Đường ăn kiêng không an toàn như bạn nghĩ!

Minh họa: mathilde-langevin-unsplash

Các nhà nghiên cứu tại Đại học North Carolina phát hiện rằng sucralose, một chất tạo ngọt nhân tạo thường dùng trong đường và các thực phẩm ăn kiêng, có thể gây hại cho DNA và đường ruột. Phát hiện này đưa ra cảnh báo về nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khi sử dụng chất tạo ngọt trong thực phẩm hàng ngày dù trước đó, sucralose đã được công nhận là an toàn trong thực phẩm.

Trước đó vào năm 2018, đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng sucralose, được bán dưới thương hiệu Splenda, tạo ra các hợp chất hòa tan trong chất béo khi chuyển hóa trong ruột, mặc dù trước đó cho rằng nó không chuyển hóa thành năng lượng hoặc chất béo trong cơ thể.

Sucralose, được công ty Tate & Lyle của Anh phát hiện vào năm 1976, ngọt gấp 600 lần đường thông thường, gấp ba lần aspartame và gấp đôi saccharin – các chất tạo ngọt nhân tạo khác thường được sử dụng trong thực phẩm.

Nghiên cứu mới của Đại học North Carolina tập trung vào sucralose-6-acetate, một hợp chất có thể hòa tan trong chất béo được tạo ra khi sucralose phân hủy trong cơ thể. Thử nghiệm trên tế bào máu người đã cho thấy sucralose-6-acetate gây nhiễm độc gene và gây hỏng DNA trong các tế bào tiếp xúc với nó. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sucralose-6-acetate có thể gây đứt gãy chuỗi DNA và ảnh hưởng xấu đến các mô ruột.

Minh họa: maddi-bazzocco-unsplash

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện loạt thử nghiệm trên tế bào máu người với sucralose-6-acetate. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng “sucralose-6-acetate gây nhiễm độc gene và gây tổn thương DNA một cách hiệu quả trong các tế bào tiếp xúc với chất này”. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện sucralose-6-acetate có khả năng gây đứt gãy chuỗi DNA, đồng nghĩa với việc nó có thể trực tiếp gây hại cho cấu trúc gene. Trong trường hợp cơ thể không thể sửa chữa hoặc sửa chữa không đúng, các tổn thương DNA có thể góp phần vào tình trạng ung thư.

Thử nghiệm cũng cho thấy sucralose-6-aceate có tác động tiêu cực đến các mô ruột của người. Nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh rằng sucralose có thể gây hại cho sức khỏe đường ruột, vì vậy các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến hiện tượng này. Khi tế bào biểu mô ruột (tức lớp mô lót bên trong ruột) tiếp xúc với sucralosesucralose-6-acetate, cả hai hợp chất đều gây sự rò rỉ ruột.

Trong quá trình kiểm tra hoạt động di truyền của các tế bào ruột khi tiếp xúc với sucralose-6-acetate, các nhà nghiên cứu nhận thấy chất này có khả năng tăng hoạt động của các gene liên quan đến căng thẳng oxy hóa, viêm nhiễm và khả năng gây ung thư. Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi có quá nhiều phân tử không ổn định, được gọi là gốc tự do, trong cơ thể và không đủ chất chống oxy hóa để loại bỏ chúng.

Khi căng thẳng oxy hóa xảy ra, các phân tử này có thể gây hại cho mô mỡ, DNA và protein, góp phần vào sự phát triển của các bệnh như tiểu đường, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh tim mạch và ung thư. Ngoài ra, khả năng gây ung thư liên quan đến khả năng của một chất hóa học hoặc một hỗn hợp các chất gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Nhóm nghiên cứu lo ngại vì sucralose-6-acetate được tìm thấy trong sản phẩm chứa sucralose trên thị trường. Họ nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu đặt ra nhiều lo ngại về tác động tiềm ẩn đến sức khỏe của sucralose và các chất chuyển hóa của nó. Do đó, lời khuyên của các nhà nghiên cứu là cần xem xét lại mức độ an toàn và quy định về sucralose, vì có ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể không an toàn.

Mặc dù các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm như EFSA (European Food Safety Authority), FDA (United States Food and Drug Administration) và các tổ chức khác đã công nhận sucralose là an toàn để sử dụng, thế nhưng hiện tại, FDA vẫn đang tiếp tục theo dõi các nghiên cứu mới nhất để đánh giá lại tính an toàn của sucralose.

Nhiều chuyên gia đã và đang khuyến nghị người tiêu dùng hãy hạn chế sử dụng sản phẩm chứa sucralose và xem xét các lựa chọn khác thay thế như saccharin hay aspartame. Trong tương lai, việc xem xét lại an toàn và quy định về sucralose có thể là một khía cạnh quan trọng để đảm bảo sự bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho đến khi có thêm thông tin và khuyến nghị từ các cơ quan y tế, người tiêu dùng nên thận trọng và cân nhắc về việc sử dụng sucralose và sản phẩm chứa nó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: