International thuộc công ty Research Triangle Park, N.C nhận định – “Chẩn đoán sai là một khái niệm đôi khi khá mơ hồ mà lúc phát hiện ra thì chính người làm sai cũng kinh ngạc”.

Đa số bệnh nhân khi thấy bệnh không thuyên giảm sẽ thay bác sĩ khác, và bác sĩ chẩn đoán sai không còn cơ hội biết mình sai ở chỗ nào. Càng nhiều bác sĩ chẩn đoán sai, tình hình càng phức tạp hơn. Số vụ phải ra tòa vì chẩn đoán sai hầu như rất ít. Môi trường thăm khám bệnh cũng ảnh hưởng đến chất lượng chẩn đoán. Đa số ca chẩn đoán sai xảy ra tại phòng cấp cứu. Tại đây, bác sĩ không biết bệnh nhân như tại phòng khám bệnh, bệnh nhân thì nghi ngờ bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ còn áp lực thời gian và bị phân tâm bởi những ca cấp cứu khác. Chẩn đoán sai không phải là “đặc sản” của bệnh viện. Một nghiên cứu mới của cụm bệnh viện VA do Newman-Toker và Martin Makary thực hiện ước tính có hơn nửa tỉ ca chẩn bệnh ban đầu mỗi năm tại Mỹ, trong đó có 500,000 ca chẩn đoán sai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: